Vì sao dân nghèo phải 'đối ứng' để nhận bê dự án?

Sau khi Báo NNVN nêu chuyện dân nghèo huyện Tương Dương phải nộp 4.250.000 đồng nhưng vẫn nhận phải bê bị bệnh lở mồm long móng (LMLM), Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo làm rõ vụ việc.

Ngày 25/5 vừa qua, UBND huyện Tương Dương báo cáo, khẳng định việc dân nghèo phải đóng góp tiền để được cấp bê dự án là đúng quy định.

Huyện nhận thiếu sót

Được biết, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh nội dung báo nêu. Theo báo cáo của UBND huyện Tương Dương, sau khi cấp bê đợt 2 được 3 ngày (12/4) thì 2 con bê dự án bị bệnh LMLM. Tính đến ngày 7/5, toàn huyện có 18 con bê dự án và 91 con bò địa phương bị LMLM.

UBND huyện Tương Dương thừa nhận có thiếu sót trong vụ việc

Nguyên nhân xuất hiện dịch LMLM được UBND huyện xác định là do tại địa phương còn lưu hành nguồn bệnh. Khi thời tiết thay đổi, nguồn bệnh có cơ hội xâm nhập, lây nhiễm. Việc tiêm phòng vắc xin LMLM tại một số địa phương chậm, đặc biệt khi bắt đầu xuất hiện dịch không tiêm phòng nghiêm túc, tỷ lệ thấp.

Báo cáo thừa nhận, cơ quan chức năng huyện đã kiểm tra hồ sơ cấp bê nhưng vẫn chấp nhận việc lấy mẫu xét nghiệm kháng thể khi chưa đủ thời gian. Bê được cấp đúng thời điểm giao mùa, trên địa bàn một số xã tiêm phòng chưa đạt tỷ lệ bảo hộ. Vì vậy khó xác định dịch bệnh phát sinh từ bê giống hay bê giống bị lây bệnh từ đàn gia súc địa phương.

“Vấn đề này, UBND huyện sẽ kiểm điểm, rút kinh nghiệm và chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp các xã tập trung dập dịch, khắc phục hậu quả, không để thiệt thòi cho người dân”, báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi thu thập, số lượng gia súc địa phương bị bệnh LMLM tại huyện Tương Dương không dừng lại ở con số 91 con như UBND huyện báo cáo. Theo xác nhận của UBND xã Lưu Kiền, tính đến ngày 3/5, toàn xã có 133 con bò địa phương bị LMLM. Còn tại xã Tam Thái, ít nhất có 30 con bị LMLM.

Người dân bản Pủng, xã Lưu Kiền khẳng định, không những gần 300 con trâu bò của dân mà đàn dê của dân bản cũng bị LMLM. Số gia súc bị LMLM còn xuất hiện ở 4 xã khác nằm trong chương trình cấp bê dự án 30a đợt 2. Ít nhất có 3 con bê dự án và một số gia súc địa phương bị chết do dịch bệnh sau khi Công ty CP Nga Chín cấp bê dự án cho người dân.

Về vấn đề này, ông Kha Văn Ót, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: “Các xã nắm thông tin dân báo lên nhưng không xác minh. Còn đoàn công tác của huyện đã xác minh và những thông tin nêu trong báo cáo là chính xác. Về số bê dự án và gia súc địa phương bị chết không nêu trong báo cáo có lẽ là do thiếu sót trong xử lý văn bản của huyện(?)”.

Đã nghèo còn phải “đối ứng”

Như đã phản ánh, để được nhận mỗi con bê dự án, dân nghèo huyện Tương Dương phải nộp 4.250.000 đồng. Số tiền này, theo báo cáo của UBND huyện là thực hiện theo Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 5/6/2014, Quyết định 5406/QĐ-UBND ngày 8/11/2017 của UBND tỉnh Nghệ An và Thông báo báo giá số 1953/STC-QLG&CS ngày 5/7/2017 của Sở Tài chính tỉnh.

