Vì sao đưa phi công người Anh về nước trên chiếc máy bay mình từng lái?

Phi công người Anh hồi hương trên chiếc máy bay mình từng lái là hành động tri ân, lời chào tạm biệt của Vietnam Airlines với nhân viên của hãng.

Dự kiến ngày mai (11/7) phi công người Anh sẽ xuất viện. Cùng ngày Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Bệnh viện Chợ Rẫy, rà soát lần cuối tất cả các vấn đề có liên quan đến sức khỏe người bệnh trước khi bàn giao cho Lãnh sự quán Anh.

Phi công người Anh sẽ hồi hương bằng siêu máy bay hiện đại Boeing 787-10 của Hãng hàng không Vietnam Airlines.

Phi công người Anh sẽ hồi hương bằng siêu máy bay hiện đại Boeing 787-10 của Hãng hàng không Vietnam Airlines.

Phi công người Anh sẽ được hồi hương trên chuyến bay đi Anh đón công dân Việt Nam xuất phát từ Hà Nội ngày 12/7 tới. Hành trình dự kiến là Hà Nội - Frankfurt (Đức) – London (Anh).

Nam phi công sẽ được vận chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội bằng máy bay Boeing 787-9. Tiếp đó, chuyến bay từ Nội Bài sang London ngày 12/7 được thực hiện bằng siêu máy bay hiện đại Boeing 787-10, là dòng máy bay phi công người Anh từng cầm lái.

Boeing 787-10 là máy bay hiện đại nhất và có kích thước lớn nhất đang được sử dụng tại Việt Nam. Máy bay khủng này có chiều dài lên tới 68m bao gồm 24 ghế thương gia và 343 ghế phổ thông.

Theo đại diện Vietnam Airlines, các chuyến bay trước đây của hãng đi Anh thường khai thác bằng máy bay Airbus 350. Nhưng bệnh nhân 91 là trường hợp đặc biệt. Anh đã được biên chế vào đội bay Boeing 787 của hãng.

Vì vậy, việc để phi công người Anh ngồi trên chính chiếc máy bay mình từng cầm lái là hành động tri ân, thay lời cảm ơn, lời chào tạm biệt của hãng đối với nhân viên của mình.

Phi công người Anh sẽ ngồi khoang thương gia. Phi hành đoàn khai thác chuyến bay có 22 người, trong đó có 6 phi công và 16 tiếp viên, riêng tổ lái có 3 lái chính và 3 lái phụ. Hãng cũng sắp xếp ghế đồng hạng cho 3 bác sĩ đi cùng và bố trí vị trí để 6 bình ô xy để phục vụ cho phi công này trên hành trình bay kéo dài 15 tiếng.

Dự kiến, tổng thời gian các chuyến bay của phi công người Anh kéo dài khoảng hơn 32 tiếng. Khi đến sân bay Nội Bài, bệnh nhân sẽ tiếp tục di chuyển đến ga quốc tế để lên máy bay rời Việt Nam lúc 23h ngày 11/7.

Chuyến bay không đến thẳng Lodon (Anh) mà hạ cánh tại sân bay Frankfurt (Đức) lúc 6h ngày 12/7 để phục vụ một số hành khách quá cảnh tại đây.

Bệnh nhân phi công người Anh trải qua 114 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bắt đầu từ ngày 18/3 dến chiều 22/5 và tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều ngày 22/5 đến nay.

Video: Hành trình phục hồi thần kỳ của phi công người Anh

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-dua-phi-cong-nguoi-anh-ve-nuoc-tren-chiec-may-bay-minh-tung-lai-ar556823.html