Vì sao doanh nghiệp địa ốc Alibaba có thể 'qua mặt' bán đất nền khống?

Luật Doanh nghiệp có những quy định thông thoáng hơn trước để tạo điều kiện các doanh nghiệp đầu tư phát triển, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẻ hở của luật để lách, thậm chí là lừa đảo người tiêu dùng.

Băn khoăn kẽ hở của luật

Lợi dụng kẻ hở của luật, nhiều doanh nghiệp đã lừa dối người tiêu dùng mua bán đất nền trái phép.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, để tình trạng doanh nghiệp địa ốc có dấu hiệu vi phạm như Alibaba trong thời gian qua là do Luật Doanh nghiệp hiện nay có nhiều kẻ hở.

Chẳng hạn như Điều 111, tại khoản 1 quy định: "Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty"; tại khoản (5.a) quy định công ty có thể thay đổi vốn điều lệ "Theo quyết định của đại hội đồng cổ đông".

Hay tại khoản 1 Điều 112 quy định: "Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp"; và tại Điều 31 quy định về đăng ký thay đổi nội dung và cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới, nhưng không quy định việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũ.

Như vậy, doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký vốn cổ phần rất lớn, như Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba đăng ký vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh đăng ký vốn điều lệ lên đến 12.000 tỷ đồng.

“Hiệp hội nhận thức đây là vấn đề cần được giám sát, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi số vốn điều lệ rất lớn để lừa dối khách hàng và đối tác”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Bàn thêm vấn đề này, luật sư Vũ Quyết Tiến – Công ty Luật Đại Việt, cho hay hành vi bán đất nền khi đó không phải của doanh nghiệp địa ốc Alibaba đã vi phạm trong khoản 2, Điều 6 của Luật Bất động sản. Cụ thể, doanh nghiệp này không thể cung cấp được đầy đủ thông tin có tính pháp lý của dự án bất động sản bán ra ngoài thị trường. Theo đó, nhà nước cần xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm pháp luật tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, theo ông Châu, ngoài Luật doanh nghiệp thì Luật Kinh doanh bất động sản và Bộ Luật Dân sự có độ “vênh” trong quá trình áp dụng pháp luật để quản lý hoạt động bán nhà ở hình thành trong tương lai (bao gồm nền nhà, căn hộ, nhà phố, biệt thự). Vì thế, một số doanh nghiệp lợi dụng để huy động vốn trái phép, có thể gây thiệt hại hoặc rủi ro cho khách hàng và nhà đầu tư thứ cấp.

Cần xử lý nghiêm hành vi mua bán đất nền trái phép

Trước những sai phạm của doanh nghiệp địa ốc Alibaba, mới đây UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc kiểm tra hoạt động của Công ty Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh về dự án Alibaba Tây Bắc (huyện Củ Chi); báo cáo, đề xuất hướng xử lý trình UBND thành phố.

Công văn khẩn của UBND TP Hồ Chí Minh gửi các Sở, ban ngành.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng giao Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc, UBND huyện Củ Chi kiểm tra, nắm kỹ tình hình kịp thời để chủ động có phương án xử lý, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn Củ Chi.

Trước đó, ông Nguyễn Tấn Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành cũng đã có công văn gửi đến các phòng Quản lý đô thị, Tài nguyên môi trường, UBND các xã thị, trấn về kiểm tra xử lý công trình xây dựng, đầu mối hạ tầng trên địa bàn huyện sau vụ việc cảnh báo của HoREA.

Đồng thời, UBND huyện Long Thành cũng yêu cầu các đơn vị này cắm biển báo khuyến cáo người dân không mua bán, chuyển nhượng đất nền tại khu vực mà cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, chưa được kiểm tra nghiệm thu, đặc biệt là tại khu vực các xã Long Phước, An Phước, Lộc An, Bình Sơn.

Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia kinh tế LS.TS Bùi Quang Tín – CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng đây là động thái vào cuộc kịp thời của các chính quyền, cơ quan chức năng nhằm chấn chỉnh việc mua bán đất nền trái phép của doanh nghiệp địa ốc Alibaba.

“Tuy nhiên, hiện nay không chỉ riêng doanh nghiệp địa ốc Alibaba có dấu hiệu lừa đảo mà còn nhiều doanh nghiệp bất động sản khác chưa được “bốc phốt”. Vì thế, các cơ quan chức năng cần tăng cường vào cuộc kiểm tra, kiểm soát để làm sáng tỏ các vụ việc tương tự. Cụ thể, cần xem xét hồ sơ pháp lý, đặc biệt là hồ sơ đóng thuế cũng như các yếu tố liên quan đến dự án, tăng vốn điều lệ của công ty. Nếu có sai phạm thì phải xử lý mạnh để răn đe và ngăn chặn rủi ro cho nhà đầu tư”, TS.LS Bùi Quang Tín chia sẻ.

Ngoài ra, theo TS Tín, UBND TP Hồ Chí Minh cũng nên công khai các dự án đất nền đã được quy hoạch và chưa quy hoạch, được bán hay chưa được bán và ai có thể tham gia bán đất nền để người dân nắm rõ thông tin, tránh bị nhầm lẫn và bị lừa đảo. Mặt khác, bản thân người tiêu dùng hay nhà đầu tư thứ cấp muốn mua dự án nào cần đến các cơ quan chức năng có liên quan ở khu vực đó để hỏi rõ tính pháp lý của dự án, tránh bị lừa đảo như doanh nghiệp địa ốc Alibaba.

Người bị lừa mua đất nền trái phép có thể khởi kiện

Theo LS Vũ Quyết Tiến – Công ty Luật Đại Việt, trong trường hợp doanh nghiệp địa ốc Alibaba không chứng minh là chủ đầu tư của các dự án Alibaba Tây Bắc hay các dự án khác tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương... thì căn cứ vào điều 127 của Luật Bộ dân sự, hợp đồng đặt cọc mua đất đó bị vô hiệu do người dân bị lừa dối.

Theo đó, người dân có quyền khởi kiện và yêu cầu Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, Công ty Alibaba Tây Bắc TP Hồ Chí Minh hoàn trả lại tiền đặt cọc do hợp đồng vô hiệu.

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/bat-dong-san/vi-sao-doanh-nghiep-dia-oc-alibaba-co-the-qua-mat-ban-dat-nen-khong-20171121211814415.htm