Vì sao dân không còn lối xuống biển?

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ bờ sông, bờ biển của Việt Nam, trả bờ sông, bờ biển về cho cộng đồng. Theo ông Nghĩa, việc chiếm hẳn các bờ sông, bờ biển như vậy vừa sai luật vừa bất công với người dân.

Dự án Lancaster Nam Ô bịt lối đi xuống biển của dân. Ảnh: PV.

Tình trạng buông lỏng quản lý đất công, tùy tiện cấp phép cho một số dự án ven biển, ven sông, giá đền bù đất còn quá xa so với giá thị trường, tình trạng phức tạp trong mua bán đất tại các đặc khu... tiếp tục là những vấn đề được các đại biểu (ĐB) đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà sáng 5/6.

Người nước ngoài mua đất là trái pháp luật

Liên quan đến vấn đề đất vùng ven biển, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nêu ý kiến cử tri, cho rằng đất đai ở ba đặc khu vừa qua được mua bán rất phức tạp và đặc biệt là có yếu tố nước ngoài mua đất. ĐB đề nghị bộ trưởng cho biết thực trạng để Quốc hội có thêm thông tin trước khi ấn nút thông qua dự án Luật về đặc khu.

Theo Bộ trưởng TN&MT, trên thực tế người nước ngoài không có quyền mua đất, chỉ có quyền mua căn hộ chung cư tại các đô thị. Vừa qua, Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan kiểm tra, nhưng chưa phát hiện ra trường hợp nào người nước ngoài mua đất, chỉ mua căn hộ tại các chung cư đô thị. “Nếu đại biểu nào biết xin báo với Bộ TN&MT, để xác minh, kiểm tra xem cách thức nào họ mua được. Nếu mua là trái pháp luật Việt Nam”, ông Hà nhấn mạnh.

Tại phiên chất vấn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ bờ sông, bờ biển của Việt Nam, trả bờ sông, bờ biển về cho đất nước và cho công chúng. Theo ông Nghĩa, việc chiếm hẳn các bờ sông, bờ biển như vậy vừa sai luật vừa bất công với người dân. Cùng mối quan tâm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, dân có quyền tự do đi tắm ở các bờ biển. “Người dân muốn xuống tắm nhưng tư nhân hóa quản lý hết rồi, thậm chí chắn rào không cho xuống. Bộ trưởng có giải pháp gì để thu hồi lại đất cho người dân?”, ông Hòa cảnh báo, trong tương lai gần, các đặc khu, nhất là ở Phú Quốc sẽ diễn ra tình trạng này.

Giải đáp chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này đã được thể chế hóa bằng Luật Tài nguyên nước, trong đó đã quy định hành lang bờ sông cần bảo vệ. “Tôi cho rằng không cần thêm mà chỉ cần kỷ cương, kỷ luật và thực hiện thật tốt, đưa luật này vào cuộc sống”, ông Hà nói. Với việc tư nhân hóa bờ biển, theo bộ trưởng, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước theo từng cấp. “Chúng tôi sẽ xem xét, rà soát thêm, nhưng tôi cho rằng về pháp luật chúng ta có đầy đủ”, ông Hà cho hay.

Đại gia, tỷ phú ra đời từ những dự án đất

Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), một nghịch lý trong quản lý đất đai hiện nay là có dự án đầu tư và phát triển, dù đền bù giá cao hơn vẫn phát sinh khiếu kiện. Một tỷ lệ không nhỏ những tỷ phú, những đại gia ở Việt Nam ra đời từ những dự án sử dụng đất để phát triển các công trình bất động sản. ĐB Cường chất vấn bộ trưởng chính sách đất đai, đặc biệt những công cụ kinh tế có liên quan gì đến tình trạng trên? Chúng ta có nên sử dụng chính sách ưu đãi đầu tư bằng việc giao đất với giá thấp và miễn tiền sử dụng đất cho các nhà đầu tư hay không?

Bộ trưởng Hà cho rằng, đây là một câu hỏi rất khó, liên quan đến chính sách định giá đất đai. Theo bộ trưởng, hiện có 5 phương pháp định giá đất, nhưng rất khó làm được như thế giới. Bởi đất đai ở Việt Nam rất biến động, chỉ cần chuyển từ đất trồng lúa sang phát triển bất động sản sẽ khác nhau lớn. Theo ông Hà, đấu giá đất là giải pháp tốt nhất, song nhiều trường hợp chưa làm được điều này. “Đấu giá đất đai phải dựa trên giá chúng ta xác định. Giá chúng ta xác định hiện nay chưa dựa trên giá thị trường. Phải làm thế nào để thiết chế được những thông tin thị trường chính xác nhất, không phải là giá ảo hiện nay”, ông Hà nói.

ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) phản ánh ý kiến cử tri, sau khi thu hồi đất để thực hiện các dự án, nhưng nhiều dự án trong nhiều năm không thấy triển khai, hoặc triển khai kém hiệu quả, gây bức xúc cho người dân, bởi dân bị lấy đất, còn đất thì để hoang hóa gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng. Một số đất dự án còn bị lấn chiếm, tái lấn chiếm gây khó khăn cho địa phương trong việc quản lý đất đai cũng như giải quyết khiếu kiện kéo dài.

Quá nhiều dự án Resort, khách sạn

Phát biểu thêm tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Công tác quản lý đất đai tại các đô thị, tại các khu vực phát triển kinh tế, ven biển đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước lập lại trật tự trong quản lý sử dụng đất đai, phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, công tác quy hoạch đất đai xây dựng chưa được quan tâm đến các không gian công cộng cho người dân, đặc biệt là những khu du lịch không có chỗ để xuống bãi biển của người dân, thiếu các không gian công cộng, giao thông như nhiều đại biểu đã nói. Trong khi đó lại quá nhiều dự án phát triển nhà ở, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort...

Cũng theo Phó Thủ tướng, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép, trái phép vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt là tình trạng xây dựng lấn chiếm các không gian công cộng, bãi biển, bờ sông. Tình trạng mua bán đất và xây dựng trái phép đang diễn ra phức tạp ở Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn đã được chấn chỉnh nhưng còn nhiều tiềm ẩn.

Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 01 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai. Đồng thời cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý đất đai, quản lý không gian biển, bờ sông, đầu tư phát triển đô thị.

Thành Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/vi-sao-dan-khong-con-loi-xuong-bien-1281227.tpo