Vì sao đường sắt Cát Linh-Hà Đông lại lỡ hẹn?

Chuyên gia cho rằng vướng mắc của dự án Cát Linh - Hà Đông có thể không chỉ nằm ở vấn đề kỹ thuật...

Bộ GTVT vừa phát đi thông báo dự án Cát Linh - Hà Đông một lần nữa lỡ hẹn vận hành khai thác thương mại vào dịp 30/4-1/5. Lý do đưa ra vẫn là chờ xem xét, đánh giá chứng nhận an toàn, báo cáo nghiệm thu...

Một lần nữa câu hỏi vướng mắc thật sự nằm ở đâu? Vì sao chỉ một lý do mà dự án bị kéo dài hết năm này tới năm khác, không giải quyết được?

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ chưa thể đưa vào khai thác vào dịp 30/4 - 1/5 như kế hoạch. Ảnh: Công luận

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ chưa thể đưa vào khai thác vào dịp 30/4 - 1/5 như kế hoạch. Ảnh: Công luận

Nêu quan điểm việc này, TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, đưa dự án vào khai thác đúng dịp 30/4-1/5 sẽ tạo dấu ấn đặc biệt và rất ý nghĩa đối với người dân Thủ Đô. Tuy nhiên, một lần nữa, Bộ GTVT lại làm người dân mừng hụt.

Việc này khiến ông phải nhắc lại quan điểm trước đó khi cho rằng: "vướng mắc thật sự của dự án có thể không nằm ở công nghệ, kỹ thuật mà nằm ở vấn đề tài chính, quyết toán".

Ông Thủy cho biết, nếu không có vấn đề gì vướng mắc, dự án chỉ cần đánh giá trong vài tháng là có thể đưa vào khai thác thương mại. Việc nhùng nhằng kéo dài cả vài năm chỉ vì một lý do chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu; đang chờ đánh giá nghiệm thu... rất khó thuyết phục.

"Theo dõi từ đầu dự án, tôi cho rằng, vấn đề của dự án không chỉ nằm ở vấn đề kỹ thuật.

Nếu hồ sơ, thủ tục nghiệm thu không có vấn đề gì thì việc kiểm tra, xem xét và đánh giá kết quả thực hiện không có gì khó khăn.

Kỹ thuật đường sắt cả thế giới đã sử dụng từ những năm đầu thế kỷ XX, các hạng mục kỹ thuật luôn bao gồm: Đường sắt, đoàn tàu, động cơ... tất cả đều không có gì bí ẩn cả. Khác nhau chỉ là kỹ thuật được nâng cấp chạy vận tốc nhanh hơn, công nghệ hiện đại hơn, vận hành an toàn hơn.

Trên thực tế, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị. Từ đầu tháng 4/2021 đến nay, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ tài liệu, hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản Dự án tại hiện trường.

Đồng thời Bộ GTVT đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội trong việc tiếp nhận Dự án và hoàn thiện các giải pháp xử lý đối với những khuyến cáo của tư vấn đánh giá An toàn hệ thống (ACT).

Như vậy, nếu dự án được triển khai một cách trách nhiệm, khoa học, minh bạch, không có tiêu cực, dự án cũng không gặp vướng mắc về công nghệ, kỹ thuật như khẳng định thì vướng mắc thật sự của dự án có thể không nằm ở công nghệ, kỹ thuật mà có thể nằm ở vấn đề tài chính, quyết toán", ông Thủy đặt nghi vấn.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, có thể những vướng mắc này liên quan tới kết luận của Kiểm toán Nhà nước trước đó khi cho rằng, có nhiều khoản chi tiêu chưa minh bạch.

"Có thể đây mới chính là lý do khiến dự án không thể quyết toán, đưa vào vận hành được", ông Thủy nhận định.

Theo ông Thủy, việc tiếp tục trì hoãn, kéo dài việc đưa dự án vào vận hành đã gây ảnh hưởng tới uy tín với người dân. Bên cạnh đó, việc kéo dài thời gian vận hành dự án cũng đồng nghĩa sẽ kéo dài thêm những rắc rối, phiền toái cho người tham gia giao thông cũng như làm ảnh hưởng tới chiến lược phát triển giao thông đồng bộ, bền vững của thành phố.

Một điều nữa chính là vấn đề tài chính, vì dự án đang phải đi vay vốn nước ngoài và dù chưa đưa vào vận hành, khai thác dự án vẫn đang phải gánh những khoản nợ vốn rất lớn, việc này sẽ khiến gánh nặng nợ ngày càng nặng hơn.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vi-sao-duong-sat-cat-linh-ha-dong-lai-lo-hen-3431471/