Vì sao Đà Nẵng chi không hết vốn xây dựng cơ bản năm 2018?

Ước chi xây dựng cơ bản của Đà Nẵng năm 2018 chỉ đạt 5.945 tỉ đồng/7.857,481 tỉ đồng (không tính nguồn dự phòng chưa phân bổ cho các dự án là 450 tỉ đồng), bằng 76% kế hoạch giao. Vì sao?

Ngày 5/12, UBND TP Đà Nẵng cho hay, năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 25.676 tỉ đồng, đạt 99,2% dự toán Trung ương giao (kế hoạch đề ra là tăng ít nhất 5% so với dự toán TƯ giao); trong đó thu nội địa ước 21.955 tỉ đồng, đạt 97% dự toán. Lý do thu ngân sách không đạt, theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, là do TƯ giao quá cao.

Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (giai đoạn 1) là một trong các dự án trọng điểm của TP Đà Nẵng trong năm 2018, dự kiến hoàn thành, bàn giao công trình vào cuối năm (Ảnh: HC)

Trong bối cảnh đó, riêng một số nguồn thu cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) của Đà Nẵng lại đạt tương đối cao như thu tiền sử dụng đất 3.100 tỉ đồng (đạt 124% kế hoạch giao), xổ số kiến thiết 180 tỉ đồng (đạt 106% kế hoạch giao). Thế nhưng tình hình giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2018 lại còn rất chậm, nhất là trong 6 tháng đầu năm.

UBND TP Đà Nẵng đã áp dụng nhiều giải pháp quyết liệt nên trong những tháng cuối năm, tình hình giải ngân đã có những bước tiến khả quan, tăng gần gấp đôi so với các tháng đầu năm. Mặc dù vậy, ước chi XDCB của Đà Nẵng năm 2018 chỉ đạt 5.945 tỉ đồng/7.857,481 tỉ đồng (không tính nguồn dự phòng chưa phân bổ cho các dự án là 450 tỉ đồng), bằng 76% kế hoạch giao.

Nguyên nhân của việc không sử dụng hết nguồn vốn XDCB năm 2018, theo UBND TP Đà Nẵng, là do vướng mắc liên quan đến các văn bản của TƯ như Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và đặc biệt là Thông tư 08/2016/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đây cũng là vướng mắc chung của các địa phương trên cả nước, làm chậm tiến độ giải ngân các công trình.

Cụ thể, theo quy định thì việc lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán của dự án chỉ thực hiện khi dự án được bố trí kế hoạch vốn. Tuy nhiên kế hoạch vốn hàng năm được giao vào tháng 12 năm trước, nên sau khi kế hoạch vốn được giao thì các dự án mới đủ điều kiện trình, duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và triển khai công tác lựa chọn nhà thầu thi công, dẫn đến chậm khởi công công trình (thường thời gian này kéo dài từ 6 – 9 tháng).

Theo UBND TP Đà Nẵng, tình hình khách quan nêu trên là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các công trình thường khởi công vào mùa mưa, kéo theo chậm giải ngân kế hoạch vốn được giao. Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn XDCB năm 2018 của TP chậm là do công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án còn quá chậm nên không giải ngân được kế hoạch vốn đền bù, kéo theo kế hoạch vốn xây lắp cũng được giải ngân được theo đúng kế hoạch.

Giá trị đền bù thực tế của các dự án thường cao hơn rất nhiều so với giá trị phê duyệt, dẫn tới số vốn đền bù thực tế vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt nên không được giải ngân kế hoạch vốn đền bù đã đượcbố trí (vướng Thông tư 08/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính như đã nêu). Bên cạnh đó, việc vượt tổng mức đầu tư dẫn đến khối lượng xây lắp đã thi công cũng không thể giải ngân theo kế hoạch đã bố trí.

Một số dự án được bố trí kế hoạch năm 2018 lớn nhưng chậm hoàn thiện hồ sơ thủ tục nên khởi công vào các tháng cuối năm, dẫn đến tỉ lệ giải ngân thấp (tuyến đường vành đai phía Tây; tuyến đường Trục 1 Tây Bắc; một số hạng mục của Dự án phát triển bền vững; Khu ký túc xá tập trung phục vụ HS-SV đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn…).

Một số công trình mới cấp thiết được bố trí kế hoạch vốn đầu năm nhưng hoàn thành thủ tục để khởi công nên chưa có khối lượng để giải ngân (dự án cải thiện môi trường nước phía Đông quận Sơn Trà; chung cư thu nhập thấp Tân Trà, bãi đỗ xe 255 Phan Châu Trinh, Bệnh viện Y học cổ truyền TP Đà Nẵng). Một số công trình xử lý ô nhiễm, ngập úng theo chỉ đạo của HĐND TP vẫn vướng giải phóng mặt bằng, dẫn đến không giải ngân theo kế hoạch (khu đất dự trữ phát triển đô thị và chống ngập ven sông phía Nam cầu Cẩm Lệ, trạm xử lý nước thải KCN Hòa Cầm…).

Đáng chú ý, cùng với nhiều giải pháp quyết liệt giúp giải ngân vốn XDCB các tháng cuối năm 2018 tăng gần gấp đôi các tháng đầu năm, UBND TP Đà Nẵng cũng đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để đảm bảo điều kiện bố trí vốn triển khai thực hiện trong năm 2019, nhất là các công trình trọng điểm, động lực của TP. Đặc biệt, công tác đấu thầu qua mạng được triển khai quyết liệt nhằm tạo môi trường đấu thầu công khai, minh bạch, hiệu quả.

Tính đến ngày 31/10/2018, Đà Nẵng tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về đấu thầu qua mạng với 109/261 gói thầu chào hàng cạnh tranh (đạt tỉ lệ 42%), 179/457 gói thầu đấu thầu rộng rãi (đạt tỉ lệ 39%), vượt chỉ tiêu thực hiện đấu thầu qua mạng năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ (40% gói thầu chào hàng cạnh tranh và 30% gói thầu đấu thầu rộng rãi thực hiện qua mạng).

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vi-sao-da-nang-chi-khong-het-von-xay-dung-co-ban-nam-2018-post283947.info