Vì sao Đức cảnh giác làn sóng thâu tóm công nghệ từ Trung Quốc?

Làn sóng các công ty Trung Quốc thâu tóm công ty công nghệ cao của Đức đang khiến Berlin nâng cao cảnh giác vì lo ngại mất mát công nghệ và rủi ro an ninh quốc gia, theo tờ South China Morning Post.

Bên trong một nhà máy của hãng chế tạo công cụ Leifeld Metal Spinning. Ảnh: Leifeld Metal Spinning

Trung Quốc ồ ạt thâu tóm các công ty công nghệ Đức

Cuối tháng trước, nội các của Thủ tướng Đức Angela Merkel bắn tiếng sẽ phủ quyết thương vụ tập đoàn Yantai Taihai (Trung Quốc) thâu tóm hãng chế tạo công cụ Leifeld Metal Spinning (Đức) vì các lý do an ninh. Thông tin này khiến Yantai Taihai rút lại đề nghị chào mua Leifeld Metal Spinning vào phút cuối. Leifeld chuyên sản xuất các công cụ và thiết bị sử dụng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và ngành công nghiệp không gian.

Những ngày trước khi thương vụ này đổ bể, ngân hàng nhà nước Đức KfW thông báo mua 20% cổ phần của công ty quản lý mạng lưới diện 50Hertz để ngăn chặn lời chào mua từ Tổng công ty lưới điện Trung Quốc (SGCC).

Trong tháng này, chính phủ Đức cũng thông báo kế hoạch hạ ngưỡng tiêu chuẩn tối thiểu để thẩm định các thương vụ đầu tư của nước ngoài trong các lĩnh vực quan trọng đối với quốc phòng hoặc an ninh quốc gia. Năm ngoái, Đức cho phép chính phủ can thiệp nếu một nhà đầu tư nước ngoài bên ngoài EU mua từ 25% cổ phần của một công ty Đức trở lên khi các thương vụ này đe dọa an ninh quốc gia. Giờ đây, Berlin muốn siết chặt hơn nữa bằng cách hạ ngưỡng số cổ phần xuống còn 15%.

Các động thái trên diễn ra sau một loạt vụ thâu tóm các công ty Đức được các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện hai năm qua, làm dấy lên các lo ngại Trung Quốc tiếp quản các công ty trọng yếu của Đức và nguy cơ mất mát các công nghệ quan trọng.

Các công ty ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã tiến hành 67 thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) ở Đức trong năm 2017, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng mạnh so với con số 18 vụ vào năm 2011.

Giá trị của các thương vụ đầu tư của Trung Quốc vào các công ty Đức tăng vọt lên mức kỷ lục 7 tỉ euro trong năm 2016 so với mức chỉ 690 triệu euro trong năm 2011, trong đó bao gồm thương vụ của hãng sản xuất đồ gia dụng điện tử Midea (Trung Quốc) thâu tóm hãng sản xuất robot Kuka (Đức) với giá 4,5 tỉ euro.

Ngoài thương vụ Kuka, trong hai năm qua, các công ty Trung Quốc cũng đã thâu tóm các hãng công nghệ hàng đầu của Đức như công ty công nghệ sinh học Biotest AG và mua lượng cổ phần lớn ở các doanh nghiệp biểu tượng của Đức, gồm ngân hàng Deutsche Bank và hãng xe Daimler, chủ thương hiệu Mercedes-Benz.

Hãng sản xuất đồ gia dụng điện tử Midea (Trung Quốc) thâu tóm hãng sản xuất robot Kuka (Đức) với giá 4,5 tỉ euro. Ảnh: CFP

Nghi ngờ động cơ chính trị

Các công ty vừa và nhỏ của Đức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tân tiến, được xem là xương sống của nền kinh tế Đức, dễ bị tổn thương nhất trước làn sóng đầu tư của Trung Quốc, vốn được nhìn nhận mang tính chính trị hơn là kinh tế đơn thuần.

“Dù các nhà đầu tư Trung Quốc tự giới thiệu là các công ty tư nhân, mối quan hệ giữa họ với nhà chức trách Trung Quốc dường như khá mạnh mẽ. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào thị trường Trung Quốc vẫn còn bị hạn chế cao độ”, tiến sĩ Christian Dreger, nhà kinh tế cấp cao từ Viện Nghiên cứu kinh tế Đức, nói.

Đức và Ý là hai nước ở châu Âu có cái nhìn không thân thiện nhất với Trung Quốc. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), 53% người Đức và 59% người Ý có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Tại Anh và Ba Lan, con số này lần lượt chỉ là 37% và 29%.

“Bí ẩn xung quanh bộ máy quản lý các công ty Trung Quốc đã gây tổn hại cho hình ảnh của Trung Quốc trong mắt công chúng Đức”, Philippe Le Corre, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-châu Âu ở tổ chức tư vấn Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, nhận định.

Bầu không khí nghi ngờ hiện nay xung quang các thương vụ đầu tư của Trung Quốc đối lập hẳn với mối quan tâm mà chúng tạo ra ở châu Âu trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu cho làn sóng Trung Quốc đầu tư ồ ạt ở châu Âu khi Bắc Kinh tìm cách quốc tế hóa các công ty của nước này cũng như đồng euro suy yếu.

Theo Viện Mercator về Nghiên cứu Trung Quốc (Đức), các khoản đầu tư của Trung Quốc ở EU tăng từ mức 700 triệu euro trong năm 2008 lên mức 30 tỉ euro trong năm 2017.

Một cuộc nghiên cứu của Quỹ Bertelsmann Stiffung về các thương vụ M&A của Trung Quốc trong giai đoạn 2014-2017 cho thấy gần 2/3 số thương vụ này diễn ra trong 10 lĩnh vực mà Trung Quốc nhắm đến trong chương trình "Made in China 2015" nhằm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ.

“Nhìn vào một thương vụ đầu tư của Trung Quốc, rất khó để xác định đây đơn thuần xuất phát từ quyết định kinh doanh hay còn cả bao gồm động cơ chính trị trong đó”, tiến sĩ Cora Jungbluth, tác giả của cuộc nghiên cứu, cho biết.

EU cũng nâng cao cảnh giác

Trung Quốc đã tìm cách trấn an các lo lắng của Đức. Trong một bài viết gần đây trên tờ Frankfurter Allgemeine (Đức), Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi các công ty Đức “đừng e sợ” hợp tác với các đối tác Trung Quốc. Song Đức và phần còn lại châu Âu, vẫn nâng cao cảnh giác, đặc biệt khi mục đích cuối cùng của Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc là nhằm kìm hãm nỗ lực của nước này nhằm vươn lên trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới.

“Trong câu chuyện dài về sự kình địch kinh tế Mỹ-Trung, chương trình "Made in China 2025" đang được định hình như nhân vật phản diện chính, áp đặt mối đe dọa sống còn thực sự đối với vị trí dẫn đầu về công nghệ của Mỹ”, Lorand Laskai, học giả ở tổ chức tư vấn Hội đồng Đối ngoại (Mỹ), viết trên blog cá nhân gần đây.

EU cũng có thái độ cảnh giác tương tự để bảo vệ các công nghệ ở khu vực này. Hồi tháng 5, nghị viện châu Âu đã thông qua đề xuất mở rộng danh sách các lĩnh vực công nghệ quan trọng mà Ủy ban châu Âu (EC) có thể can thiệp trong trường hợp những công nghệ này bị các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277702/vi-sao-duc-canh-giac-lan-song-thau-tom-cong-nghe-tu-trung-quoc.html