Vì sao đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại tiếp tục 'trễ hẹn'?

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông một lần nữa có nguy cơ trễ hẹn đưa vào khai thác trong năm 2019, do chưa thể nghiệm thu toàn bộ dù đã hoàn thành khối lượng xây dựng. Đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại trễ hẹn với năm 2019.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại trễ hẹn với năm 2019.

Sau rất nhiều lần trễ hẹn tại dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giúp dư luận phần nào yên tâm khi đưa ra mốc thời gian cụ thể đưa dự án này vào khai thác thương mại trong năm 2019.

“Dateline” đầy hứa hẹn

Đây là nội dung nằm trong báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến hoạt động chất vấn và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội của Bộ GTVT. Trong báo cáo, Bộ GTVT cho biết, dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 99% và lắp đặt đạt 97% khối lượng thiết bị.

Hiện dự án này đã vận hành, chạy thử 13/13 đoàn tàu, tiến độ thi công thời gian qua đã có chuyển biến nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được tiến độ đã đề ra. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, dự kiến đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019.

Cùng thời điểm trên, Văn phòng Chính phủ có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP Hà Nội.

Thông báo nêu rõ, Phó Thủ tướng yêu cầu tổng thầu dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần khẩn trương thực hiện đúng quy định về hồ sơ thiết kế dự án được duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống theo đúng quy định.

Đồng thời, Bộ GTVT, chủ đầu tư cùng với UBND TP Hà Nội, tổng thầu, tư vấn cần tập trung hoàn thiện việc đánh giá chất lượng và thủ tục hoàn thành dự án theo đúng quy định pháp luật. Hội đồng nghiệm thu nhà nước phối hợp với tư vấn sớm đánh giá kết luận nghiệm thu công trình theo đúng quy định.

Chắc chắn dự án không thể khai thác thương mại trong năm 2019.

Thời điểm Bộ GTVT đưa ra “dateline” đưa dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại cách mốc 31/12/2019 khoảng 2 tháng. Với việc khối lượng xây lắp đã gần như hoàn thành xong, nhiều người tin tưởng “dateline” của Bộ GTVT là có cơ sở.

Tuy nhiên, khi “dateline” đã cận kề, với những hiện trạng đang tồn tại này, gần như chắc chắn dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể đưa vào vận hành khai thác thương mại trong năm 2019 được.

Trễ hẹn đến bao giờ?

Ngày 20/12, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đến thơi điểm hiện tại đang trong quá trình nghiệm thu từng phần. Riêng khối lượng xây dựng đã được hoàn tất.

Tuy nhiên, có một vấn đề đáng lưu ý là việc vận hành thử toàn hệ thống tuyến đang phải tạm hoãn do Tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) chưa xây dựng phương án an toàn cho dự án. Trong trường hợp không có phương án an toàn khai thác thì dự án sẽ không thể vận hành toàn hệ thống, kể cả là vận hành thử.

Một trong những nguyên nhân căn bản của vấn đề trên được đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đưa ra là việc dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là loại hình hoàn toàn mới đối với Việt Nam. Do đó, nhiều công nghệ sử dụng trong dự án này đầu tiên tiếp nhận, các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đường sắt đô thị vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Hiện Chủ đầu tư đang yêu cầu Tổng thầu EPC hoàn thiện phương án an toàn, sau đó mới cho chạy thử toàn hệ thống trong 20 ngày. Thời gian chạy thử này, đơn vị kiểm định độc lập là Công ty Tư vấn ACT của Pháp sẽ tiếp tục đánh giá để làm cơ sở tiến tới nghiệm thu dự án và bàn giao cho TP Hà Nội.

“Việc vận hành hệ thống phải tuân thủ theo đề cương vận hành thử chi tiết do tổng thầu xây dựng, được các đơn vị quản lý dự án thẩm tra, phê duyệt. Tổng thầu đã trình đề cương, song cần bổ sung, hoàn thiện nên đến nay chưa được phê duyệt” - đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt phân tích.

Với những diễn biến hiện có, không biết bao giờ dự án mới hoàn thành.

Hiện chưa biết khi nào sẽ có phương án an toàn khai thác cho dự án nhưng Ban Quản lý dự án đường sắt khẳng định gần như chắc chắn, dự án không thể vận hành trong năm 2019; mốc thời gian khai thác thương mại cũng chưa được xác định.

Một nguyên nhân khác khiến dự án chưa thể khai thác thương mại là do phần lắp đặt thiết bị mới đạt khoảng 97%, phần còn lại chưa lắp đặt không trực tiếp liên quan đến chạy tàu. Một lần nữa, trách nhiệm hoàn thàn phần lắp đặt thiết bị lại thuộc về Tổng thầu EPC. Chỉ khi đơn vị này thực hiện xong công đoạn trên, dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được nghiệm thu toàn bộ.

Trong lúc tất cả đang sốt ruột về tiến độ hoàn thành dự án để đưa vào khai thác thương mại thì phía Tổng thầu EPC lại phàn nàn về việc chi phí phát sinh. Theo đơn vị này, do dự án chưa được bàn giao nên các chi phí để duy trì vận hành thiết bị do họ chi trả, khoảng 100 triệu đồng/ngày. Ngoài ra, thời gian này tổng thầu cũng phát sinh các chi phí như: Lương, thuê văn phòng, thuê nhà cho nhân lực của tổng thầu.

Được biết, sau khi dự án nghiệm thu toàn bộ, được cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống để khai thác sẽ được bàn giao cho TP Hà Nội, trực tiếp là Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội khai thác, vận hành. Tuy nhiên, với những diễn biến hiện tại và cách làm việc của Tổng thầu EPC, chưa biết bao giờ dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới được đưa vào khai thác thương mại !?.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-duong-sat-cat-linh-ha-dong-lai-tiep-tuc-tre-hen-360651.html