Vì sao đầu tư dự án dệt nhuộm vẫn nhỏ giọt?

Hiện nay, các tỉnh, địa phương thường 'né' các dự án đầu tư dệt nhuộm. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến việc làm chủ nguyên liệu của các doanh nghiệp trong ngành dệt may.

Mới đây, đã có 3 doanh nghiệp Đài Loan ký thỏa thuận đầu tư vào khu công nghiệp KCN Minh Hưng - Sikico tỉnh Bình Phước với diện tích 5 ha chuyên về dệt - nhuộm, tổng trị giá đăng ký đầu tư khoảng 30 triệu USD.

Đây là một trong số ít các dự án đầu tư trong ngành dệt nhuộm hiếm hoi được chấp thuận chủ trương đầu tư, bởi phần lớn địa phương vẫn có tâm lý “né” các dự án liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ này.

Khó quản lý hậu đầu tư

Thực tế, hiện nay ghi nhận, tại phần lớn các tỉnh, địa phương, thường “né” các dự án đầu tư dệt nhuộm đến từ nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước. Điều này đã ảnh hưởng phần nào đến việc làm chủ nguyên liệu của các doanh nghiệp trong ngành dệt may.

Ông Lê Anh Dũng – Giám đốc kinh doanh TNI Holdings.

Ông Lê Anh Dũng – Giám đốc kinh doanh TNI Holdings.

Lý giải về việc các tỉnh, địa phương chưa thật sự “sẵn sàng” và lo sợ ô nhiễm liên quan đến các dự án đầu tư dệt nhuộm, ông Lê Anh Dũng – Giám đốc kinh doanh TNI Holdings khi trao đổi với Diễn đàn doanh nghiệp cho biết, “đó là vì các địa phương, các tỉnh chưa có quy hoạch ngành để định hình cho tỉnh mình. Chính vì vậy các địa phương vẫn lo sợ rằng trong tương lai các địa phương không thể quản lý hết được câu chuyện “hậu” đầu tư. Bởi “bài học” sau sự cố Formusa Hà Tĩnh vẫn còn tính thời sự cho đến ngày hôm nay".

Mặc dù, theo ông Lê Anh Dũng, các tỉnh, địa phương biết rõ rằng, bản chất các dự án đầu tư dệt nhuộm là không hề xấu mà vấn đề ở đây đó là câu chuyện quản lý các hoạt động “hậu” đầu tư đúng với cam kết khi đăng ký đầu tư.

Như vậy, bài toán đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay liên quan đến việc cấp phép các dự án đầu tư dệt nhuộm, đó là làm thế nào để đảm bảo trong tầm nhìn dài hạn, ví dụ 20 năm tới không để bất kỳ một dự án đầu tư nào nói chung và dự án đầu tư dệt nhuộm nói riêng gây ra ô nhiễm cho môi trường. Bởi đây là những ngành công nghiệp hỗ trợ có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới môi trường nước, xả thải lớn nhất.

Còn nhớ hồi tháng 12/2018 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có chỉ đạo Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Lê Tiến Trường về nhiệm vụ đầu tư ngành nhuộm, nhằm tháo điểm nghẽn thiếu hụt vải trong ngành dệt may.

Theo đó Thủ tướng lưu ý, cần phải xây dựng hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ cho dệt may, trong đó trung tâm là hút đầu tư nhuộm. Ngành dệt may phải có các khu công nghiệp đồng bộ để thu hút nhà đầu tư.

Vì vậy ở dưới góc độ của nhà đầu tư, ông Lê Anh Dũng đề xuất, với bất cứ dự án nào liên quan đến các dự án đầu tư dệt nhuộm, địa phương có thể trình và xin ý kiến các cấp cao hơn, ví dụ như cấp Bộ, cao hơn nữa là Chính phủ, để đưa ra được quyết định chính xác cho nhà đầu tư.

“Trong trường hợp khi các địa phương đã trình Chính phủ về chiến lược phát triển ngành và được chấp thuận thì nên tự tin và mạnh dạn triển khai đầu tư các dự án dệt, nhuộm, với sự giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước”, ông Lê Anh Dũng đề xuất.

Tăng cường quản lý, giám sát

Dự án đầu tư dệt nhuộm đòi hệ thống xử lý nước thải phải đạt theo tiêu chuẩn Cột A.

Quay lại câu chuyện 3 doanh nghiệp đầu tư tại Bình Phước vừa nêu, ông Phan Tấn Hoàng, Phó TCGG CTCP Công nghiệp Minh Hưng – Sikico – nơi sẽ xây dựng 3 nhà máy dệt nhuộm của nhà đầu tư Đài Loan, đã thẳng thắn đưa ra yêu cầu rằng: “Với định hướng của khu công nghiệp là ưu tiên lĩnh vực công nghiệp sạch, cơ khí chế tạo, xi mạ, dệt - nhuộm...Như vậy, 3 dự án này nằm trong danh mục đầu tư của khu công nghiệp, tuy nhiên, các nhà đầu tư phải cam kết sử dụng máy móc, thiết bị tiên tiến nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương”.

Việc thu hút đầu tư vào các dự án dệt nhuộm tại Việt Nam không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam gỡ được nút thắt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đặc biệt, điều này còn góp phần giúp hoàn thiện chuỗi cung ứng ngành dệt may, giúp doanh nghiệp tận dụng quy tắc về xuất xứ, tạo được lợi thế khi xuất khẩu, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều FTA thế hệ mới.

Từ câu chuyện của thu hút đầu tư đối với các dự án dệt may có thể nhìn rộng ra rằng, không chỉ riêng đối với ngành dệt may, mà công tác quản lý giám sát “hậu” đầu tư của Việt Nam hiện nay cũng cần những thay đổi.

Cụ thể, theo TS Phan Hữu Thắng – Nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành hơn.

Ngọc Hà

Bạn đang đọc bài viết Vì sao đầu tư dự án dệt nhuộm vẫn nhỏ giọt? tại chuyên mục Đầu tư của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vi-sao-cac-du-an-dau-tu-det-nhuom-van-nho-giot-149167.html