Vì sao doanh nghiệp dừng thanh toán vốn huy động cho người lao động?

Lấy lý do, người lao động không có chứng từ vay tiền, góp vốn chi tiết nên từ năm 2006 nhà máy Đất đèn và hóa chất Tràng Kênh đã dừng hẳn việc thanh toán.

Liên quan đến vấn đề trên, Báo DĐDD vừa nhận được đơn kiến nghị của ông Trịnh Xuân Thắng – Nguyên chủ tịch công đoàn Công ty Đất đèn và hóa chất Tràng Kênh (thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam), nay là nhà máy Đất đèn và hóa chất Tràng Kênh (thuộc Công ty Hơi kỹ nghệ que hàn) đại diện cho 124 cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu.

Theo số liệu của Công ty Hơi kỹ nghệ que hàn (SOVIGAZ) trong tờ trình ngày 1/10/2007, tổng số tiền gốc công ty còn nợ lại người lao động chỉ có hơn 400 triệu đồng (409.236.066 đồng). Số tiền không quá lớn nhưng không hiểu sao, đến thời điểm này doanh nghiệp vẫn “ậm ừ” chưa muốn thanh toán cho những người đã một thời gắn bó với công ty?

Trong trường hợp này Công ty SOVIGAZ phải có trách nhiệm thanh toán vốn cho người lao động.

Trong trường hợp này Công ty SOVIGAZ phải có trách nhiệm thanh toán vốn cho người lao động.

Ông Trịnh Xuân Thắng cho biết, năm 1993 khi nhà máy gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhà máy đã có chủ trương vận động cán bộ công nhân viên cho nhà máy vay tiền để đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất, ổn định kinh doanh… dưới hình thức góp vốn, trả lãi theo lãi suất ngân hàng. Đồng tình với chủ trương này, chúng tôi những người công nhân gắn bó với nhà máy đã đem hết số tiền mà mình tích cóp được, những đồng lương tháng ít ỏi để chia sẻ cùng nhà máy. Quá trình thực hiện vay vốn của cán bộ công nhân viên được tiến hành từ năm 1994 đến năm 2002 thì dừng lại, với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Và hàng năm đều đặn từ năm 1994 đến tháng 6/2006 chúng tôi được trả lãi với mức lãi suất bằng lãi suất ngân hàng.

"Tuy nhiên, từ năm 2006 nhà máy đã dừng hẳn việc chi trả tiền gố và tiền lãi cho cán bộ công nhân viên với lý do, cá nhân không có chứng từ vay tiền chi tiết nên không có cơ sở để chi trả. Số tiền nhà máy còn nợ chúng tôi không lớn nhưng tại thời điểm cho nhà máy vay, đó là khoản thu nhập đáng kể trích từ đồng lương còm của chúng tôi, những người ở một nhà máy luôn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng luôn tâm huyết và gắn bó" – ông Thắng chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả các cán bộ công nhân viên công ty khi nghỉ hưu, chuyển công tác từ năm 1994 đến tháng 6/2006 đều đã được nhận đầy đủ cả tiền gốc và tiền lãi. Số còn lại rơi vào thời điểm Công ty Đất đèn và hóa chất Tràng Kênh sáp nhập vào SOVIGAZ, do ông Trịnh Anh Tuấn làm giám đốc công ty kiêm giám đốc nhà máy.

Được biết, số cán bộ công nhân nhà máy chưa được trả tiền tiền gốc và lãi đã nhiều lần kiến nghị với Công ty SOVIGAZ thông qua đối thoại tại đại hội công nhân viên chức hàng năm. Đồng thời có gửi văn bản kiến nghị tới công ty đề nghị được trực tiếp tiếp cận hồ sơ tài liệu liên quan đến việc vay tiền và trả tiền góp vốn của người lao động nhưng đều không đạt kết quả. Số tiền không lớn nhưng đến nay việc giải quyết vẫn không có tiến triển gì.

"Một mặt công ty thừa nhận vẫn còn nợ cán bộ công nhân một khoản tiền hơn 400 triệu đồng và hứa tiếp tục tìm kiếm hồ sơ chứng từ để giải quyết. Một mặt lại yêu cầu chúng tôi cung cấp cho công ty chừng từ bằng chứng có nộp tiền vào nhà máy trong khi toàn bộ các hồ sơ, chứng từ gốc có liên quan đều đang được lưu tại phòng kế toán của nhà máy, mà chúng tôi thì không thể tiếp cận được. Khác gì đang tìm lý do để thoái thác" – ông Thắng cho biết thêm.

Do đó, 124 cán bộ công nhân của nhà máy đã về hưu đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét lại toàn bộ các chứng từ gốc có liên quan đến việc vay và trả nợ của nhà máy Đất đèn và hóa chất Tràng Kênh trước đây, Công ty SOVIGAZ hiện nay. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP SOVIGAZ trả lại người lao động số tiền gốc và lãi trong 13 năm qua (từ 2006 đến nay) với mức lãi suất bằng lãi suất vay của ngân hàng ở từng thời điểm theo cơ chế vay đã thỏa thuận trước đây.

Theo khoản 1 Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, khi người lao động và doanh nghiệp trước khi sáp nhập đã thực hiện hợp đồng huy động vốn thì khi sáp nhập doanh nghiệp, hợp đồng đó cũng được chuyển giao cho doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp mới phải có trách nhiệm thanh toán lại vốn huy động đó cho người lao động. Như vậy trong trường hợp này Công ty SOVIGAZ phải có trách nhiệm thanh toán vốn cho người lao động. Nếu có tranh chấp phát sinh, người lao động có thể gửi đơn kiện đến tòa án có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để giải quyết.

DĐDN sẽ tiếp tục thông tin.

Lan Vũ - Minh Huệ

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/doanh-nghiep-am-u-chua-muon-thanh-toan-lai-von-huy-dong-cho-nguoi-lao-dong-158775.html