Vì sao điện ảnh cần những bộ phim làm lại?

Bên cạnh chuyển thể, làm lại các tác phẩm cũ là lựa chọn ưa thích của Hollywood nói riêng và điện ảnh, truyền hình nói chung trong sứ mệnh sản xuất nội dung phục vụ khán giả.

Tháng 7/2019, bộ phim Italy Perfetti sconosciuti (tên tiếng Anh: Perfect Strangers) của đạo diễn Paolo Genovese được ghi danh vào sách kỷ lục Guinness là tác phẩm có nhiều bản phim làm lại nhất.

Theo thống kê, đến năm 2020, Perfect Strangers đã được làm lại trên dưới 20 lần bởi các nền điện ảnh Tây Ban Nha, Mexico, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam…

 Tại Việt Nam, Perfect Strangers được làm lại lấy tên Tiệc trăng máu. Ảnh: Lotte.

Tại Việt Nam, Perfect Strangers được làm lại lấy tên Tiệc trăng máu. Ảnh: Lotte.

Perfect Strangers là một trong số rất nhiều bộ phim được các hãng phim mua bản quyền làm lại mỗi năm. Con số 20 bản phim vừa chứng minh sức hút của tác phẩm với khán giả, vừa cho thấy vai trò của việc remake các bộ phim cũ trong sự vận động của nền điện ảnh thế giới.

Thể loại phim khó chiều lòng khán giả

Trong cộng đồng khán giả, không thiếu những người phản đối, thậm chí ghét bỏ, các bộ phim làm lại. Họ lấy dẫn chứng bằng thất bại của các “bom xịt” như Ben-Hur (2016) so với bản phim gốc năm 1959, Ghostbusters (2016) so với các phần phim gốc có Bill Murray, The Mummy (2017) so với bộ phim nổi tiếng năm 1999…

Thất bại của các tựa phim kể trên phần nào đó cho thấy phim làm lại tuy có tiến bộ về công nghệ, nhưng chưa chắc đã sánh ngang nguyên tác về chất lượng nghệ thuật cũng như cảm xúc nó mang lại cho khán giả.

Điều này vẫn thường xuyên xảy ra khi các nhà làm phim không đơn thuần lặp lại y nguyên nội dung tác phẩm gốc (như Psycho (1998) “sao y bản chính” nguyên tác của Alfred Hitchcock và thất bại) mà còn tìm cách lồng ghép vào trong đó những vấn đề thời sự.

Ghostbusters (2016) ra đời tại thời điểm phong trào nữ quyền đang được chú ý. Phim đã hoán đổi giới tính các nhân vật: biệt đội săn ma trở thành nhóm phụ nữ thông minh nhưng lập dị, còn “bóng hồng” do Sigourney Weaver thủ vai ở phần phim gốc trở thành một anh chàng tóc vàng hoe (Chris Hemsworth).

The Mummy của Tom Cruise thất bại hoàn toàn so với bản phim năm 1999. Ảnh: Universal.

Hay như The Mummy (2017) với sự góp mặt của Tom Cruise. Phim loại bỏ yếu tố hài hước từng làm nên sức hút cho series Xác ướp Ai Cập do Brendan Fraser thủ vai chính và nghiêng về dòng kinh dị, hành động. Kết quả, sự phá cách chỉ mang về doanh thu khiêm tốn trên 400 triệu USD từ phòng vé toàn cầu và hàng loạt bình luận tiêu cực từ cả giới phê bình lẫn khán giả.

Theo thống kê của Washington Post thực hiện cách đây bốn năm, từ 1993 tới 2016, Hollywood đã làm lại tổng cộng 171 bộ phim. Tuy nhiên, chỉ có 31 tác phẩm trong số đó (tương đương 18%) đạt doanh thu trên 100 triệu USD.

Hướng phát triển của Hollywood

Thống kê trên trang the-numbers.com cho thấy tại Hollywood trong 25 năm (từ 1995-2020), thị phần của dòng phim làm lại trong cơ cấu các tác phẩm phát hành tại rạp đã có những thay đổi đáng kể. Thị phần phim remake tăng mạnh trong giai đoạn 2003-2007 và đạt đỉnh năm 2005 với 16,57%, rồi giảm sâu vào năm 2013 với 1,13%. Tới năm 2019, con số này là 11,65%.

Trong 25 năm qua, số lượng phim làm lại được sản xuất tại Hollywood cũng ghi nhận sự tăng trưởng. Từ con số 6 phim năm 1995, con số tăng lên 26 tác phẩm vào 2019.

The Lion King (2019) là bộ phim làm lại có doanh thu phòng vé cao nhất 25 năm qua. Ảnh: Disney.

Dựa trên kết quả bán vé, The Lion King (2019) và Beauty and the Beast (2017) chia nhau vị trí top đầu phim làm lại ăn khách nhất 25 năm qua với doanh thu lần lượt 543,6 triệu USD và 504 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ.

