Vì sao dự án đầu tư bến xe buýt Hoàng Đức bị 'trảm'?

Ngày 6/10, Sở KH&ĐT Thừa Thiên- Huế, cho biết đã Quyết định chấm dứt hoạt động của dự án Bến xe buýt Hoàng Đức.

Xe buýt Hoàng Đức đậu phía 2 bên tuyến đường gần trụ sở Công ty TNHH TMDV Hoàng Đức ở Đông Nam Thủy An, phường An Đông, TP Huế

Xe buýt Hoàng Đức đậu phía 2 bên tuyến đường gần trụ sở Công ty TNHH TMDV Hoàng Đức ở Đông Nam Thủy An, phường An Đông, TP Huế

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế, lý do chấm dứt hoạt động của Dự án đầu tư Bến xe buýt Hoàng Đức là do dự án vi phạm quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014: “Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này”.

Cũng tại Quyết định Chấm dứt hoạt động của Dự án đầu tư Bến xe buýt Hoàng Đức, Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế yêu cầu Công ty TNHH TMDV Hoàng Đức nộp lại Quyết định chủ trương đầu tư do UBND tỉnh cấp ngày 14/10/2016. Thực hiện thủ tục thanh lý dự án đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014 và Khoản 5 Điều 41 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (nếu có). Phải hoàn tất đúng, đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính, trách nhiệm với nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc đầu tư dự án Bến xe buýt Hoàng Đức theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 14/10/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Bến xe buýt Hoàng Đức tại Khu E - Đô thị mới An Vân Dương cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ (TMDV) Hoàng Đức. Ngày 1/3/2017, Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cấp giấy chứng nhận nhà đầu tư Dự án Bến xe buýt Hoàng Đức cho công ty trên.

Theo đó, Dự án đầu tư Bến xe buýt Hoàng Đức có công suất thiết kế gồm 300 lượt chuyến xe buýt/ngày; có sức chứa cùng thời điểm trạng thái tĩnh cho 98 xe buýt (chưa bao gồm gara, trạm rửa xe…). Tổng diện tích dự kiến sử dụng khoảng 15.041m2 (trong đó diện tích bãi đỗ xe khoảng 10.803m2; diện tích cây xanh và tạo cảnh quan khoảng 1.071m2); mật độ xây dựng 21,05%.

Địa điểm thực hiện dự án tại Khu E – Đô thị mới An Vân Dương, thuộc phường An Đông, TP Huế và xã Thủy Thanh, TX Hương Thủy (Thừa Thiên- Huế). Diện tích đất sử dụng khoảng 15.041m2 (diện tích thực tế theo hợp đồng thuê đất). Tổng vốn đầu tư của dự án là 23,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 6 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 25,5% tổng vốn đầu tư) và vốn vay 17,5 tỷ đồng.

Thời gian hoạt động của dự án là 30 năm, kể từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư (14/10/2016). Quyết định cũng nêu rõ tiến độ thực hiện dự án, cụ thể: Hoàn thành các thủ tục về đầu tư, đất đai từ tháng 7/2016- 10/2016; Xây dựng và lắp đặt thiết bị từ tháng 10/2016- 12/2017; Đưa vào hoạt động tháng 1/2018.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”. Được biết, trước khi Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế ban hành Quyết định số 109 Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư Bến xe buýt Hoàng Đức. Dự án bến xe buýt này cũng đã nằm trong diện các dự án đầu tư nguồn vốn ngoài ngân sách thuộc diện giám sát đặc biệt của tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Những năm qua, Công ty TNHH TMDV Hoàng Đức “ôm sô” phần lớn các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế, trong đó có các tuyến xe buýt có trợ giá. Công ty này cũng “lùm xùm” với các vụ tài xế đình công do bị nợ lương, nợ bảo hiểm…

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế, Công ty TNHH TMDV Hoàng Đức có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp lần đầu ngày 7/6/2011, đăng ký thay đổi lần thứ 6 ngày 12/2/2015. Công ty có địa chủ trụ sở chính tại Lô C2 Khu tái định cư Đông Nam Thủy An, phường An Đông, TP Huế. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Hoàng Đức Hoài (SN 1986, có địa chỉ thường trú tại thôn 2, xã Điền Hải, huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế), Giám đốc Công ty.

Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vi-sao-du-an-dau-tu-ben-xe-buyt-hoang-duc-bi-tram-d274471.html