Vì sao du lịch Ðiện Biên chưa thể 'cất cánh'?

Với hệ thống quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia là chiến trường Ðiện Biên Phủ, Ðiện Biên có ưu thế vượt trội về loại hình du lịch lịch sử mà nhiều tỉnh, thành phố khác không có. Nhưng trên thực tế, du lịch lịch sử của Ðiện Biên lại đang rất khó khăn, chưa thể đóng góp nhiều cho địa phương…

Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ, tám năm sau khi Chiến dịch Ðiện Biên Phủ kết thúc, ngày 28-4-1962, Bộ Văn hóa đã có Quyết định số 313/VH-VP công nhận quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là một trong 62 di tích ở các địa phương được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Ðến năm 2009, Khu di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là một trong 10 di tích xếp hạng "Di tích quốc gia đặc biệt". Theo đó, các địa danh, chứng tích ghi nhận các sự kiện lịch sử liên quan đến Chiến thắng Ðiện Biên Phủ từ cuối năm 1953 đến ngày 7-5-1954 trong phạm vi địa giới hành chính của tỉnh Ðiện Biên nhận được sự quan tâm đặc biệt. Các dự án bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích được Chính phủ, các bộ, ngành và Ðảng bộ, chính quyền tỉnh Ðiện Biên khẩn trương xây dựng, triển khai. Tuy nhiên, do khó khăn nhiều mặt cho nên đến nay hầu hết các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích ở Ðiện Biên vẫn dở dang, ngổn ngang.

Ðiển hình phải kể đến dự án tôn tạo cứ điểm Him Lam. Dự án gồm năm gói thầu, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 48,374 tỷ đồng, được khởi công tháng 12-2006 và đã hai lần gia hạn, điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 82,604 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Một số hạng mục đã thi công xong thì hư hỏng, xuống cấp.

Ðưa chúng tôi đi thăm di tích cứ điểm đồi Him Lam, nữ cán bộ Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ Phạm Thị Thảo không giấu nổi nỗi ưu tư. Chỉ cho chúng tôi những mảng vỡ trên tấm bia "Di tích cứ điểm đồi Him Lam", chị Thảo cho biết: "Dầm mình phơi nắng phơi mưa lại không có tường bao hàng rào bảo vệ cho nên di tích đang xuống cấp nhiều". Cũng trong khuôn viên điểm di tích, nhà bán vé cửa đóng, then cài nằm im ỉm.

Nhờ có sự hướng dẫn của hướng dẫn viên Phạm Thị Thảo, chúng tôi mới đi được một vòng từ điểm hai sang điểm một, giữa chi chít những hầm hào, công sự. Thắp nén nhang trước tấm bia ghi nơi Anh hùng Phan Ðình Giót hy sinh sau khi dũng cảm lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tôi lại bâng khuâng khi nghĩ về trận đánh mở màn ác liệt vào trung tâm đề kháng Him Lam, diễn ra vào 17 giờ ngày 13-3-1954. Và hôm nay, trên nền chiến trường xưa, tôi được nghe bao điều về khó khăn trong công tác trùng tu, tôn tạo và cả những khó khăn về nhiệm vụ trông coi, bảo vệ, giữ gìn. Về nguyên tắc, dự án chưa hoàn thành thì chưa thể bàn giao cho đơn vị khai thác, bảo vệ, nhưng vì Ban quản lý Dự án chuyên ngành giải thể cho nên Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ phải tạm nhận bàn giao. Công tác đền bù cho người dân sau khi giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện dứt điểm, dẫn đến ngay trong khu di tích nhiều hộ dân vẫn trồng rau, nuôi gà… "Nhiều cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa rất buồn và bức xúc, vì họ không hình dung nổi địa điểm ngày xưa đồng đội họ đã ngã xuống. Chúng tôi cảm thấy mình cũng có lỗi mà không biết phải làm thế nào" - chị Phạm Thị Thảo chia sẻ.

Sau nhiều ngày tìm hiểu thực tế tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ, chúng tôi nhận thấy hầu hết các dự án triển khai từ năm 2003 đến nay đều chung cảnh dở dang, vì thiếu vốn. Ðáng chú ý, ngay trung tâm TP Ðiện Biên Phủ là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, dù nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều cấp, ngành, được phê duyệt dự án từ năm 2011 với tổng mức đầu tư hơn 211 tỷ đồng, song đến nay việc xây dựng vẫn chưa hoàn thành, bởi vậy hiện vật của bảo tàng phải đem để nhờ trong khuôn viên di tích đồi A1. Nhiều gói thầu thuộc dự án mới đang trong giai đoạn lập đề cương, thiết kế bản vẽ thi công.

