Vì sao 'đất kim cương' Thủ Thiêm có giá hơn 10 triệu mỗi m2?

'Lãnh đạo thành phố muốn hình dung số tiền tối thiểu thu về là bao nhiêu, có đủ cân đối với số tiền đã chi tạm ứng nên ban đưa con số này vào', Trưởng ban BQL Thủ Thiêm nói.

Hai ngày qua, thông tin thành phố dự kiến thu về 22.000 tỷ đồng từ 55 lô đất ở Thủ Thiêm khiến giới đầu tư bất động sản và người dân bất ngờ. Nhiều người cho rằng với vị thế đẹp và hạ tầng được đầu tư đồng bộ, giá đất ở Thủ Thiêm không thể nào chỉ hơn 10 triệu đồng/m2.

Chưa được thẩm định

Trao đổi với Zing.vn sáng 18/9, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (BQL Thủ Thiêm), khẳng định giá đất trong báo cáo gửi UBND TP.HCM không phải là giá khởi điểm để đưa ra đấu giá.

Theo ông Minh, BQL Thủ Thiêm muốn báo cáo về tiến độ tổ chức đấu giá các lô đất còn lại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm trong các trường hợp cụ thể. Có những lô được đấu giá ngay trong năm 2019 vì đã hoàn thiện hạ tầng nhưng có nhiều lô phải chờ thi công hạ tầng, giải phóng mặt bằng. Do đó, BQL Thủ Thiêm chia 55 lô đất thành 3 nhóm và các mốc thời gian dự kiến đấu giá khác nhau.

Thành phố dự kiến thu về 22.000 tỷ đồng từ đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân.

Thành phố dự kiến thu về 22.000 tỷ đồng từ đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân.

“Vì muốn lãnh đạo thành phố hình dung số tiền tối thiểu thu về là bao nhiêu, có đủ để cân đối với số tiền đã chi tạm ứng trước đây mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra hay không nên ban đưa con số này vào. Các nguồn thu này do đơn vị tư vấn làm ở năm 2016-2017, đơn giá này chưa có cơ quan nào thẩm định và phê duyệt nên chỉ có tính chất tham khảo”, ông Minh cho hay.

Lý giải về việc không đưa ra mức giá ở thời điểm hiện tại, ông Minh cho biết BQL Thủ Thiêm không có thẩm quyền đưa ra mức giá đất mà do Trung tâm Phát triển quỹ đất - đơn vị được thành phố giao tổ chức đấu giá thẩm định.

Tuy nhiên, thành phố đang chờ Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp thẩm định giá liên quan đến các lô đất còn lại nên chưa có cơ sở nào để tính toán lại mức giá mới. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ sẽ hướng dẫn thành phố trước ngày 30/9.

Ngoài ra, BQL Thủ Thiêm cũng đang xin thành phố chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch quy hoạch chi tiết 1/500.

"Chỉ tiêu quy hoạch chi tiết do BQL Thủ Thiêm phê duyệt là cơ sở để Trung tâm Phát triển quỹ đất thuê đơn vị thẩm định, xác định giá khởi điểm trước khi tổ chức đấu giá. Do đó, nguồn thu từ việc đấu giá chắc chắn sẽ cao hơn con số 22.000 tỷ", ông Minh khẳng định.

Theo báo cáo của BQL Thủ Thiêm, lô đất số 5-3 rộng 1.146 m2 nhưng thành phố dự kiến chỉ thu về được hơn 13,5 tỷ đồng, tương đương 11,8 triệu đồng/m2. Một lô đất khác ở khu chức năng số 7 rộng 1.500 m2 cũng dự kiến mang về cho thành phố chưa tới 16 tỷ đồng, khoảng 10,7 triệu đồng/m2. Cả 2 lô đất này được quy hoạch xây dựng trạm nhiên liệu.

Về việc 2 lô đất ở khu chức năng số 5 và số 7 có giá chưa tới 12 triệu đồng/m2, ông Minh giải thích đơn giá này được đơn vị tư vấn đưa ra dựa trên những quy định, chính sách khuyến khích xây dựng trạm nhiên liệu ở thời điểm khảo sát. Tuy nhiên, khi đấu giá thì thành phố sẽ thẩm định lại theo giá thị trường và các quy định hiện hành.

Trước mắt, thành phố tổ chức đấu giá 4 lô đất thuộc khu chức năng số 3 gồm các lô có ký hiệu: 3-5, 3-8, 3-9, 3-12. Ông Minh cho biết 4 lô đất này nằm ở vị trí đẹp, hạ tầng đồng bộ thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố đưa ra nguyên tắc đấu giá từng lô để rút kinh nghiệm đấu giá các lô còn lại.

Cần loại trừ "quân xanh quân đỏ"

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định con số mà Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm báo cáo chưa có cơ sở, thành phố cũng chưa xác định hay công bố giá đất để đưa ra đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm.

Lãnh đạo thành phố phân tích muốn đấu giá đất ở Thủ Thiêm phải tính được chi phí bình quân hoặc thẩm định giá công khai theo thị trường cùng chỉ tiêu quy hoạch, lợi thế vị trí của từng lô đất.

Liên quan đến cơ chế tài chính của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 9, các cơ chế này sẽ công khai để người dân và báo chí biết.

Lãnh đạo thành phố cho biết sẽ thẩm định lại giá đất trước khi đấu giá. Ảnh: Lê Quân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đồng tình với việc thành phố đấu giá công khai các lô đất còn lại ở Thủ Thiêm để thu về nguồn lợi cao nhất. Theo ông Châu, thành phố nên tham chiếu mô hình đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn trước đây, khi giá khởi điểm chỉ 550 tỷ nhưng thu về hơn 1.240 tỷ đồng.

Khu đất này nhận được sự quan tâm của 13 nhà đầu tư với nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài trải qua 16 vòng đấu giá để xác định chủ sở hữu.

Ông Châu đề nghị thành phố phải kiểm soát tổ chức đứng ra đấu giá theo các chuẩn mực quốc tế mới có thể thành công như đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn. Đồng thời, các nguy cơ "quân xanh quân đỏ" trong đấu giá cũng phải được loại trừ thì mới mang lại hiệu quả cao nhất.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 8 khu chức năng với 176 lô đất, trong đó có 23 lô đất xây dựng công trình công cộng, 153 lô đất xây dựng công trình thương mại có thu tiền sử dụng đất.

55 lô đất còn lại dự kiến đem đấu giá rộng hơn 79 ha được quy hoạch xây dựng trường học, trung tâm tài chính, trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng, khách sạn nghỉ dưỡng, thương mại, dịch vụ, nhà ở.

Sỹ Đông

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-dat-kim-cuong-thu-thiem-co-gia-hon-10-trieu-moi-m2-post991435.html