Tổng doanh thu toàn cầu của hai bộ phim là 1,66 tỷ USD và 1,264 tỷ USD. Hai tác phẩm với kinh phí sản xuất lên tới hàng trăm triệu USD đều thuộc chùm phim chuyển thể người đóng được remake từ nội dung các bộ hoạt hình ăn khách của Disney.

Làm lại các tác phẩm ăn khách vẫn được Hollywood đầu tư phát triển trong những thập kỷ qua và tương lai sắp tới. Năm 2020, dù nền công nghiệp điện ảnh đóng băng vì dịch bệnh, các hãng phim vẫn liên tiếp công bố dự án mới. Không ít trong số đó là phim làm lại như The Others (2001) gắn liền với tên tuổi Nicole Kidman, phim kinh dị Firestarter (1984), Three Man and a Baby (1987)…

Tại sao Hollywood làm lại phim cũ?

Hollywood những năm trở lại đây đang đối mặt nguy cơ cạn kiệt ý tưởng gốc. Tình trạng càng trở nên trầm trọng khi sự nở rộ của truyền hình cáp và các nền tảng xem phim trực tuyến thúc đẩy nhà sản xuất tìm kiếm thêm nội dung mới đáp ứng nhu cầu khán giả.

Năm 2020 ghi nhận sự bùng nổ trong trận chiến bản quyền chuyển thể tác phẩm văn học giữa các hãng phim. Công ty môi giới bản quyền Creative Artists Agency (CAA) cho biết họ đã bán bản quyền chuyển thể khoảng 175 tựa sách cho các đơn vị sản xuất phim điện ảnh và truyền hình trong năm nay. Con số cao gấp năm lần kết quả kinh doanh cùng kỳ năm 2019.

Giống như các tác phẩm văn học hay trò chơi điện tử, chất lượng của những tựa phim cũ đã được thời gian khẳng định cũng như thu hút một lượng người hâm mộ nhất định.

Chất lượng và tập khán giả là hai yếu tố bảo đảm tính thành công của bất cứ tác phẩm nào. Hãng phim sẽ không dễ gì lưu kho tác phẩm của họ nằm đóng bụi khi đang khan hiếm ý tưởng làm phim.

Một bộ phim cũ có thể được làm lại dưới định dạng phim điện ảnh hoặc phát triển thành series truyền hình như những gì Miramax đang làm với kho tác phẩm của họ. Hãng đã lên kế hoạch chuyển thể hai phim điện ảnh The Gentlemen của Guy Ritchie và Mimic của Paul W.S. Anderson thành bản truyền hình.

Series Jurassic World là một bản phim làm lại thành công và dự kiến sẽ còn tiếp tục sau phần ba. Ảnh: Universal.

Thêm vào đó, việc làm lại các tác phẩm điện ảnh đã phát hành cũng giúp hãng phim rút ngắn thời gian sản xuất. Hãng vẫn đang nắm bản quyền tác phẩm, do đó công việc cần làm chỉ là thương lượng và ký lại hợp đồng thay vì cạnh tranh với hàng loạt đối thủ.

Tiếp đó, phản hồi của khán giả với nội dung phim gốc chính là cơ sở để nhà làm phim kịp thời thay thế những chi tiết đã lỗi thời hoặc thêm thắt, lồng ghép thêm các yếu tố chiều lòng công chúng hiện đại.

Nếu hướng đi mới của nhà sản xuất là đúng, bộ phim làm lại sẽ gặt hái thành công rực rỡ như thương hiệu Jurassic World (2015) phát triển từ series Jurassic Park. Hai tập phim Thế giới khủng long, bao gồm Jurassic World (2015) và Jurassic World: Fallen Kingdom (2017), đã mang về cho Universal hơn 2,97 tỷ USD tại phòng vé toàn cầu.

A Star is Born (2018) là một ví dụ khác cho tác phẩm làm lại thành công. Bộ phim do Bradley Cooper làm đạo diễn là phiên bản làm lại thứ tư của nguyên tác cùng tên ra đời năm 1937.

Sau hơn 80 năm, câu chuyện một nàng ca sĩ vô danh vụt sáng thành ngôi sao dưới bàn tay dìu dắt của người đàn ông tài năng nhưng nát rượu vẫn giành trọn trái tim khán giả. Năm 2019, A Star is Born (2018) đã giành một giải Oscar cho Ca khúc nhạc phim xuất sắc bên cạnh 7 đề cử khác.

Điện ảnh, hay việc làm phim, xét cho cùng cũng là một hoạt động kinh doanh. Các nhà đầu tư sẽ luôn dồn tiền vào những dự án họ thấy được cơ hội thành công. Dòng phim làm lại, giống như các tác phẩm chuyển thể, mang đến cho họ chính xác sự đảm bảo ấy. Cùng với kịch bản gốc, chuyển thể và làm lại là những cách Hollywood xây dựng ý tưởng cho những sản phẩm mới.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-dien-anh-can-nhung-bo-phim-lam-lai-post1144480.html