Vì sao đất công bị 'xẻ thịt'?

Dù TP HCM thiếu quỹ đất để xây nhà ở xã hội và hạ tầng y tế, giáo dục, nhưng hiện nay vẫn còn hàng chục ngàn héc-ta đất công bị bỏ hoang hóa hoặc cho tư nhân mua, thuê…

Nhiều địa chỉ đất công sản tại TP HCM dù để hoang hóa, gây lãng phí, nhưng địa phương rất khó xử lý.

Sử dụng sai mục đích hay “cố ý tư lợi”?

Theo Thanh tra TP HCM, các cuộc thanh tra, kiểm tra thực trạng sử dụng, quản lý đất công trên địa bàn chỉ trong hai năm 2016, 2017, đã phát hiện và xử lý đến 103 địa chỉ nhà đất công sản có dấu hiệu sai phạm, liên quan đến sử dụng không đúng mục đích, sai quy định (17 địa chỉ); cho thuê trái phép (32 địa chỉ/mặt bằng; không quản lý, bỏ trống gây lãng phí (26 địa chỉ); để xảy ra lấn chiếm (3 địa chỉ); vừa cho thuê trái phép vừa bỏ trống.

Kết luận của Thanh tra TP HCM cho hay, chỉ riêng Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - TNHH MTV (Saigontourist) hiện quản lý 14 khu đất công sản lớn, thế nhưng lại được đơn vị này tự ý cho tư nhân thuê mở nhà hàng, cửa hàng, làm kho bãi, văn phòng.

Đáng chú ý, cơ quan chức năng cũng đã phanh phui các hoạt động có dấu hiệu sai phạm của đơn vị này, chẳng hạn tại địa chỉ đất số 18 Khổng Tử (phường Bình Thọ, quận Thủ Đức) được Saigontourist sử dụng cho thuê làm nhà hàng.

Tuy nhiên, Thanh tra TP. cũng chỉ “giơ cao đánh khẽ” khi chỉ dừng lại ở việc liệt địa chỉ này vào mặt bằng đang sử dụng không đúng mục đích và sai quy định.

Mới đây, Thanh tra TP. kiểm tra tại Q.8, đã phát hiện 14 cơ sở, mặt bằng đất công do UBND Q.8 và Công ty dịch vụ công ích Q.8 quản lý, nhưng có đến quá nửa địa chỉ/cơ sở đất công sản, với diện tích lên đến hơn 11.800 m2 để hoang hóa, gây lãng phí.

Xét theo trách nhiệm phân cấp thì Chủ tịch UBND Q.8 và Đội trưởng Thanh tra địa bàn Q.8; tập thể Hội đồng Thành viên, Giám đốc và Trưởng phòng Quản lý nhà Công ty dịch vụ công ích Q.8 tại các thời điểm để xảy ra sai phạm tại các địa chỉ nêu trên phải liên đới chịu trách nhiệm trước Nhà nước và thành phố.

Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có cá nhân, tập thể nào bị xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.

Đặc biệt, trong kết luận thanh tra, cơ quan Thanh tra TP HCM nhiều lần nhìn nhận thực trạng sai phạm trong lĩnh vực sử dụng, quản lý đất công hiện nay đã trở thành một thực trạng đáng báo động.

Có trường hợp như tại công trình nhà hàng tiệc cưới Sun Palace rộng gần 1.900 m2 và Trung tâm Văn hóa (TTVH) Q.6 xây sai phép ngay trong khu vực công viên Phú Lâm (Q.6).

Thanh tra Chính phủ vào cuộc, có kết luận thanh tra và chỉ đạo chấm dứt cho thuê đất trong công viên của UBND TP HCM từ 2013, cho đến nay vẫn chưa tháo dỡ, xử lý.

Trách nhiệm rõ ràng thuộc về người đứng đầu Q.6, thế nhưng cũng không có ai, tập thể nào phải chịu trách nhiệm và xử lý kỷ luật.

Tương tự, tại Công viên Lê Thị Riêng (Q.10) dù lãnh đạo quận 10 đã cho ngưng hoạt động của nhà hàng Ốc Đảo nhưng phần lớn diện tích công viên vẫn được sử dụng cho thuê làm sân khấu ca nhạc, trung tâm trò chơi thiếu nhi Thỏ Trắng, nhà sách, quầy dịch vụ ăn uống...

Cơ quan chức năng nhiều lần ra quân, xử lý thế nhưng được thời gian thì thực trạng lại đâu vào đấy.

Dư luận đặt câu hỏi khi nào tình trạng đất công sản bị “xẻ thịt” mới chấm dứt?

Đi tìm nguyên nhân

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tâm – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, việc sử dụng, quản lý đất công hiện nay cần phải nhìn vào thực tế là trách nhiệm của người đứng đầu những cơ quan được Nhà nước trao quyền quản lý, sử dụng đất công có dấu hiệu “cố ý làm trái” hay không.

Nhấn mạnh điều này, Luật sư Tâm chỉ ra sai phạm trong chuyển nhượng đất công sản tại Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho tư nhân với giá rẻ bèo, thì việc xử lý, kỷ luật nghiêm là một động thái cho thấy quyết tâm của trung ương, mà trực tiếp là Thành ủy TP HCM.

Luật sư Nguyễn Văn Tâm cho rằng, đối với các địa chỉ/mặt bằng đất công sản mà được xử lý nghiêm khắc như tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) nêu trên thì chắc chắn các cá nhân, tập thể được giao trách nhiệm sử dụng, quản lý đất công sẽ không còn cơ hội để “lách luật”.

Ông Võ Song Toàn, Phó Trưởng khoa Luật – Kinh tế (ĐH Ngân hàng TP HCM) lý giải việc khó xử lý tận gốc các cá nhân người đứng đầu liên quan đến các sai phạm về sử dụng, quản lý đất công sản là bởi vì hầu hết đất công ở thành phố hiện do các cơ quan, đơn vị trực thuộc trung ương quản lý, sử dụng (đa phần đất bị bỏ trống hoặc cho thuê sai mục đích, gây lãng phí).

Do chồng chéo chức năng, địa phương hầu hết không làm được gì, thậm chí việc kiểm tra tình trạng sử dụng cũng rất khó khăn, lãnh đạo quận, huyện cũng không dám nêu ý kiến.

Ông Võ Song Toàn kiến nghị, để xử lý triệt để các sai phạm trong sử dụng, quản lý đất công sản, TP HCM nên sử dụng cơ chế đặc thù, trong đó mạnh dạn thí điểm xóa bỏ hẳn cơ chế giao đất chỉ định, tất cả phải đem ra đấu giá.

Ngoài ra, phải tập trung về một đầu mối quản lý đất công để tránh trường hợp chồng chéo quản lý giữa trung ương và địa phương.

Lê Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/do-thi/vi-sao-dat-cong-bi-xe-thit-tintuc406923