Vì sao đồng USD suy yếu khi giá vàng tăng phi mã

Giá đồng USD trượt dốc kể từ mức cao nhất trong vòng 3,5 năm hồi tháng 3 và có thể sẽ còn tiếp tục sụt giảm.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 27/7, giá đồng USD sụt giảm 0,9% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2018. Từ đầu tháng 7, giá đồng USD lao dốc 4,9% so với đồng euro, tụt 2,5% so với đồng yen Nhật Bản và tới 6,4% so với đồng krona Thụy Điển.

Ở các thị trường mới nổi, giá đồng real Brazil và đồng peso Mexico tăng lần lượt 6% và 4,9% so với đồng USD. Trong khi đó, đồng NDT của Trung Quốc cũng tăng 1%. Chỉ số đồng USD lao dốc tới 3,77% trong tháng 7. Đây là cú sụt giảm tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ tháng 4/2011 (khi đó giảm 3,85%).

"Đây là một cơn bão lớn. Giá đồng USD duy trì ở mức cao trong suốt 6 năm, và giờ bắt đầu có sự điều chỉnh", CNBC dẫn lời nhà phân tích Jens Nordvig, CEO của Exante, nhận định. Ông dự báo giá đồng USD sẽ tiếp tục giảm so với đồng euro trong những tuần tới.

 Giá đồng USD trượt dốc khi kinh tế Mỹ phục hồi chậm. Ảnh: Getty Images.

Giá đồng USD trượt dốc khi kinh tế Mỹ phục hồi chậm. Ảnh: Getty Images.

Kinh tế Mỹ lao dốc

Theo các nhà phân tích tài chính quốc tế, giá đồng USD trượt dốc do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng tại Mỹ, số ca mắc mới liên tục tăng. Hiện ở Mỹ đã có tới 4,2 triệu người nhiễm virus corona chủng mới. Do đó, nhiều khả năng quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ diễn ra chậm chạp hơn so với những khu vực khác, bao gồm châu Âu.

Ngoài ra, giá đồng bạc xanh sụt giảm còn vì thâm hụt ngân sách Mỹ ngày càng lớn và lãi suất cơ bản đang ở mức cực thấp. Thống kê cho thấy thâm hụt ngân sách liên bang Mỹ đạt mức kỷ lục 864 tỷ USD trong tháng 6. Tính tổng 2 quý đầu năm tài chính này, thâm hụt đã lên đến 2.700 tỷ USD, gần bằng mức thâm hụt năm kỷ lục do chính phủ Mỹ đổ hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế.

Nhiều khả năng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục bán trái phiếu để huy động vốn chống dịch Covid-19. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cam kết giữ lãi suất cơ bản ở mức 0% trong thời gian tới. Vì vậy, rất có thể giá đồng USD sẽ tiếp tục giảm.

"Sự phục hồi toàn cầu không diễn ra cân bằng, một số quốc gia làm tốt hơn nhiều nước khác. Mỹ và Brazil là những nước chật vật nhất vì dịch Covid-19", nhà phân tích Jens Nordvig nhấn mạnh. Việc không thể kiểm soát được dịch khiến hoạt động kinh doanh đình trệ, nền kinh tế càng khó phục hồi.

Đồng USD sụt giảm so với hàng loạt đồng tiền khác. Ảnh: Reuters.

Theo ông Nordvig, thị trường quốc tế đã đánh hơi thấy nguy cơ lạm phát từ hàng loạt gói kích thích kinh tế giữa cuộc khủng hoảng y tế - kinh tế toàn cầu. "Đà giảm của đồng USD sẽ kéo dài. Khó để nói khi nào nó dừng lại", ông dự báo.

Financial Times dẫn lời chiến lược gia thị trường Qi Gao của Scotiabank cũng cho rằng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc cũng góp phần đẩy giá đồng USD lao dốc. Tuần qua, Washington ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Bắc Kinh đáp trả bằng lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.

"Trong những tuần tới, chúng ta sẽ chứng kiến giá đồng USD tiếp tục giảm mạnh", ông Qi Gao khẳng định.

Đồng USD nguội, vàng nóng

Trong khi giá đồng USD nguội đi, giá vàng lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Giá kim loại quý tăng lên mức cao kỷ lục 1.941,90 USD/ounce trên thị trường tương lai hôm 27/7, cao hơn 7,2% so với hồi đầu tháng này. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,8% lên mức 1.931,5 USD/ounce.

Theo giới phân tích, hàng loạt gói kích thích kinh tế, nguy cơ lạm phát và giá đồng USD sụt giảm đã tiếp thêm nhiệt lượng cho thị trường vàng. Các nhà phân tích tại ngân hàng UBS dự báo giá vàng sẽ chạm ngưỡng 2.000 USD vào cuối năm nay.

Thậm chí nhà phân tích thị trường Naeem Aslam của Avatrade dự báo giá vàng sẽ vượt ngưỡng 2.000 USD ngay trong tuần tới. FED có cuộc họp quan trọng trong ngày 28/7 và có thể công bố thêm một số biện pháp kích thích kinh tế mới. Đó sẽ là nguồn năng lượng mới của giá vàng.

Giá vàng tăng cao cùng với giá cổ phiếu tại Phố Wall. Ước tính chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng 4,2% trong tháng 7. Cổ phiếu của các công ty đa quốc gia hưởng lợi từ việc đồng USD suy yếu bởi chi phí hàng hóa và dịch vụ Mỹ tính bằng ngoại tệ trở nên rẻ hơn.

Giá vàng tăng phi mã trong môi trường lãi suất thấp và đồng USD suy yếu. Ảnh: Chí Hùng.

"Đồng USD, vàng và thị trường chứng khoán có cùng một câu chuyện. Vàng, chứng khoán tăng và đồng USD giảm đều liên quan đến sự sụt giảm của lãi suất", CNBC dẫn lời chiến lược gia thị trường Marc Chandler tại Bannockburn Global Forex bình luận.

Theo ông, thị trường ngoại hối vẫn chưa phản ứng với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ có Joe Biden thể khiến đồng USD lao dốc thêm vì các nhà đầu tư lo ngại chính phủ mới ở Washington tăng thuế doanh nghiệp.

Chuyên gia Nordvig cho rằng thị trường chứng khoán có thể tiếp tục tăng khi đồng USD sụt giảm. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư đồng loạt đổ tiền vào vốn nước ngoài, cổ phiếu Mỹ sẽ bị tổn thương. "Các nhà đầu tư bắt đầu đổ tiền vào cổ phiếu quốc tế kể từ tháng 5. Nếu tiền bị chuyển khỏi thị trường Mỹ, mọi thứ sẽ đi xuống", ông nhận định.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-dong-usd-suy-yeu-khi-gia-vang-tang-phi-ma-post1112274.html