Vì sao dự án cải thiện vệ sinh môi trường Khu lưu niệm Nguyễn Du chưa thể bàn giao?

Tiểu dự án cải thiện vệ sinh môi trường Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) chưa được bàn giao đã xuống cấp...

Phía phải kênh Tiểu Khê nhiều đoạn bị sụt lún xuống gần 1m

Kè bị sụt lún

Tuyến kênh Tiểu Khê là 1 trong nhiều hạng mục thuộc tiểu dự án “Cải thiện vệ sinh môi trường di tích lịch sử Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du” có tổng số vốn đầu tư 34,5 tỷ đồng do Ban Thực hiện dự án GMS làm chủ đầu tư.

nhiều đoạn bị hư hỏng

Công trình được triển khai thi công vào tháng 12 năm 2018 do liên doanh Công ty CP Thương mại tư vấn & Xây dựng Vĩnh Hưng - TP Hà Nội (gọi tắt là Công ty Vĩnh Hưng) và Công ty CP Xây dựng công trình Anh Đào - thị xã Hồng Lĩnh (Công ty Anh Đào) thi công.

Công ty Tư vấn & Xây dựng Cầu Giấy Hà Nội đảm nhận nhiệm vụ tư vấn giám sát. Theo kế hoạch, tháng 6 năm 2020, toàn bộ công trình sẽ được bàn giao cho huyện Nghi Xuân.

Lan can bị chìm sâu trong nước

Tuy nhiên, ở thời điểm đó khoảng 40% khối lượng cây xanh tương ứng với 250m diềm cây nguyệt quế, 275m diềm cây hồng lộc, 15 cây liễu, 8 cây lựu... bị khô héo, hư hỏng nên huyện Nghi Xuân chưa nhận bàn giao.

Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam cho biết: “Lẽ ra công trình phải bàn giao cho Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, nhưng huyện có điều kiện duy tu bảo dưỡng, nên chúng tôi sẵn sàng nhận, song chỉ yêu cầu đơn vị thi công thay thế số cây xanh bị hư hỏng. Hiện, phát sinh hệ thống kênh bị sạt lở, sụt lún, các đơn vị thi công phải xử lý xong huyện mới nhận bàn giao”.

Đoạn gần tràn xả (gần tuyến đường chính Nguyễn Du, thị trấn Tiên Điền) bị lún sâu...

Mưa lớn trong tháng 10/2020 cũng đã kéo theo hàng trăm m3 đất đá xuống lòng kênh khiến nhiều đoạn taluy cùng lan can hai bên kênh Tiểu Khê bị lún sâu từ 70cm - 1m.

Toàn bộ tuyến kênh dài 327m, rộng 10m, sâu 1,5m có đến 95m bị sạt lở. Cũng vì lẽ đó mà nhiều đoạn bê tông mái kè bị sụt lún, nhiều đoạn bờ kè bằng đất 2 bên lún sâu.

...khiến bờ kè, lan can phía trái thấp hơn nhiều so với bên phải

Đề cập đến nguyên nhân gây ra những sự cố trên, Phó Giám đốc Ban Thực hiện dự án GMS Phan Quốc Bảo cho rằng: “Nền đất hai bên bờ kênh rất yếu nên đơn vị thi công đã áp dụng những giải pháp tối ưu để hạn chế tình trạng cát chảy.

Tuy nhiên, do lượng nước khắp nơi dồn về nên tràn và kênh tiêu lũ không xả kịp gây nên tình trạng sụt lún. Nguồn vốn thực hiện dự án là ODA từ Ngân hàng ADB nên tư vấn giám sát làm rất kỹ, thế nên nguyên nhân nhà thầu làm ẩu bị loại trừ. Chúng tôi cũng đang kiến nghị bổ sung thêm nguồn vốn để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Được hay không còn phải chờ. Còn việc nhiều cây xanh bị chết là do nhà thầu... thiếu kinh nghiệm”.

Đến thời điểm này những cây lớn bị chết khô vẫn chưa được thay thế

"Công trình dù đã bàn giao hay chưa bàn giao, trách nhiệm vẫn thuộc về 2 đơn vị thi công. Hiện tại mực nước ở kênh còn khá lớn nên chưa thể khắc phục được. Dù đã hoàn thành nhưng công trình mới chỉ giải ngân được 84% ”- ông Bảo cho biết thêm.

Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình Anh Đào - Phan Thanh Hoàn nói: “Trước khi bắt tay vào sửa chữa, chúng tôi đề nghị có buổi làm việc với ngành chức năng, nhất là với những chuyên gia có kinh nghiệm để được hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo công trình bền vững hơn trước sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên.”

Hoài Nam

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/dau-tu/vi-sao-du-an-cai-thien-ve-sinh-moi-truong-khu-luu-niem-nguyen-du-chua-the-ban-giao/201936.htm