Vì sao DN Thành Phát khai thác mỏ đá Thua Phia bất chấp pháp luật?

Quá trình khai thác mỏ đá Thua Phia gây ô nhiễm trầm trọng, khiến nhà cửa lún nứt, mỗi lần nổ mìn phá đá là mỗi lần người dân nơm nớp lo sợ…

Tiếp tục phóng sự về , phóng viên VOV đã làm rõ hàng loạt các vi phạm nghiêm trọng của Công ty Khoáng sản và Thương mại Thành Phát (DN Thành Phát) trong quá trình khai thác mỏ đá này.

Điều ngạc nhiên là doanh nghiệp này không những không bị xử lý, xử phạt mà còn được chính quyền hợp thức hóa các sai phạm, càng gây bức xúc trong dư luận và người dân địa phương.

Hàng loạt vi phạm nghiêm trọng…

Sau tai nạn nghiêm trọng gây chết nhiều người trong quá trình khai thác mỏ đá xảy ra trên địa bàn, đầu tháng 4/2019, tỉnh Cao Bằng đã thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra hoạt động của các mỏ đá, trong đó có mỏ Thua Phia. Biên bản đoàn công tác thực hiện ngày 17/4/2019 chỉ rõ: mỏ Thua Phia đã vi phạm chỉ giới ở gương khai thác được cấp phép; không thi công cắt tầng theo hồ sơ thiết kế. Nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp còn khai thác hoàn toàn ngoài chỉ giới ở vị trí gương khai thác số 2 với chiều rộng ước chừng 40m và chiều cao 25m…

Doanh nghiệp Thành Phát khai thác không thực hiện cắt tầng theo hồ sơ thiết kế.

Doanh nghiệp Thành Phát khai thác không thực hiện cắt tầng theo hồ sơ thiết kế.

Khai thác mỏ đá Thua Phia hoàn toàn ngoài chỉ giới ở vị trí gương khai thác số 2.

Thời điểm kiểm tra, chức danh Giám đốc điều hành mỏ cũng chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận. Chỉ huy nổ mìn cũng chưa đáp ứng trình độ chuyên môn theo quy định. Doanh nghiệp Thành Phát còn vi phạm hàng loạt các quy định khác như: không lập kế hoạch, biện pháp an toàn, vệ sinh khu vực sản xuất; các sản phẩm cát nghiền, đá dăm chưa công bố hợp quy khi lưu thông trên thị trường...

Mỏ đá Thua Phia được cấp phép khai thác ngay sát đường giao thông và khu dân cư sinh sống.

Bụi đá bao trùm tuyến đường liên xã Chu Trinh - Hồng Nam và khu vực dân cư quanh điểm khai thác mỏ đá Thua Phia.

Những sai phạm nghiêm trọng của Doanh nghiệp Thành Phát trong quá trình khai thác mỏ đá Thua Phia cũng chính là những căn nguyên khiến môi trường sống của người dân xung quanh khu vực mỏ đá này ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng, nhà cửa của người dân thì bị lún nứt, mỗi lần doanh nghiệp cho nổ mìn là mỗi lần người dân nơm nớp lo sợ…

Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình quản lý và trách nhiệm xử lý những vi phạm tại mỏ đá Thua Phia, Phóng viên VOV đã liên hệ và làm việc với đại diện các sở, ngành liên quan và cả lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Các sở, ngành liên quan đùn đẩy, né trách trách nhiệm, còn hồ sơ quan trọng thì đều chung một tình trạng “thất lạc”.

Ông Lê Viết Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế - Vật liệu, Sở Xây dựng tỉnh Cao Bằng cho biết, việc giám sát hoạt động của mỏ cũng như xử phạt chủ yếu của các Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Công Thương và một số đơn vị liên quan, còn đợt kiểm tra vừa qua, Sở Xây dựng “chỉ” chủ trì phối hợp và báo cáo UBND tỉnh.

Trong khi đó. đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Xuân Tiếp, Trưởng phòng Đo đạc và Khoáng sản lại cho rằng: Sở không tham mưu xử phạt, bởi ở đợt kiểm tra này, Sở Xây dựng mới là đơn vị chủ trì. Ông Tiếp thừa nhận, đơn vị có nhận được phản ánh của người dân về ảnh hưởng của mỏ đá qua các đợt tiếp xúc cử tri nhưng đã yêu cầu doanh nghiệp xử lý, khắc phục xong.(?)

Còn ông Nhan Viết Thái, Phó Giám đốc sở Công Thương tỉnh Cao Bằng khẳng định: Sở không nhận được bất cứ kiến nghị bằng đơn từ nào của người dân về vấn đề nổ mìn ảnh hưởng đời sống nhân dân hay nổ ngoài chỉ giới: “Hiện nay chúng tôi không biết có khai thác ngoài chỉ giới hay không, thiết kế khai thác do sở Xây dựng thẩm tra, cho ý kiến. Còn muốn kiểm tra họ có khai thác ngoài ranh giới, tọa độ chỉ giới theo giấy phép hay không phải do sở Tài nguyên và Môi trường hay sở Xây dựng phối hợp liên ngành kiểm tra xem có nổ ngoài chỉ giới không...”

Mỏ đá Thua Phia vẫn hoạt động rầm rộ cho dù vi phạm nghiêm trọng hàng loạt các quy định của pháp luật.

