Vì sao đặc nhiệm Nga phải xuất trận tại Idlib?

Đáng chú ý, ghi nhận cho thấy lực lượng đặc nhiệm của quân đội Nga đã xuất hiện ở chiến trường Bắc Hama. Vì sao lính đặc nhiệm Nga xuất trận?

Trong những ngày 20 đến 22/5, lực lượng Quân đội Ả Rập Syria (SAA) liên tiếp tiến hành các đợt tấn công quy mô lớn nhằm vào khu vực thị trấn chiến lược Kabani tại tỉnh Latakia.

Đáng chú ý, lực lượng tinh nhuệ Hổ Syria và Sư đoàn thiết giáp số 4 đã được tăng viện cho chiến trường này. Tuy nhiên, các cuộc tấn công quy mô lớn của SAA chưa đủ để đánh bật tuyến phòng thủ tại Kabani của khủng bố Hay'at Tahrir al-Sham (HTS).

Song song với các cuộc chiến ở Kabani (Latakia), quân đội SAA cùng lúc tiến hành một chiến dịch quân sự mới ở phía Bắc Hama, tập trung vào vị trí của hai thị trấn chiến lược là Qal'at Al-Madiq và Kafr Naboudeh.

Đáng chú ý, ghi nhận cho thấy lực lượng đặc nhiệm của quân đội Nga đã xuất hiện ở chiến trường Bắc Hama. Vì sao lính đặc nhiệm Nga xuất trận?

Đặc nhiệm Nga trong nhiệm vụ cố vấn hỏa lực ở Bắc Hama

Đặc nhiệm Nga trong nhiệm vụ cố vấn hỏa lực ở Bắc Hama

Trước hết, về vị trí địa lý, Kabani là điểm cao chiến lược của chiến trường Latakia - Idlib. Chiếm được điểm cao này có thể triển khai pháo binh, hỏa lực, kiểm soát các tuyến giao thông giữa hai tỉnh.

Nói cách khác, Kabani là cánh cổng nối Latakia và Idlib. Trong đó, Latakia là vùng đã được giải phóng, tối quan trọng khi có căn cứ không quân lớn nhất, trọng điểm nhất của Nga ở Syria. Còn Idlib là thủ phủ của thế lực khủng bố cuối cùng ở Syria. Kiểm soát cánh cổng thị trấn Kabani, có thể đảm bảo an toàn cho căn cứ không quân Hmeimim, đồng thời cắt đứt huyết mạch tiếp cận với bờ biển phía Tây Syria của HTS.

Còn hai thị trấn Qal'at Al-Madiq và Kafr Naboudeh kết hợp với Kabani tạo thành một vòng cung quan trọng. Nếu muốn thực hiện chiến thuật cô lập, chia tách Idlib khỏi tất cả các khu vực lân cận, Nga-Syria cần phải hoàn toàn kiểm soát 3 cứ điểm này.

Còn nhớ trong tháng tư, Nga và SAA đã dồn sức tấn công khu vực Tây Aleppo (Bắc Idlib), nơi vẫn có sự đồn trú của HTS. Trong khi đó, vùng thành phố Hawa (Đông Idlib) đang được kiểm soát bởi nhóm phiến quân Syria tự do (FSA) thân Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, với việc kiểm soát 3 thị trấn trọng điểm nêu trên, Nga-Syria hoàn thiện cơ bản việc bao vây, cô lập Idlib.

Điểm đỏ là khu vực 3 thị trấn trọng điểm

Tuy nhiên, HTS đang cho thấy chúng không đơn giản là một nhánh quân khủng bố ô hợp. Từ đầu tháng 5 đến nay, SAA không khuất phục được thị trấn Kabani nhỏ bé. Còn phía Bắc Hama (Tây Idlib), SAA không nuốt nổi hai thị trấn chiến lược còn lại tính từ giữa tháng tư.

Thậm chí, thương vong lớn hơn đang thuộc về quân đội SAA bởi HTS có lợi thế về địa hình, căn cứ địa và được trang bị đầy đủ.

Việc tiêm kích của Nga xuất kích hàng ngày, quy mô lớn, và hiện tại, đặc nhiệm Nga đã trực tiếp tham chiến với nhiệm vụ cố vấn hỏa lực, chỉ đạo chiến thuật cho thấy tình thế ở các điểm nóng này đang thực sự khó khăn.

Vì sao đám khủng bố HTS khó nhằn đến như vậy? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy lùi lại thời gian hồi tháng 9, tháng 10/2018, thời điểm đó, đặc nhiệm Nga, không quân Nga và quân đội Syria đã tiến hành chiến dịch Al Suwayda phía Nam Syria. Đây được cho là cứ điểm khủng bố lớn nhất của IS còn tồn tại ở quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 tuần, liên quân Nga-Syria đã tiến hành các cuộc tập kích chớp nhoáng và giải quyết toàn bộ cứ điểm Nam Syria của IS. Thương vong không đáng kể, con tin dân thường không bị thương vong... Còn hiện tại, HTS đang chứng tỏ chúng tinh nhuệ hơn IS rất nhiều.

Việc nhìn thấy những vị trí quyết chiến chiến lược, có ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện trận chiến. Cùng với việc áp dụng chiến thuật hợp lý để bẻ gãy các cuộc tấn công từ quân đội chuyên nghiệp của đối phương, điều này cho thấy HTS phải có một thế lực hậu thuẫn với đội ngũ cố vấn quân sự chuyên nghiệp đằng sau.

Như vậy, đặc nhiệm Nga phải vào cuộc. Và đối thủ của họ không chỉ đơn thuần là một nhóm khủng bố hung bạo, ô hợp. Chúng đã tự cho thấy được tổ chức, huấn luyện về không chỉ vũ khí, mà còn cả chiến thuật, chiến lược quân sự.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/vi-sao-dac-nhiem-nga-phai-xuat-tran-tai-idlib-3380540/