Vì sao dân Singapore quay lưng với chuyên gia Ấn Độ?

Khi đại dịch COVID-19 đẩy Singapore rơi vào suy thoái kinh tế, không ít người dân quốc đảo sư tử hồi tưởng lại bài phát biểu mừng năm mới 1982 của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Lao động Ấn Độ tại Singapore. Ảnh: The Diplomat

Lao động Ấn Độ tại Singapore. Ảnh: The Diplomat

Trong bài phát biểu, cố Thủ tướng Lý tuyên bố, đất nước Singapore sẽ có lực lượng lao động hoàn toàn là người Singapore vào năm 1991. Theo ông Lý, các quốc gia như Pháp, Anh và Cộng hòa Liên bang Ðức (Tây Ðức) phải đối mặt với nhiều vấn đề về chính trị, xã hội và kinh tế, bởi lực lượng lao động nhập cư tại những nước này tương đối lớn. Do đó, cố lãnh đạo Singapore khẳng định, giấy phép lao động dành cho lực lượng lao động nhập cư trong các lĩnh vực phi truyền thống không được gia hạn và đến ngày 31-12-1984, tất cả những lao động này phải rời khỏi Singapore.

Tuy nhiên, lực lượng lao động nước ngoài tại Singapore ngày càng tăng. Năm 1986, khi tăng trưởng kinh tế khởi sắc sau thời kỳ suy thoái kinh tế đầu những năm 1980, hạn chế đối với lao động nước ngoài đã được Singapore nới lỏng. Kể từ đó, lực lượng lao động ngoại, vốn chỉ chiếm 10% lực lượng lao động Singapore vào đầu những năm 1980, đã tăng lên 36%, tức khoảng 1,5 triệu người.

Giờ đây, trong bối cảnh các doanh nghiệp đóng cửa trong khi tình trạng mất việc gia tăng do COVID-19, một số người Singapore đổ lỗi cho lao động nước ngoài, đặc biệt là những người đến từ Ấn Ðộ. Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi thông tin về Hiệp định Hợp tác Kinh tế Toàn diện Ấn Ðộ - Singapore (CECA) được ký kết vào năm 2005 lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người tố CECA cho phép công dân Ấn Ðộ làm việc tại Singapore, dẫn đến tình trạng thất nghiệp tại đây.

Do đó, vào tháng 8, lần thứ hai trong vòng 9 tháng qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) buộc phải đưa ta tuyên bố đính chính thông tin sai lệch cho rằng CECA đã giúp đưa một lượng lớn các chuyên gia Ấn Ðộ trong lĩnh vực tài chính và công nghệ thông tin đến làm việc tại Singapore. MTI nhấn mạnh, không có bất kỳ điều khoản nào trong CECA cho phép công dân Ấn Ðộ trở thành thường trú nhân và công dân Singapore. Cơ quan này cũng dập tắt tin đồn cho rằng CECA yêu cầu Chính phủ Singapore tự động cấp giấy phép làm việc cho các chuyên gia, quản lý và giám đốc điều hành từ Ấn Ðộ muốn làm việc tại đây.

Bất chấp những nỗ lực của MTI, mạng xã hội Singapore vẫn tiếp tục ngập tràn những bài viết bày tỏ sự tức giận đối với lao động Ấn Ðộ. Ðơn cử như trên Facebook thường xuất hiện những hình ảnh và đoạn video giả cho rằng lao động nhập cư “châm ngòi” cho tình trạng thất nghiệp ở Singapore. Trong nhóm Facebook có tên SG Opposition với 52.000 người theo dõi, người dùng Michael da Silva hồi tháng 7 chia sẻ hình ảnh những người Ấn Ðộ ngồi ở Công viên Bãi biển Changi với chú thích “Ðây là Công viên Chennai”. Da Silva thậm chí tố chính phủ cấp quốc tịch Singapore cho các chuyên gia Ấn Ðộ để tranh thủ sự ủng hộ cho đảng cầm quyền Hành động Nhân dân.

Viết trên trang blog cá nhân “Vì một Singapore tốt đẹp hơn”, chính trị gia Yee Jenn Jong cho rằng sự hiện diện của quá nhiều lao động nước ngoài với mức lương thấp đã làm giảm mức lương của những công nhân Singapore có trình độ thấp, gây chia rẽ lớn giữa những người được hưởng lợi từ tiến bộ kinh tế và những người có mức lương thực tế giậm chân tại chỗ hoặc giảm trong vòng 2 thập kỷ qua.

Song, Kirsten Han, nhà hoạt động và đồng sáng lập của tờ New Naratif, cho rằng có yếu tố phân biệt chủng tộc đối với người Ấn Ðộ ở Singapore.

Thật ra, bài ngoại và phân biệt chủng tộc không phải là hiện tượng mới ở Singapore. Từ lâu, lao động nước ngoài đến từ Trung Quốc đại lục, Philippines, Bangladesh, Indonesia, Myanmar và Ấn Ðộ bị đổ lỗi cho tình trạng thất nghiệp gia tăng ở Singapore. Ðặc biệt, tư tưởng như bài ngoại thường dâng cao trong thời kỳ suy thoái kinh tế như hiện nay.

HOÀNG NAM (Theo The Diplomat)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/vi-sao-dan-singapore-quay-lung-voi-chuyen-gia-an-do-a126244.html