Vì sao doanh nghiệp dễ dàng gắn mác 'Made in Vietnam' cho sản phẩm nhập từ nước khác?

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, doanh nghiệp mập mờ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhập hàng nước khác về bán nhưng lại gắn mác hàng Việt Nam không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn không có đạo đức kinh doanh.

Trước ồn ào của dư luận về việc một số thương hiệu lớn của Việt Nam như: Asanzo, Sunhouse… bán sản phẩm nghi nhập từ Trung Quốc sau đó gắn mác “Made in Vietnam”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nếu sản phẩm đó được nhập nguyên liệu từ nước ngoài, nhưng công nghệ, nhà xưởng lắp ráp, được hoàn thiện tại Việt Nam thì vẫn có thể coi là hàng “Made in Vietnam”. Tuy vậy, nếu hàng hóa ghi “xuất xứ Việt Nam” thì lại phải có tiêu chí khác.

“Thực tế là hiện cơ quan quản lý Nhà nước chưa có định nghĩa rõ ràng về hàng “Made in Vietnam”. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nhập nguyên chiếc sản phẩm từ Trung Quốc về sau đó dán đè tem “Made in Vietnam” thì vẫn là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lừa dối người tiêu dùng.

Với hành vi này, doanh nghiệp không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh, không có trách nhiệm xã hội”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, Điều 3.14 của Luật Thương mại năm 2015 đã định nghĩa về xuất xứ hàng hóa với 2 ý là: nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất toàn bộ; hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản mà không đề cập đến lắp ráp.

Theo đó, “việc chế biến cơ bản” cần được lưu ý về mức độ, khác với lắp ráp qua loa rồi nhận là xuất xứ của Việt Nam.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam thực sự chưa có quy định rõ ràng nào là hàng hóa “Made in Vietnam”. Những khái niệm về hàng sản xuất tại Việt Nam chỉ được nhắc tới mờ nhạt và rời rạc trong các văn bản của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Luật Thương mại, Nghị định 43/2017/NĐ-CP… Song việc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, quy tắc nào thì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng.

Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng gắn mác hàng “Made in Vietnam”. Mặc dù vậy, trong trường hợp này, các doanh nghiệp không nên lạm dụng lòng tin của người Việt vào hàng Việt để khoác "áo" Việt Nam cho hàng nhập từ nước khác.

Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và ở đó, quy định về xuất xứ hàng hóa được nêu rất rõ ràng, làm căn cứ để hưởng ưu đãi. Chẳng hạn, trong ASEAN nếu đạt được hàm lượng giá trị khu vực 40% trở lên thì được coi là có xuất xứ ASEAN.

Trong 40% này có thể là 20% của Thái Lan, 10% của Malaysia, 5% của Philippines và chỉ có 5% của Việt Nam. Nhưng như vậy, sản phẩm này đạt tiêu chí xuất xứ ASEAN (được cấp C/O Mẫu D) song vẫn chưa khẳng định hàng hóa đó có xuất xứ Việt Nam hay không.

Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất, cần quy định thế nào là sản xuất, lắp ráp trường hợp nào mới xuất xứ nguồn gốc tỷ lệ bao nhiêu, không nói chung chung. Tiêu chí hàng “made in Vietnam” đáp ứng 2 tiêu chí hàm lượng giá trị phải quá 50%, thứ 2 không cần nhiều như thế nhưng điều kiện là không có sản phẩm tương tự của nhà sản xuất khác mà phải tập hợp nhiều thứ, lắp ráp tạo ra một sản phẩm mới, không thể y chang như một sản phẩm đã hoàn chỉnh hay gần hoàn chỉnh. Từng sản phẩm khác nhau cần có quy định cụ thể, ô tô sẽ khác một cái xe đạp, hay một chiếc ti vi.

Hà Linh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/vi-sao-doanh-nghiep-de-dang-gan-mac-made-in-vietnam-cho-san-pham-nhap-tu-nuoc-khac/815497.antd