Vì sao doanh nghiệp 'ngại' đầu tư bài bản?

Mặc dù Chính phủ quyết tâm cải cách nhưng vẫn còn những rào cản từ môi trường kinh doanh khiến DN ngại 'lớn', ngại đầu tư bài bản. Vì thế, các DN mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành cùng chung tay gỡ 'nút thắt', tạo tương lai 'sáng' cho DN đầu tư.

Đầu tư phát triển mở rộng sẽ giúp các DN tăng khả năng kinh doanh, nâng cao lợi nhuận. Ảnh: Danh Lam.

"Làm một ngày, chờ một tháng"

Trong một cuộc hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh được tổ chức gần đây, ông Tạ Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường (Hải Phòng) đã bày tỏ nỗi bức xúc lâu nay của mình về thủ tục hành chính. Ông Thắng cho rằng mỗi ngày ông có khả năng kiếm được vài tỷ nữa nhưng không làm được do thủ tục hành chính quá phức tạp, rườm rà, “làm một ngày phải chờ một tháng”. “Lượng văn bản ‘sản sinh’ ra còn nhiều hơn những cái mà chúng ta khắc phục, bỏ đi”, ông Thắng nhận định.

Để minh chứng cho nhận định của mình, ông Tạ Quyết Thắng cho hay, ông có 2 dự án đầu tư gần 200 tỷ đồng, tất cả các giấy tờ liên quan DN đã làm xong, trong vòng 6 tháng nhưng khi xin giấy phép xây dựng – chỉ là một loại giấy phép con, mà DN xin cấp 7 tháng không xong, đến bây giờ gần 2 năm cũng không xong. Vì không xin được đầy đủ giấy phép nên ngân hàng không cấp vốn, dự án đầu tư của DN không thể triển khai.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước hiện có 600.000 DN tư nhân hoạt động, hầu hết đều là các DN trẻ thành lập từ năm 2000 trở lại đây và lượng khá lớn là DN siêu nhỏ. Khảo sát của VCCI cho thấy, các DN gặp khó khăn ở các phương diện: Khách hàng, thị trường; tiếp cận vốn vay; lao động và chất lượng lao động; thanh tra, kiểm tra; tiếp cận đất đai; chi phí không chính thức… Khảo sát cũng cho thấy, với DN quy mô đầu tư bé thì hiệu quả kinh doanh càng thấp. Đặc biệt, một vấn đề được nhiều DN phản ánh là DN càng lớn thanh kiểm tra càng nhiều hơn. “Vấn đề này cho thấy nhiều DN càng không muốn lớn, lớn càng rủi ro, càng tốn chi phí”, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.

Ngoài ra, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, DN không đầu tư bài bản do Nhà nước có nhiều biện pháp can thiệp quá sâu và thị trường, làm sai lệch tín hiệu thị trường, khiến DN không biết tự nghiên cứu thị trường để tự quyết định nên đầu tư cái gì, đầu tư như thế nào. Hơn nữa, Nhà nước giữ mức đầu tư quá lớn, tạo sự chênh lệch giữa DN tư nhân với DN ngoài quốc doanh.

Tăng khả năng thích ứng

Có thể thấy, từ những nguyên nhân trên, có một bộ phận DN muốn đầu tư bài bản, muốn lớn lên mà gặp trở ngại, thậm chí không thể làm được bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chính điều này đã khiến Việt Nam thiếu đi các DN lớn, các tập đoàn lớn mang tầm thế giới. Do đó, các DN mong muốn cơ quan quản lý tạo điều kiện hơn nữa cho DN tăng tốc đầu tư, đầu tư bài bản, theo kế hoạch chuyên nghiệp để phát triển bền vững. Không những thế, ông Lê Hoàng Hoán, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Việt kiến nghị phải hạn chế những chi phí không chính thức cho DN, giúp các DN tư nhân phát triển bình đẳng giữa DN lớn và nhỏ, phải thay đổi các thủ tục pháp lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, cần có nhiều giải pháp để cải thiện năng lực đầu tư cho DN. Tiêu biểu như quỹ bảo lãnh tín dụng, ông Ánh cho rằng không nên tự giới hạn đối tượng là các DN nhỏ và vừa mà nên mở rộng thành Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN ngoài quốc doanh vì kinh nghiệm trong và ngoài nước cho thấy, chính những DN càng lớn lại càng có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, theo ông Ánh, cần triệt để loại bỏ tất cả các ưu đãi thuế vì rất dễ nảy sinh những tiêu cực và khó quản lý; chỉ duy trì ưu đãi thuế chung cho các DN mới thành lập, thay thế các ưu đãi thuế khác bằng các hình thức hỗ trợ tài chính từ Nhà nước căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng tài chính của Nhà nước.

Tuy vậy, từ những tồn tại của môi trường kinh doanh, ý kiến của nhiều DN cho rằng, không nên quá trông chờ vào sự hỗ trợ từ Nhà nước mà cần tự lực tự cường để vươn lên, DN phải biết chấp nhận sống trong thị trường và quy định của nền kinh tế thị trường, không nên chỉ trông chờ vào các quỹ hỗ trợ. Vì thế, các DN cần nâng cao khả năng thích ứng, bởi DN không thích ứng được hoặc khó thích ứng đều khó có thể đầu tư bài bản.

Việc phát triển kinh tế tư nhân với định hướng tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi đã được các cơ quan, bộ, ngành cùng vào cuộc. Bởi đây là vấn đề sống còn của nền kinh tế, các DN Việt Nam không thể cứ bé mãi, không thể là những chiếc “thuyền thúng” nhưng lại đòi ra biển lớn. Vì thế, sự lắng nghe, cầu thị ý kiến từ DN là điều cần thiết để có những thay đổi thực chất và hiệu quả, giúp DN không còn “kêu” về việc khó đầu tư, khó mở rộng kinh doanh. Nhưng trên hết, vấn đề này rất cần đến sự thay đổi tư duy từ chính lãnh đạo DN, phải bỏ thói quen làm ăn chụp giật, đầu tư ít nhưng muốn thu lãi nhanh… để có hướng đi bài bản, hợp lý hơn trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/vi-sao-doanh-nghiep-ngai-dau-tu-bai-ban.aspx