Vì sao dán thẻ không dừng ETC nhưng tài xế vẫn phải ấm ức trả tiền mặt khi qua trạm?

Công nghệ ETC trên tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây khác với công nghệ Thủ tướng lựa chọn. VEC cho rằng, muốn chuyển đổi sang công nghệ khác cần thời gian, nên mong tài xế tiếp tục trả tiền mặt qua trạm.

Công nghệ Thủ tướng chọn khác công nghệ VEC chọn?

Ngày 15/1, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông tin về công nghệ sử dụng cho hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Công nghệ ETC trên tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây khác với công nghệ Thủ tướng lựa chọn. VEC cho rằng, muốn chuyển đổi sang công nghệ khác cần thời gian, nên mong tài xế tiếp tục trả tiền mặt qua trạm.

Công nghệ ETC trên tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây khác với công nghệ Thủ tướng lựa chọn. VEC cho rằng, muốn chuyển đổi sang công nghệ khác cần thời gian, nên mong tài xế tiếp tục trả tiền mặt qua trạm.

Theo đó, VEC cho rằng trước đây Việt Nam tồn tại hai công nghệ thu phí tự động không dừng là DSRC (thông tin liên lạc tầm ngắn chuyên dụng; sử dụng OBU-On Board Unit gắn trên phương tiện, tài khoản lưu trong thẻ IC) và RFID (nhận dạng tần số vô tuyến; sử dụng thẻ E-tag dán trên kính lái hoặc đèn trước của xe, tài khoản của khách hàng được lưu tại trung tâm thanh toán).

Sau khi nghiên cứu, năm 2017, VEC lựa chọn công nghệ DSRC để lắp đặt trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Hệ thống ETC này triển khai 8 làn, với tại 3 trạm thu phí trên toàn tuyến.

Đến ngày 17/6/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định số 19/2020 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Theo đó, hệ thống ETC này được lựa chọn công nghệ RFID. Tức là khác với công nghệ VEC lựa chọn.

Chính vì vậy, thời gian qua xảy ra tình trạng một số phương tiện dán thẻ E-tag (sử dụng công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến RFID) qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây không thanh toán được phí. Các tài xế này yêu cầu trạm phải trừ tiền phí dịch vụ trên thẻ E-tag do xe đã dán thẻ E-tag và đã nạp tiền vào thẻ.

Cảnh ùn tắc thường xuyên trên tuyến cao ốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Tuy nhiên, VEC nhận thấy hiện nay hệ thống ETC tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, bằng công nghệ DSRC, vẫn vận hành tốt, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500 – 600 lượt phương tiện.

“Việc triển khai đầu tư mới hệ thống ETC, bằng công nghệ RFID, song song với hệ thống ETC hiện hữu đòi hỏi phải có lộ trình đầu tư phù hợp và phải được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng. Mặt khác, các tuyến cao tốc do VEC quản lý là những tuyến được xây mới hoàn toàn, không phải là đường độc đạo. Do vậy, chúng tôi mong tài xế hợp tác, thực hiện theo điều kiện hiện tại…”, đại diện VEC cho hay.

Vì vậy, trong quá trình chưa triển khai đầu tư hệ thống ETC trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây theo công nghệ RFID, VEC mong tài xế thanh toán phí bằng tiền mặt và phối hợp, tuân thủ phương án tổ chức giao thông đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không cản trở công tác thu phí, gây mất an ninh trật tự và ùn ứ tại trạm thu phí.

Dù dán thẻ ETC những xe qua trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây vẫn phải trả tiền mặt.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, với 4 làn xe, khai thác từ tháng 2/2015. Dự án do VEC (doanh nghiệp nhà nước) đầu tư khai thác. Hiện một số dự án của VEC vẫn chưa thực hiện lắp đặt hệ thống ETC do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị tại trạm. Do đó, Thủ tướng đồng ý tách dự án này ra khỏi kế hoạch lắp đặt hệ thống ETC do Bộ GTVT triển khai trong năm 2020.

Nhiều chủ xe bức xúc vì phải trả tiền hai lần

Hệ thống thu phí tự động không dừng những ngày đầu vận hành đã tình trạng, một số chủ xe đã dán thẻ ETC, nộp tiền trong tài khoản nhưng khi xe qua trạm vẫn không báo thực hiện được “không dừng”, nhiều lái xe đã phải “tranh cãi” với nhan viên thu phí những cuối cũng vân phải “móc ví” trả tiền mặt.

