Vì sao Đà Nẵng phải tiếp tục 'tiểu phẫu' cầu dây võng dài nhất Việt Nam?

6 năm sau đợt 'tiểu phẫu' lần đầu, thay lớp thảm ở làn giữa của cầu Thuận Phước để xử lý hậu quả của 'công nghệ mới', Đà Nẵng tiếp tục phải dỡ bỏ lớp bê-tông nhựa ở 2 làn ngoài nhằm khắc phục ổ gà, sống trâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam.

6 năm sau đợt “tiểu phẫu” lần đầu, thay lớp thảm ở làn giữa của cầu Thuận Phước để xử lý hậu quả của “công nghệ mới”, Đà Nẵng tiếp tục phải dỡ bỏ lớp bê-tông nhựa ở 2 làn ngoài nhằm khắc phục ổ gà, sống trâu gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên cây cầu dây võng dài nhất Việt Nam.

Cơ quan chuyên môn phải phong tỏa cục bộ để đào và thay thế lớp bê-tông phủ bề mặt cầu Thuận Phước.

Cơ quan chuyên môn phải phong tỏa cục bộ để đào và thay thế lớp bê-tông phủ bề mặt cầu Thuận Phước.

* Cầu Thuận Phước được thiết kế theo mô hình cầu treo dây võng với 3 nhịp liên tục có khẩu độ lớn nhất Việt Nam (405m), rộng 18m dành cho 4 làn xe; có 2 trụ tháp cao 80m tính từ đỉnh bệ cọc, tổng chiều dài cầu là 1.856m. Theo thiết kế ban đầu, cầu có trọng tải lên đến 13 tấn. Từ năm 2013, Sở GTVT Đà Nẵng tổ chức trạm gác ở 2 đầu cầu, treo biển cấm các loại xe tải có trọng tải từ 1,5 tấn trở lên qua cầu. Đến ngày 27-9-2019, Đà Nẵng tiếp tục cấm xe tải có tải trọng trên 1 tấn lưu thông qua cầu để đảm bảo trật tự ATGT và mỹ quan đô thị, thu hút khách du lịch.

Cấy thép, thay thế hơn 3.000m2 bê-tông nhựa

Sáng 22-10, sau khi hoàn thành đường biên phía vịnh Đà Nẵng, công nhân và bộ phận kỹ thuật của BQL dự án Xây dựng và Bảo trì hạ tầng giao thông Đà Nẵng tiếp tục phong tỏa theo khu vực để triển khai “vá” đường biên còn lại của cầu Thuận Phước. Các tốp thi công được giao nhiệm vụ theo khu vực dựng hàng rào, hệ thống cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người đi đường trong khi triển khai người và phương tiện để tiến hành các công đoạn sửa chữa.

Theo đại diện đơn vị thi công, toàn bộ lớp phủ mặt cầu với độ dày khoảng 10cm trong phạm vi hư hỏng sẽ được bóc, sau đó sẽ vệ sinh mặt trên của dầm hộp thép trước khi cấy thêm thép D8 cách khoảng 50cm/neo, lưới thép mạ kẽm ô lục giác, mắt lưới D63. Khi hoàn thành việc neo thép, sẽ tưới nhựa polime PMB-III liều lượng 0,8kg/m2, lớp trên cùng sẽ được phủ bê-tông nhựa polime PMB-III 12,5 cốt sợi thủy tinh dày 4cm. Theo một đại diện của Ban này, do tính chất đặc biệt của kết cấu bề mặt nhịp chính cầu Thuận Phước là lớp phủ bê-tông nhựa trên dầm hộp thép nên giải pháp thi công bảo trì lần này được kết hợp kỹ thuật mới nhằm tăng khả năng hoạt động của bê-tông nhựa trên dầm hộp thép. Các neo thép được hàn vào mặt trên của dầm thép sẽ tạo độ kết nối lớn hơn với lớp phủ, hạn chế việc trồi sụt, tạo ra ổ gà, sống trâu. “Chúng tôi bắt đầu thi công từ cuối tháng 9 vừa qua. Do gặp phải một số ngày mưa lớn nên buộc phải dừng thi công khiến tiến độ phải lùi lại. Theo đo đạc, tính toán thì tổng diện tích bề mặt ở 2 biên của cầu Thuận Phước buộc phải đào lên để thay thế lớp phủ là khoảng hơn 3.000m2. Nếu thuận lợi, khoảng cuối tháng 10 này sẽ xong”, vị này cho biết.

