Vì sao đường gom, hầm chui Đại lộ Thăng Long thường xuyên ngập úng?

Những năm qua, khu vực phía Tây và Tây Nam Hà Nội thường xuyên rơi vào tình trạng ngập úng, đặc biệt là tại đường gom và hầm chui thuộc Đại lộ Thăng Long. Dù vậy, giải pháp cho vấn đề này vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Ngã 3 Lê Trọng Tấn bị ngập úng trong một đợt mưa lớn. Ảnh: Văn Trọng.

Ngã 3 Lê Trọng Tấn bị ngập úng trong một đợt mưa lớn. Ảnh: Văn Trọng.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, khu vực phía Tây Thủ đô là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch. Các trạm bơm đầu mối chưa được đầu tư đạt công suất quy hoạch. Các hồ điều hòa lớn cũng chưa được xây dựng.

Bên cạnh đó, một số tuyến mương có chức năng tiêu thoát nước đô thị chưa được giao cho đơn vị thoát nước thực hiện duy tu thường xuyên. Việc tiêu thoát nước hiện hoàn toàn theo hình thức tự chảy, phụ thuộc vào mực nước các tuyến sông…

Trong khu vực, Đại lộ Thăng Long là tuyến giao thông huyết mạch của TP nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng khi mưa lớn tại khu vực ngã 3 Lê Trọng Tấn, các hầm chui số 3, 5, 6 và nút giao An Khánh. Nguyên nhân được chỉ ra là do hệ thống mương nông nghiệp tiêu thoát nước cho các hầm chui chưa được duy tu, sửa chữa thường xuyên. Khu vực này cũng chưa có hệ thống thoát nước đô thị.

Mặt khác, do các mương tiêu thoát nước cho Đại lộ Thăng Long ra sông Nhuệ bằng hình thức tự chảy nên khi mực nước sông Nhuệ dâng cao hơn mặt đường hầm chui thì các tuyến mương không thể tiêu thoát nước và gây nên tình trạng ngập úng. Mực nước sông Nhuệ cũng chủ yếu được kiểm soát thông qua sông Tô Lịch và Trạm bơm Yên Sở.

Cho ý kiến về vấn đề ngập úng trên đường gom và hầm chui thuộc Đại lộ Thăng Long tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 tổ chức chiều 29/5, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, dù tình trạng ngập úng tại khu vực phía Tây và đặc biệt là hạ tầng thuộc Đại lộ Thăng Long diễn ra thường xuyên và kéo dài nhiều năm nay, tuy nhiên, hiện vẫn chưa có giải pháp căn cơ cho vấn đề này.

Thực tế những năm qua, các sở ngành của Hà Nội đã phối hợp triển khai nhiều dự án cải tạo thoát nước cho 9/11 trọng điểm ngập úng (khi có lượng mưa từ 50 - 100mm/2h) gồm: Nguyễn Khuyến, ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa, Thụy Khuê (dốc La Pho), Hoa Bằng, Minh Khai, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Ngã 3 Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân.

Tuy nhiên, hai trọng điểm ngập úng nghiêm trọng hiện vẫn chưa có dự án giải quyết là Cao Bá Quát, và đặc biệt là tại các hầm chui và vị trí thuộc đường gom Đại lộ Thăng Long.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-dai-lo-thang-long-thuong-xuyen-ngap-ung-385648.html