Vì sao 'đinh tặc' lộng hành?

Mấy ngày nay, mạng xã hội lại nóng chuyện “đinh tặc” trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đoạn qua địa phận Bắc Ninh.

Nạn rải đinh từng xuất hiện tần suất cao trên nhiều tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, TPHCM bất chấp sự lên án gay gắt của dư luận. Những cung đường “đinh tặc” đã từng trở thành nỗi ám ảnh, nỗi khổ của người dân khi phải lưu thông qua những cung đường này.

Tạm lắng một thời gian khi Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực với mức phạt: phạt tiền từ 6-8 triệu đồng và buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn và khôi phục lại tình trạng ban đầu. Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tội cản trở giao thông đường bộ” tùy mức độ thiệt hại mà áp dụng những mức phạt thích đáng như phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như làm chết nhiều người thì bị phạt tù tới 10 năm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nạn “đinh tặc” lại tái xuất. Các đối tượng tìm cách cắt ra loại đinh hình thoi, đinh tròn sắc nhọt để rải trên đường, kiếm tiền trên sự hư hại tài sản, đe dọa sinh mạng người khác. Thay săm xe máy có giá “cắt cổ” từ 180.000 - 250.000 đồng, nếu vá thì 50.000 đồng/miếng, cao gấp 4-5 lần bình thường.

Hình thức phạt “đinh tặc” tái diễn, ngoài việc áp dụng theo quy định nhiều người còn hiến kế với những trường hợp mới phạm tội rằng: Nếu “tóm” được “đinh tặc” mới phạm tội mà chúng kêu không có tiền thì nên phạt đánh 50 roi giữa chợ, bắt lao động công ích 3 tháng. Hay như bạn Trịnh Văn Quỳnh moi lại chuyện cũ: “Còn nhớ trước đây, “đinh tặc” nhởn nhơ là vì ngay tại cơ quan điều tra, rất nhiều đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội của mình, khai ra rành rọt các thủ đoạn nhưng rồi tất cả chỉ bị xử phạt qua loa. Không ít “đinh tặc” lại “vất vả bắt, nhẹ nhàng thả” vì lý do ngắn gọn: Luật chưa quy định! Bây giờ chúng tái xuất thì có khung tội rõ ràng, cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay để xử lý thích đáng”.

Khi “đinh tặc nhờn thuốc” có lẽ bên các quy định mang tính định khung, các nhà làm luật cần đưa ra những điều khoản cụ thể dựa trên tính chất của tội, phạt theo nguy cơ và hậu quả tính ra từ thống kê đó. Không để tình trạng như “đinh tặc” trước đây không có luật thì được thả hay phạt cho có gây nên chuyện “nhờn” đầy nguy hiểm cho xã hội. Cạnh đó, cần kết hợp nhiều biện pháp ngăn chặn hiệu quả như: Lắp đặt camera theo dõi trên các đoạn đường vắng, đường cao tốc, quốc lộ; khen thưởng kịp thời với những người phát hiện, tố cáo. Và cuối cùng, khi luật đã định, cần áp dụng xử lý nghiêm tránh nạn “đinh tặc” lộng hành.

Mai Hạnh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tranh-cai/vi-sao-dinh-tac-long-hanh-20170907091141891.htm