Sau khi đào lớp bê-tông nhựa cũ, mặt trên của dầm hộp thép được cấy thêm thép D8 trước khi phủ bê-tông nhựa polime.

Đã dùng 7 tỷ đồng để xử lý hạn chế của “công nghệ mới”

Cầu Thuận Phước là cầu dây võng dài nhất Việt Nam được khởi công xây dựng vào năm 2003 với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng do UBND TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Nhà thầu chính là Cty Cơ khí Xây dựng Công trình 623 và Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 6. Được khánh thành và đưa vào sử dụng vào năm 2009 thì một thời gian sau mặt cầu có dấu hiệu xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ gà, sống trâu tiềm ẩn nguy hiểm cho phương tiện. Liên tục sau đó, nhà thầu và cơ quan chuyên môn đã nhiều lần tiến hành khắc phục nhưng việc trám trét cục bộ, nhưng vẫn không khống chế được các vết nứt, lồi lõm trên mặt cầu. Vào năm 2013, Đà Nẵng đã buộc phải thực hiện dỡ lớp phủ bê-tông ở làn giữa cầu để “tiểu phẫu” với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Như vậy, với 4,1 tỷ đồng cho đợt sửa chữa lần này, cả nhà thầu và ngân sách đã dùng hết 7 tỷ đồng chỉ dùng để khắc phục lớp phủ bề mặt cho cầu.

Hiện tại, làn biên phần hạ lưu đã hoàn thành khắc phục để phương tiện lưu thông trong khi tiếp tục thi công phần biên thượng lưu. Ảnh: Công Khanh

Đại diện Phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, phương pháp thi công phủ bê-tông nhựa polime PMB-III 12,5 cốt sợi thủy tinh dày 4cm trong lần sửa chữa, bảo trì này là tối ưu đến thời điểm hiện tại. Đây là phương pháp được áp dụng trong lần “tiểu phẫu” đối với làn giữa của cầu vào năm 2013. Sau hơn 6 năm, các khu vực được sửa chữa hoạt động ổn định. Hiện đơn vị thi công đã hoàn thành đối với làn biên phía hạ lưu (phía vịnh Đà Nẵng) và đang gấp rút triển khai các công đoạn tương dự đối với làn cầu phía trung tâm thành phố. Dự kiến công tác thi công sẽ hoàn thành trong tháng 10-2019 với tổng kinh phí 4,1 tỷ đồng, từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông năm 2019. Kể cả kinh phí sửa chữa cách đây 6 năm (3 tỷ đồng do nhà thầu bảo hành).

Theo các nhà chuyên môn, một trong những hạn chế khiến bề mặt cầu Thuận Phước xuất hiện bong tróc, tạo ổ gà, sống trâu là do cây cầu này có nhịp lớn nhưng mặt trên của cầu, ngay dưới lớp thảm, lại được làm kiểu thép hộp trực hướng. Công nghệ thi công được gọi là SMA với chất liệu epoxy này không những hạn chế về độ bám dính, kết cấu này sẽ hấp thụ lượng nhiệt rất lớn lại vào ban ngày, giữ nhiệt rất lâu ảnh hưởng đến lớp thảm nhựa trên bề mặt. Trong khi đơn vị thi công cho biết đây là công nghệ mới thì giới chuyên môn khẳng định nó không mới, nhưng rất “khó tính”, và khi làm cầu giai đoạn này đã không được thực hiện theo đúng quy trình, tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_214742_vi-sao-da-nang-phai-tiep-tuc-tieu-phau-cau-day-vong-dai-nhat-viet-nam-.aspx