Vì sao Đức đồng ý gửi xe tăng chủ lực cho Ukraine?

Sau một thời gian dài trì hoãn việc gửi xe tăng chủ lực Leopard-2 cho Ukraine, Đức đã đồng ý cung cấp phiên bản hiện đại nhất của loại xe tăng này cho Kiev, đánh dấu bước ngoặt trong chính sách của nước này đối với cuộc xung đột ở Ukraine...

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thuộc Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và các thành viên khác của SPD do dự đảm nhận vai trò tiên phong của Berlin trong cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây. Nhưng trước sức ép từ các đối tác liên minh cũng như Mỹ và các đồng minh, Thủ tướng Olaf Scholz đã phải nhượng bộ ngày càng lớn, đánh dấu bằng việc miễn cưỡng “bật đèn xanh” cho việc cung cấp Leopard-2 cho Kiev.

Một trong những nguyên nhân tác động mạnh tới quyết định đảo ngược chính sách của Đức, đó là việc Anh cam kết gửi 14 xe tăng chiến đấu Challenger 2 và Mỹ quyết định trang bị xe tăng M1A1 Abrams cho Ukraine. Từ trước tới nay, mọi quyết định của Đức liên quan tới cuộc xung đột Ukraine luôn được Berlin tính tới yếu tố giữ gìn quan hệ với Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước một chiếc xe tăng Leopard-2. Ảnh: AP

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trước một chiếc xe tăng Leopard-2. Ảnh: AP

Bước đi của Anh và Mỹ giúp Đức có thêm động lực bởi việc đưa ra quyết định tương tự các đồng minh sẽ khiến nước này không phải “đi riêng một mình” trong cuộc đối đầu với Nga của phương Tây mà Berlin luôn né tránh.

Cung cấp xe tăng chủ lực cho Kiev sẽ giúp Đức chứng tỏ được vai trò hàng đầu trong vấn đề bảo đảm an ninh cho “lục địa già”, điều mà các nước châu Âu vẫn trông đợi ở quốc gia đầu tàu này. Sự chần chừ của Đức đã vấp phải những chỉ trích rằng Chính phủ Đức tỏ ra thiếu quyết đoán và không sẵn sàng đi đầu ngay cả trong các vấn đề an ninh châu Âu.

Thực tế, dù là nước cung cấp nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự nhất cho Ukraine sau Mỹ và Anh, Đức vẫn bị mang tiếng và đổ lỗi trong vấn đề trì hoãn gửi xe tăng Leopard-2. Trước đây, Đức đã chuyển giao nhiều vũ khí tiên tiến cho Kiev, như pháo tự hành Gepard, bệ phóng tên lửa và hệ thống phòng không IRIS-T.

Và một trong những yếu tố cần tính tới trong quyết định nói trên của Đức đó là mối lo ngại của Berlin nếu tiếp tục từ chối cung cấp xe tăng Leopard-2 cho Ukraine sẽ khiến những khách hàng châu Âu quay lưng với loại xe tăng chủ lực này. Họ có thể lựa chọn thay thế kho xe tăng của mình bằng vũ khí, khí tài của Mỹ.

Thực tế là mối lo ngại này đã thành hiện thực khi Ba Lan công bố thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD mua 116 chiếc M1A1 Abrams cùng thiết bị đi kèm của Mỹ và khâu bàn giao sẽ bắt đầu vào đầu năm nay. Theo ước tính, khi đó, thị trường xuất khẩu vũ khí của Đức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nước này xuất khẩu tới 2.399 xe tăng chiến đấu chủ lực trong giai đoạn từ năm 1992 đến 2010.

Đặc biệt, sự tấn công thị trường vũ khí châu Âu của Hàn Quốc bằng một thỏa thuận vũ khí khổng lồ với Ba Lan vào năm 2022 cũng khiến Đức thay đổi. Năm 2022, Tập đoàn Hyundai Rotem và Hanwha Defense của Hàn Quốc đã giành được hợp đồng cung cấp 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực K2 và 672 pháo tự hành K9 cho Ba Lan. Xe tăng chiến đấu chủ lực K2 của Hàn Quốc được đánh giá có khả năng tương đương với các xe tăng tốt nhất do châu Âu sản xuất.

Theo Foreign Policy, mặc dù Đức từ lâu đã là đối tác mua sắm quốc phòng của các nước láng giềng châu Âu nhưng sự chần chừ này đã làm lung lay niềm tin của khách hàng, tạo ra ấn tượng rằng chính sách quốc phòng Đức đang bối rối và khả năng lãnh đạo yếu kém của Berlin trong những trách nhiệm chiến lược. Điều đó khuyến khích khách hàng châu Âu khám phá các lựa chọn khác cho phần cứng quốc phòng của mình.

Những khách hàng đã mua xe tăng Leopard 2 của Đức, đặc biệt là những nước đang đối mặt với mối đe dọa từ xung đột ở Ukraine ngay trước cửa nhà họ, đang đặt câu hỏi liệu có khôn ngoan không khi phụ thuộc vào Berlin để có được một thành phần chủ chốt trong lực lượng mặt đất của mình.

Đó là chưa kể những lợi ích mà thỏa thuận với Hàn Quốc đưa lại như sẽ nhận được xe tăng sớm hơn so với khả năng cung cấp của Đức và với mức giá cạnh tranh hơn. Bản hợp đồng cũng đáp ứng mong muốn của Ba Lan về chuyển giao công nghệ để tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của chính họ.

Tất cả yếu tố tác động trên buộc Đức phải đặt lên bàn cân đong đếm bởi không khó để thấy trước những hệ lụy khi cung cấp xe tăng chủ lực cho Ukraine. Hành động này rõ ràng chẳng khác nào “tiếp thêm nhiên liệu” cho cuộc chiến chưa thấy hồi kết.

Ngay từ đầu, Đức đã lo ngại việc tiếp vũ khí cho chiến trường Ukraine sẽ khiến tình hình xung đột Ukraine leo thang và khiến Đức can dự sâu hơn vào cuộc chiến nên từ chối cung cấp khí tài, đạn dược cho nước này cũng như tham gia cấm vận chống lại Nga. Theo giới phân tích, việc Đức chuyển xe tăng chủ lực cho Ukraine đồng thời cho phép các nước khác làm điều tương tự sẽ khiến cuộc xung đột kéo dài gần một năm qua giữa Nga và Ukraine trở nên phức tạp, chiến trường sẽ càng ác liệt hơn.

Chính phủ Đức rõ ràng là đang can dự sâu hơn vào cuộc xung đột, làm leo thang nguy cơ xung đột trực tiếp với Nga, đồng thời làm giảm khả năng bình thường hóa quan hệ song phương, kể cả sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc.

MAI NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/vi-sao-duc-dong-y-gui-xe-tang-chu-luc-cho-ukraine-718267