Nhiều khách hàng bức xúc khi đã nộp tiền, tài khoản đã trừ tiền nhưng nhân viên trạm thu phí vẫn bắt chủ xe phải mua vé mới cho qua trạm.

Tình trạng không thể kích hoạt, hoặc kích hoạt tài khoản nhưng” bị treo” vẫn thường xuyên xảy ra nên việc chi trả tiền mặt vẫn diễn ra phổ biến.

Chị H. (Thanh Xuân, Hà Nội), chủ xe ô tô BKS 29A 490.xx bức xúc cho biết, chị đã nộp tiền vào tài khoản VETC 1 triệu đồng, ngân hàng báo đã chuyển tiền thành công, nhưng khi chị lái xe qua trạm thu phí cầu Yên Lệnh (nối Hưng Yên với Hà Nam), chị cho xe đi vào làn ETC nhưng barie không mở, cuối cùng vẫn phải trả tiền mặt qua trạm.

“Rõ ràng mình đã nộp tiền từ hôm trước rồi, nhưng hôm sau đi vẫn phải trả tiền mặt, tiền trong tài khoản thì ngân hàng trừ và báo đã giao dịch thành công. Mình ung dung đi thử công nghệ không dừng mà không ngờ vẫn “ấm ức” đến hôm nay. Nếu không điều chỉnh thì thu phí không dừng lại thêm “mua bực vào mình”, chị H nói.

Chủ xe ô tô BKS 29A 490.xx bức xúc cho biết, đã nộp tiền vào tài khoản VETC 1 triệu đồng, ngân hàng báo đã chuyển tiền thành công, nhưng khi qua trạm thu phí cầu Yên Lệnh vẫn phải trả tiền mặt mới được qua trạm.

Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và hợp tác quốc tế - Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong những ngày đầu các trạm thu phí BOT triển khai thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 do Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) cung cấp ứng dụng xuất hiện một vài lỗi nhỏ khiến tài xế phải nộp tiền 2 lần khi đi qua trạm.

Còn lại, hầu hết các trạm thu phí triển khai thu phí tự động không dừng đã vận hành tốt, cơ bản không xảy ra lỗi kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu hoạt động của các trạm thu phí.

Về việc tài xế phải trả phí 2 lần, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC) tra soát, xác minh các trường hợp này và phối hợp với VETC hoàn lại tiền cho các chủ phương tiện nộp tiền hai lần.

"Do hệ thống của hai nhà cung cấp dịch vụ đã kết nối liên thông nên trừ tiền trong tài khoản ETC của chủ phương tiện. Ngoài ra, do một số nhân viên của VDTC không biết việc này nên vẫn thu tiền mặt, dẫn đến chủ phương tiện bị thu tiền hai lần", đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam lý giải./.

Dự án thu phí tự động không dừng bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (BOO1) thực hiện tại 44 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, do Công ty TNHH VETC cung cấp dịch vụ. Đến nay dự án đã hoàn thành với 40 trạm thu phí thực hiện ETC (riêng 4 đường cao tốc của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được Thủ tướng chấp thuận thực hiện ETC khi bố trí được nguồn vốn).

Dự án giai đoạn 2 (BOO2) thực hiện ở 33 trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đơn vị cung cấp dịch vụ ETC giai đoạn 2 là Công ty CP giao thông số Việt Nam - VDTC.

Hiện còn 8 trạm được Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng cho lùi thời hạn hoặc không triển khai ETC, gồm: không triển khai ETC tại 3 trạm trên QL51 do thời gian thu phí còn khoảng 1 năm; chưa triển khai ETC tại 3 trạm thu phí có doanh thu thấp là trạm trên đường Hồ Chí Minh, trạm thu phí cầu Mỹ Lợi, trạm thu phí cầu Thái Hà; 2 trạm thu phí bị người dân phản đối phải dừng thu phí là trạm Bờ Đậu quốc lộ 3 (Thái Nguyên) và trạm T2 quốc lộ 91 (Cần Thơ).

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-dan-the-khong-dung-etc-nhung-tai-xe-van-phai-am-uc-tra-tien-mat-khi-qua-tram-830875.vov