Không giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không kinh phí để bảo tồn tôn tạo, nhiều điểm di tích trong quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ được rất ít người biết đến. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên Ðoàn Văn Chì, vì ít vốn cho nên Sở phải hết sức cân nhắc, lựa chọn đầu tư. Theo đó, trong những năm qua, chỉ những di tích quan trọng, gần trung tâm mới được lựa chọn đầu tư. Những di tích xa trung tâm thì hầu như vẫn để không, chưa được quy hoạch, khoanh vùng. Trong tổng số 45 điểm di tích thành phần thuộc khu di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ, mới có đồi A1, Sở Chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng, hầm Ðờ-cát, đường kéo pháo, trận địa pháo, công viên Chiến thắng Mường Phăng được bảo tồn, tôn tạo một phần. Các di tích xa trung tâm, như: Sở Chỉ huy Thẩm Púa, Sở Chỉ huy Huổi He, Sở Chỉ huy của các trung đoàn, đại đoàn, bệnh viện tiền phương… chưa được khoanh vùng cắm mốc. Thậm chí, những điểm di tích như Trạm hậu cần ở Tuần Giáo giờ chỉ có tấm tranh ghép đá và phải đặt nhờ trong khuôn viên Công an huyện... Bên cạnh đó, di tích còn phải chịu tác động của thiên nhiên, thời tiết trong thời gian dài, và đang mất dần các yếu tố gốc.

Cùng với đó là tình trạng người dân sống chung quanh không có ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan, khiến công tác bảo tồn, tôn tạo di tích thêm phần khó khăn. Thí dụ cây cầu lịch sử Mường Thanh, bắc qua sông Nậm Rốm nằm trong phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, mà chiều ngày 7-5-1954 đại đội trưởng Tạ Quốc Luật cùng các chiến sĩ trong tổ xung kích vượt qua tiến thẳng vào sở chỉ huy địch bắt sống tướng Ðờ-cát cùng toàn bộ Ban tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Thay vì được bảo tồn, giữ gìn thì ngày nay, cây cầu hằng ngày vẫn gồng mình gánh người, xe. Hai bên cầu, người dân họp chợ, dựng quán, buôn bán tràn lan trên nền đất di tích trong khi chính quyền cơ sở thu tiền vé chợ để "tăng ngân sách" cho phường.

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ Vũ Thị Tuyết Nga, nhiệm vụ giữ gìn, tôn tạo di tích lịch sử Ðiện Biên Phủ là quan trọng, song hiện nay, bảo tồn, tôn tạo chưa lột tả hết tính khốc liệt của hình thái chiến trường ngày ấy và cũng vì thế cho nên chưa thể hiện hết tài thao lược chỉ huy cũng như lòng quả cảm của quân ta trong cuộc đối đầu quân sự lớn nhất ở Ðông Dương.

Hơn 60 năm qua, thung lũng Mường Thanh từ chỗ là một thị trấn nông trường (cấp xã), nâng cấp lên thành thị trấn huyện lỵ rồi thị xã tỉnh lỵ và hiện nay là TP Ðiện Biên Phủ. Cùng với đó, các công trình xây dựng, nhà cao tầng bề thế mọc lên ngày càng nhiều chen nhau trong không gian kiến trúc tự phát của một đô thị miền núi đã không tránh khỏi việc xâm hại đất di tích. Ðể bảo tồn, tôn tạo di tích, rất cần sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền, các cơ quan chức năng tỉnh Ðiện Biên. Và việc cần làm ngay là khẩn trương hoàn thiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các điểm di tích, là cơ sở cho khoanh vùng, tôn tạo sau này. Muốn vậy, UBND tỉnh Ðiện Biên cần chỉ đạo các ngành bàn bạc tìm cách giải quyết thay vì đùn đẩy trách nhiệm. Ðể di tích phát huy giá trị, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh, cần dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Ðiều đó, sẽ càng có ý nghĩa hơn khi dịp kỷ niệm 64 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đang đến rất gần...

Bài và ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/35791402-vi-sao-du-lich-%C3%B0ien-bien-chua-the-cat-canh.html