Vì sao Đề án 911 'chết' giữa chừng?

Đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ đã không thể đạt được mục tiêu theo kế hoạch đặt ra có nguyên nhân từ những chính sách về tài chính không phù hợp

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 5 năm thực hiện (từ 2012-2016), Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ (TS) cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 (Đề án 911) chỉ có 3.800 nghiên cứu sinh (NCS) đã và đang được đào tạo - con số quá ít ỏi so với mục tiêu đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 TS.

Chưa chuẩn bị tốt

Đề án 911 đặt mục tiêu đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 TS cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam. Tuy nhiên, đề án đã không thể đạt được mục tiêu theo kế hoạch đặt ra.

Nghiên cứu sinh Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM trong phòng thí nghiệm Ảnh: Tấn Thạnh

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng 5 năm qua, các bên liên quan đã có nhiều cố gắng để triển khai đề án, đã đạt được những thành tựu ban đầu, nhiều TS của Chương trình 322 trước đây và Đề án 911 sau này đã tốt nghiệp và có cống hiến tích cực cho ngành, trường ĐH, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, thành tựu của Đề án 911 là chưa rõ lắm. Cũng cần nhìn nhận khách quan, toàn diện những tồn tại của đề án.

Trước hết, nguồn kinh phí (ví dụ kinh phí cho đào tạo NCS trong nước) chưa bảo đảm về định mức, tiến độ giao kinh phí, thủ tục chưa thông thoáng. Nếu kinh phí từ ngân sách nhà nước thấp thì dù có bổ sung bằng các nguồn khác theo tinh thần xã hội hóa, cấp chưa kịp thời điểm yêu cầu, cũng chưa thể bảo đảm chất lượng đầu ra tốt được. Thứ hai, công tác quản lý cấp bộ cũng cần tiếp tục cải tiến. Làm TS nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung không thể chắc chắn 100% hoàn thành theo kế hoạch, nhất là về thời gian, do đó cần có biện pháp phù hợp hơn nhằm hỗ trợ NCS hoàn thành chương trình học TS của mình…

Đồng tình với ý kiến trên, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, còn cho rằng nguyên nhân dẫn đến Đề án 911 không đạt được mục tiêu có phần do giảng viên chưa có sự chuẩn bị tốt về ngoại ngữ. Mỗi năm có tới 500-600 chỉ tiêu nhưng chỉ khoảng 200 người, trong khi đề án lại không chi tiền đào tạo ngoại ngữ. Ngoài ra, những ràng buộc về điều kiện đào tạo TS cũng làm cho những người làm NCS phải đắn đo trong khi điều kiện làm việc, chế độ lương bổng sau khi trở về lại không hấp dẫn khiến cho Đề án 911 khó tuyển sinh…

Lao đao vì chi phí bị cắt giảm

PGS-TS Lê Trung Chơn, Trưởng Phòng Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Bách khoa TP HCM, khẳng định Đề án 911 rất tích cực, giúp đào tạo trong nước đi vào chiều sâu. Đề án 911 có tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 14.000 tỉ đồng, trong đó đào tạo toàn phần ở nước ngoài chiếm khoảng 64%; đào tạo phối hợp chiếm khoảng 14%; đào tạo trong nước chiếm khoảng 20%; đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng khác ở trong nước chiếm khoảng 2%. Nguồn kinh phí bao gồm: ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%; từ các dự án nước ngoài và nguồn xã hội hóa là 5%; các nguồn kinh phí khác như học phí, đóng góp của các trường chiếm 1%.

Quyết định phê duyệt đề án đã được Chính phủ ký nhưng Bộ Tài chính lại cắt giảm kinh phí đào tạo 3 năm NCS trong nước khối kỹ thuật từ mức 200 triệu xuống còn 70 triệu đồng khiến các trường đào tạo phải gồng gánh. PGS-TS Lê Trung Chơn cho rằng Đề án Đào tạo 9.000 TS sẽ đi vào vết xe đổ của Đề án 911 nếu kinh phí đào tạo không được tính đúng, tính đủ. Và nguy cơ NCS chạy ra nước ngoài rồi ở lại đó vì có điều kiện để nghiên cứu và có thu nhập cao.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, chi phí đào tạo một TS ở nước ngoài mức trung bình cũng phải 30.000 USD/năm và 10.000 USD/năm chi phí ăn ở… Nếu tính thời gian đào tạo là 4 năm thì cần 160.000 USD, trong khi đề án mới đào tạo 9.000 TS với nguồn ngân sách 12.000 tỉ đồng là quá thấp. "Đào tạo được một người thầy giỏi, bài bản, có chất lượng thì hiệu quả sau này là vô cùng lớn. Chi phí thấp thì không thể đào tạo TS có chất lượng được" - ông Dũng nhận định.

Cần lấy ý kiến trước khi triển khai

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa đề nghị trong tương lai, ngành giáo dục - đào tạo cần quy hoạch nhu cầu từng loại trường, từng lĩnh vực, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm 5 năm qua, có những kế hoạch, biện pháp, giải pháp toàn diện, đồng bộ, bảo đảm điều kiện hơn nữa nhằm mục tiêu của đề án được khả thi hơn. Quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn nữa. Tránh những tồn tại cũ đã xảy ra. Cần lấy ý kiến của các bên liên quan để cải tiến công tác triển khai đề án.

Huy Lân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/vi-sao-de-an-911-chet-giua-chung-20171114213112099.htm