Vì sao doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng mạnh?

Môi trường kinh doanh đang được cải thiện mạnh mẽ thế nhưng trong 11 tháng đầu năm 2018, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể tăng mạnh. Vì sao?

Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng mạnh trong 11 tháng năm 2018

Doanh nghiệp rời thị trường tăng mạnh

Thông tin từ cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, diễn ra chiều 3/12 cho thấy, mặc dù trong khi có hơn 121.000 doanh nghiệp thành lập mới thì mức độ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể đã lên tới hơn 90.000 doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong tháng 11, cả nước có 11.637 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 118,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 22% về số vốn đăng ký so với tháng trước.

Tính chung 11 tháng, cả nước có 121.248 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.234,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Mặc dù số doanh nghiệp thành lập 11 tháng năm 2018 lên tới 121.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, Người phát ngôn Chính phủ cũng thẳng thắn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động vẫn còn cao.

Cụ thể, trong 11 tháng năm 2018 là 83.108 doanh nghiệp, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 25.977 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 24,8% và 57.131 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 64%.

Đâu là nguyên nhân?

Theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động do chịu sự tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan đối với doanh nghiệp cũng như quy luật vận động của nền kinh tế thị trường.

Trước hết, phần lớn doanh nghiệp của nước ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại.

Những hạn chế cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn chưa được giải quyết một cách hiệu quả, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp, cụ thể là: thiếu tầm nhìn chiến lược; năng lực quản trị kém, thiếu tư duy về thị trường; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; thiếu tính đổi mới sáng tạo trong sản phẩm; chất lượng hàng hóa, quy mô sản xuất và năng suất lao động còn thấp so với các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, sức ép cạnh tranh lại càng tăng lên đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ hai, môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

"Quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những chồng chéo, bất cập; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp; doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai; hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó dễ cho doanh nghiệp vẫn còn xảy ra...". - Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh đánh giá.

Thứ ba, quy luật cạnh tranh, thanh lọc, đào thải của thị trường.

Theo đó, trong mọi nền kinh tế thị trường luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp bị giải thể, phá sản; việc đào thải, thanh lọc là một quy luật khách quan của nền kinh tế. Những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn.

Thứ tư, do việc triển khai công tác rà soát đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động tại trụ sở từ lâu nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Không phải quá sốt ruột!

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), cho rằng không cần phải quá sốt ruột vì những con số trên bởi chúng không phản ánh hết được thực trạng của nền kinh tế Việt Nam.

"Xét về số doanh nghiệp thành lập mới, việc đăng ký kinh doanh hiện nay dễ dàng và rẻ hơn so với trước (thời gian, chi phí nộp ban đầu). Vì thế, có không ít người dù chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhưng thấy dễ thì cứ đăng ký thành lập doanh nghiệp". - ông Nam nói.

Theo ông, vấn đề là hiện nay nền kinh tế Việt Nam chưa phải đã có nhiều cơ hội lớn để doanh nghiệp có thể ồ ạt đăng ký.

Chẳng hạn, lĩnh vực kinh doanh thương mại được doanh nghiệp đăng ký nhiều nhất nhưng để tìm được một mảng kinh doanh "tử tế" không phải dễ. Với cách quản lý hiện nay, nhiều người làm thương mại không cần đăng ký, chỉ cần đi thuê một địa điểm hay cứ kinh doanh trên mạng mà không cần nộp thuế.

Tương tự, kinh doanh du lịch đang phát triển nhưng đòi hỏi chuyên môn, kinh doanh lưu trú đòi hỏi phải có cơ sở vật chất, nếu kinh doanh ăn uống thì không thể làm xô bồ như trước. Kinh doanh lữ hành cũng không dễ vì các thị trường đều đã có các doanh nghiệp làm từ nhiều năm nay, tích lũy được kinh nghiệm, nhân lực trưởng thành, có tiếng tăm.

"Như vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng nhưng đối với người mới không phải dễ dàng", PGS.TS Nguyễn Văn Nam khẳng định.

Cũng theo vị chuyên gia này, đa phần các hiệp định FTA Việt Nam ký kết đang ở giai đoạn đưa vào thực hiện. Đầu tư nước ngoài chủ yếu đổ vào những doanh nghiệp lớn... Vì thế, doanh nghiệp đăng ký thành lập thì cứ đăng ký nhưng để đi vào hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận lại rất khó khăn.

Mộc Miên

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vi-sao-doanh-nghiep-tam-ngung-hoat-dong-giai-the-tang-manh-141149.html