Theo đó, 331 con bê được ngân sách Nhà nước cấp 3.310.000.000 đồng, dân đóng góp 1.406.750.000 đồng. Ngân sách hỗ trợ làm chuồng là 442.000.000 đồng; dân góp 663.000.000 đồng. Kinh phí trồng cỏ 73.980.000 đồng, trong đó dân đóng góp 24.660.000 đồng.

Mỗi con bê được cấp cho người dân có giá 14.250.000 đồng là quá cao

Còn theo ông Lê Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc người dân phải nộp 4.250.00 đồng là điều đương nhiên. Bởi theo quy định, dự án 30a chỉ hỗ trợ tối đa số tiền 10 triệu đồng. Trong khi đó, Sở Tài chính định giá số tiền mỗi con bê địa phương 125kg là 14.250.000 đồng.

“Đó là tiền đối ứng của người dân khi thụ hưởng dự án. Để rõ hơn vấn đề này, anh tìm hiểu thêm các văn bản của UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài chính Nghệ An và Thông tư 15/2017/TT-BTC về hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài chính”, ông Lương trả lời qua điện thoại.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu các văn bản được nêu trên thì chúng tôi không tìm thấy các thông tin xung quanh việc người dân phải “đối ứng” để được nhận bê dự án. Cụ thể, theo Thông báo số 1953/STC-QLG&CS ngày 5/7/2017 của Sở Tài chính Nghệ An thì mỗi con bê cái địa phương, từ 125kg trở lên, giống đảm bảo tiêu chuẩn, tiêm phòng đầy đủ được báo giá 14.250.000 đồng.

Nhiều lái buôn trâu bò miền xuôi khẳng định, đây là mức báo giá quá cao so với thực tế những năm gần đây. Đặc biệt, từ giữa năm 2017 đến đầu tháng 4/2018, thời điểm thông báo báo giá của Sở Tài chính Nghệ An phát ra, giá trâu bò, bê nghé đang “rớt đáy”.

“Một con bê địa phương 125kg, không xoáy lùi, đẹp cũng khó tìm được con nào có giá trên 14 triệu đồng. Nhiều hộ gia đình ở miền xuôi trước nay chăn nuôi phất lên, xây dựng nhà cao cửa rộng thì thời điểm trên cũng than trời kêu lỗ. Đặc biệt là trâu bò, bê nghé chỉ còn chừng 1/2 thời điểm cao giá nhất”.

Các văn bản của UBND tỉnh Nghệ An, Thông tư 15/2017/TT-BTC về hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài chính cũng chỉ đề cập đến hạn mức hỗ trợ tối đa là 10 triệu đồng/con, không thể hiện việc người dân phải “đối ứng” để được thụ hưởng chương trình.

Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng báo giá của Sở Tài chính Nghệ An không đúng thực tế? Có hay không lợi ích nhóm trong việc cấp bê dự án 30a cho các huyện miền núi cao Nghệ An?

Thông báo duyệt giá của Sở Tài chính Nghệ An

Giữa năm 2017, Hà Tĩnh thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 30a năm 2016. Các hộ dân được hỗ trợ giống bê cái lai Zêbu, mỗi con trị giá 10 triệu. Có thể quy cách, giống bê khác nhau nhưng tỉnh Hà Tĩnh thực hiện chương trình 30a theo tinh thần hỗ trợ toàn phần giá trị vật nuôi để dân nghèo không phải chạy đôn chạy đáo vay tiền nộp “đối ứng”. Tham chiếu với Hà Tĩnh để thấy rằng, tại Nghệ An, cùng thời điểm trên, Sở Tài chính đã đưa ra báo giá quá cao cho một con bê dự án.

VĂN DŨNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vi-sao-dan-ngheo-phai-doi-ung-de-nhan-be-du-an-post219900.html