Đoàn công tác liên ngành luôn có đẩy đủ các sở, ngành liên quan với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước rõ ràng, vậy không hiểu vì lý do gì mà các sở ngành lại đùn đẩy trách nhiệm xử lý các vi phạm rõ ràng của doanh nghiệp ghi trong biên bản do chính đoàn công tác xác lập.(?). Khó hiểu hơn, khi phóng viên đề nghị cung cấp phương án nổ mìn của mỏ đá Thua Phia, Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng không cung cấp được với lý do“thất lạc” cho dù giấy phép nổ mìn mới chỉ cấp lại năm 2018. Đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường, một căn cứ pháp lý quan trọng để cấp phép và quản lý Doanh nghiệp Thành Phát khai thác mỏ Thua Phia, Sở Tài nguyên &Môi trường tỉnh Cao Bằng cũng “không tìm thấy”(?)

“Ưu ái” doanh nghiệp bất thường… bất chấp luật pháp

Doanh nghiệp Thành Phát không chỉ được cấp phép khai thác mỏ đá Thua Phia sát đường giao thông và khu vực dân cư sinh sống mà còn được tỉnh Cao Bằng cấp phép trước từ năm 2013, rồi mới cấp Chứng nhận đầu tư năm 2014 (?). Điều này trái với quy định về bán kính tối thiểu đảm bảo an toàn trong vận chuyển, bảo quản, sử dụng, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp và trái với với trình tự cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản hiện hành.

Trong quá trình khai thác mỏ đá, doanh nghiệp đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật hiện hành, đã bị lập biên bản nhưng đến nay vẫn không bị xử lý, không có bất cứ hình thức xử phạt nào được đưa ra (?). Sự “ưu ái” của tỉnh Cao Bằng đối với Doanh nghiệp Thành Phát không dừng lại ở đó, chính quyền tỉnh còn chấp thuận để doanh nghiệp này điều chỉnh giấy phép đầu tư, điều chỉnh phương án khai thác theo hướng mở rộng ra khu vực đã vi phạm về chỉ giới.(?). Điều này không khác gì ưu ái, tạo điều kiện để hợp thức hóa vi phạm của doanh nghiệp. Và tại vị trí khai thác trái phép này, phóng viên VOV vẫn ghi nhận các hoạt động khoan đá, nổ mìn diễn ra công khai cho dù doanh nghiệp vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh giấy phép theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp Thành Phát vẫn công khai khoan đá, nổ mìn tại vị trí ngoài chỉ giới được cấp phép, bất chấp yêu cầu tạm dừng của cơ quan chức năng.

Để tiến hành điều chỉnh giấy phép đầu tư, ngày 16/8/2019, Doanh nghiệp Thành Phát đã tổ chức họp tham vấn cộng đồng có sự tham gia của lãnh đạo xã Chu Trinh (TP Cao Bằng) và một số hộ dân. Biên bản do UBND xã Chu Trinh lập nhất trí cho doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng dự án đã vấp phải sự phản ứng trái chiều của chính người dân tham gia cuộc họp này.

Ông Đinh Văn Dương, ở thôn Bó Giới, xã Chu Trinh là người tham gia cuộc họp khẳng định: “Tôi được họp thật, nhưng biên bản không đúng quan điểm, không đúng ý người dân thì dân chúng tôi phản đối, mong sao các cơ quan ban ngành bỏ mỏ đá đi thì dân mới thỏa mãn….”

Nhiều nội dung tại biên bản cuộc họp tham vấn cộng đồng chưa được doanh nghiệp Thành Phát thực hiện; không đúng mong muốn của tất cả người dân.

Một dự án ngay từ khi thẩm định, phê duyệt và cấp phép đã có nhiều khuất tất. Hồ sơ, thủ tục quan trọng để cấp phép và quản lý dự án đồng loạt bị thất lạc. Nhiều năm qua, Doanh nghiệp Thành Phát khai thác mỏ đá vi phạm nghiêm trọng hàng loạt các quy định của pháp luật, gây bức xúc trong dân nhưng các sở, ngành chức năng lại đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không đưa ra bất cứ hình thức xử lý, xử phạt nào.

Không những không bị xử lý, doanh nghiệp này còn được tỉnh Cao Bằng chấp thuận cho điều chỉnh giấy phép đầu tư, điều chỉnh phương án khai thác theo hướng mở rộng ra chính khu vực đã và đang vi phạm về chỉ giới khai thác, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa trực tiếp đến an toàn sống của người dân. Câu chuyện này đang gây bức xúc trong dư luận về hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.

Phóng viên VOV tiếp tục thông tin về nội dung này./.

Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 33/2017 NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thì mức phạt cho hành vi khai thác ngoài ranh giới tối đa lên đến 300 triệu đồng và xem xét tước giấy phép có thời hạn tùy ở mức độ vi phạm.

Điều 37 Nghị định 33/2017 NĐ-CP cũng quy định, với hành vi khai thác không đúng phương pháp sẽ bị xử phạt hành chính tối đa 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ không đúng tiêu chuẩn quy định cũng có thể bị xử phạt đến 30 triệu đồng theo Điều 38, Nghị định này.

Đối với hành vi sản xuất vật liệu xây dựng không đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, mức xử phạt tối đa có thể lên đến 50 triệu đồng theo Điều 39, Nghị định 139/2017-NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng...

Nhóm phóng viên/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-dn-thanh-phat-khai-thac-mo-da-thua-phia-bat-chap-phap-luat-993459.vov