Vì sao điểm thi môn Giáo dục công dân cao nhất?

Độ chênh về điểm trung bình các môn thi trong năm nay rất lớn, môn cao nhất là Giáo dục công dân (7,37 điểm) môn thấp nhất là Lịch sử (4,30 điểm).

Kể từ khi môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì môn thi này luôn nằm chễm chệ ở ngôi đầu điểm trung bình môn.

Điểm trung bình môn cao, điểm 9, điểm 10 nhiều, ít điểm dưới trung bình và thực tế môn thi Giáo dục công dân đang góp phần làm đẹp thêm cho điểm trung bình các môn thi ở nhiều tỉnh.

Phải chăng môn thi này dễ học, đề dễ hay học sinh ham học môn Giáo dục công dân?

Môn Giáo dục công dân có điểm trung bình cao nhất (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Môn Giáo dục công dân có điểm trung bình cao nhất (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Theo bảng phân tích phổ điểm thi môn Giáo dục công dân trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 của Bộ Giáo dục thì điểm trung bình môn thi này là 7,73 điểm- môn thi có điểm trung bình cao nhất.

Điều đặc biệt là môn thi này chỉ có 11 thí sinh bị điểm liệt và không có thí sinh nào bị điểm 0. Trong đó có 3258 điểm 9,75 và 784 điểm 10.

Nếu tính từ điểm 9,0 trở lên thì môn thi này có tới 49.810/ 494.086 thí sinh dự thi môn Giáo dục công dân. Điểm thí sinh đạt được nhiều nhất là 7,75, điểm dưới trung bình chỉ có 3,96 %.

Trong 9 môn thi ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì môn Giáo dục công dân được nhiều thí sinh lựa chọn, theo chúng tôi được bắt nguồn bởi các nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Số tiết học của môn Giáo dục công dân hiện nay ít nhất trong 9 môn thi. Mỗi năm, môn học này chỉ có 35 tiết học, các môn thi còn lại là 52 tiết, 70 tiết, 105 tiết, 123 tiết/ năm.

Chính vì vậy, môn Giáo dục công dân là môn có số lượng bài học ít, khối lượng kiến thức ít hơn. Đương nhiên, học sinh cũng sẽ ít phải học bài hơn các môn khác.

Thứ hai: Môn Giáo dục công dân là môn học có nhiều bài tập tình huống yêu cầu học sinh xử lý. Trong khi, nhiều những tình huống xảy ra xung quanh cuộc sống hàng ngày nên học sinh dễ dàng nắm bắt và lựa chọn được những đáp án chính xác.

Thấy gì khi môn Giáo dục Công dân có nhiều điểm 10?

Những năm qua, đề thi có nhiều câu hỏi liên hệ thực tế nên không đòi hỏi thí sinh phải học thuộc hay ghi nhớ máy móc. Chỉ cần học sinh tinh ý là có thể đạt được điểm cao

Thứ ba: Những câu hỏi không khó, không có số liệu, ít phải phân tích và ít đòi hỏi tư duy cao như các môn học khác.

Độ nhiễu trong các câu trắc nghiệm của môn thì này cũng không nhiều như các môn thi còn lại. Nhiều câu hỏi thiên về học thuộc nội dung bài học sẽ lựa chọn tốt các đáp án trong đề thi. Trong khi, môn học này có khối lượng kiến thức ít nên học sinh dễ học, dễ nhớ.

Môn học ít thì điểm cao, môn học nhiều thì điểm thấp.

Đối lập với môn Giáo dục công dân thì năm nay môn Lịch sử và môn Tiếng Anh có điểm trung bình rất thấp. Trong khi đó, 2 môn này cũng như các môn thi còn lại nằm trong nhiều tổ hợp để xét tuyển đại học hơn. Từ đó, nó sẽ dẫn đến sự khập khiễng trong xét tuyển đại học.

Bởi, thực tế có nhiều ngành học cùng lúc xét bằng một số tổ hợp khác nhau. Những môn điểm cao bao giờ cũng có những lợi thế nhất định.

Một điều đặc biệt nữa là độ chênh về điểm trung bình các môn thi trong năm nay rất lớn, môn cao nhất là Giáo dục công dân (7,37 điểm) môn thấp nhất là Lịch sử (4,30 điểm). Chính vì thế, chất lượng đề thi cũng là một vấn đề được đặt ra.

Phải thẳng ra rằng môn Giáo dục công dân hiện nay kể cả việc dạy và học đều “nhàn hơn” nhiều các môn còn lại nhưng điểm thi lại luôn cao chót vót.

Phần lớn bài thi nằm ở điểm cận giỏi (7,75 điểm) trong khi các môn thi khác, có những môn đa phần thí sinh chỉ đạt điểm trung bình.

Môn Văn chiếm kỷ lục với 1.265 bài thi bị điểm liệt

Nên chăng, trong công tác chỉ đạo dạy và học, cũng như việc ra đề thi cần định hướng để điểm thi tương đồng nhau hơn.

Vẫn biết mỗi môn học có những đặc trưng riêng nhưng cũng cần nhất thiết tăng độ khó hoặc giảm độ khó của từng môn cụ thể để các môn không còn chênh lệch quá lớn về điểm số như hiện nay.

Trong khi môn Giáo dục công dân chỉ có 3,96 % số thí sinh bị điểm dưới trung bình thì môn Tiếng Anh là 68,74% và Lịch sử là 70,01%.

Điều đặc biệt là môn Tiếng Anh được chú trọng học từ những năm đầu Tiểu học với số tiết tương đối nhiều. Từ cấp Trung học cơ sở đến hết Trung học phổ thông đều có số tiết là 105 tiết/ năm, môn Giáo dục công dân của 2 cấp học này đều có 35 tiết/ năm.

Đó là chưa kể tình trạng trường chuyên, lớp chọn đào tạo chuyên Anh. Trong khi chưa bao giờ, chưa có ở đâu có lớp chuyên Giáo dục công dân.

Và, học sinh cũng chỉ có những em thi môn thi Giáo dục công dân lên lớp 12 mới đi học thêm môn Giáo dục công dân chứ học thêm tiếng Anh thì đều chú trọng từ nhỏ.

Vậy mà như chúng ta đang thấy, điểm môn tiếng Anh thì dưới mặt đất còn môn Giáo dục công dân thì chót vót ở trên.

Ngay sau khi Bộ công bố điểm thi thì có một số lãnh đạo Bộ Giáo dục và chuyên gia giáo dục lý giải là môn thi này gắn liền với thực tế đời sống nên điểm cao.

Vậy, những môn thi còn lại không gắn liền với thực tế cuộc sống sao? Nếu không gắn với thực tế cuộc sống thì học và thi làm gì?

Một khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa môn Giáo dục công dân vào tổ hợp Khoa học Xã hội của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và môn thi này lại nằm trong rất nhiều tổ hợp để xét tuyển đại học thì cũng cần bình đẳng với các môn học khác.

THANH AN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vi-sao-diem-thi-mon-giao-duc-cong-dan-cao-nhat-post200611.gd