Vì sao cựu Chủ tịch tỉnh Bình Dương vắng mặt trong phiên xử Út trọc?

Đinh Ngọc Hệ kêu oan, cho rằng mình bị cấp dưới vu khống để chối bỏ trách nhiệm. Trong khi đó, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vắng mặt dù được tòa triệu tập với vai trò nhân chứng.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ được dẫn giải tại tòa

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ được dẫn giải tại tòa

Người có bút phê trở thành nhân chứng

Ngày 30/10, Tòa án Quân sự Trung ương (TAQS) mở phiên xử phúc thẩm Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út “trọc”) - nguyên Phó TGĐ Tổng Cty Thái Sơn cùng đồng phạm trong vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trước đó, ngày 31/7, TAQS Quân khu 7 tuyên phạt ông Hệ 12 năm tù về các tội “Lợi dụng chức vụ…” và “Sử dụng tài liệu giả…”. Bị cáo Trần Văn Lâm - nguyên TGĐ điều hành Cty phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng (Thái Sơn BQP) nhận 5 năm tù; Trần Xuân Sơn - nguyên GĐ chi nhánh Bình Dương Thái Sơn BQP nhận 18 tháng tù treo; Bùi Văn Tiệp - nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367 lĩnh 24 tháng tù treo cùng về tội “Lợi dụng chức vụ…”. Bị cáo Phùng Danh Thắm - nguyên Chủ tịch kiêm TGĐ Tổng Cty Thái Sơn nhận án 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Thiếu trách nhiệm…”.

Tại tòa phúc thẩm, chủ tọa cho biết một số người làm chứng trong vụ án vắng mặt gồm ông Lê Thanh Cung - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Thư ký công bố đơn xin vắng mặt của vợ ông Lê Thanh Cung thể hiện ông bị bệnh tim nặng, từng phải sang Mỹ mổ và hiện tại phải xuất cảnh tái khám tại Mỹ. Bà này khẳng định các nội dung chồng mình đã báo cáo CQĐT là đúng và không có gì khai báo thêm. Đơn của vợ ông Cung có kèm theo giấy xác nhận của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh Bình Dương, đơn thuốc, hình ảnh trong chương trình khám bệnh... Theo hồ sơ vụ án, năm 2014, cây xăng của Thái Sơn BQP và Cty Hải Hà hợp tác mở tại Bình Dương bị phát hiện chứa hơn 20.000lít xăng kém chất lượng, bị cáo Hệ liền chỉ đạo Trần Văn Lâm tới gặp ông Cung để xin giúp không bị xử phạt. Ông Cũng đã có bút phê vào văn bản của bị cáo Lâm, yêu cầu cấp dưới xem xét, giúp đỡ trường hợp này.

Út “trọc” nói bị vu khống

Tại tòa, bị cáo Phùng Danh Thắm - nguyên Chủ tịch Cty Thái Sơn xin giảm nhẹ hình phạt. Ông bị xác định không quản lý Cty con và quân nhân thuộc quyền, để Đinh Ngọc Hệ phạm tội. Tương tự, Trần Văn Lâm xin giảm án 5 năm tù với lý do bản thân là người làm thuê, phải thực hiện theo chỉ đạo; vai trò trong vụ án không lớn; gia đình khó khăn...

Riêng Út “trọc” kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm, khai việc mua, sử dụng xe biển đỏ, xanh đã được xin phép cơ quan chức năng. Việc cho thuê xe đã được đóng thuế đầy đủ, được Luật doanh nghiệp cho phép và các xe đều do các cổ đông bỏ tiền ra mua, không làm ảnh hưởng tới tài sản Nhà nước. “Các cơ quan tố tụng cáo buộc giao xe cho các đối tượng ngoài xã hội... nhưng chúng tôi giao cho các cá nhân, tổ chức có thân nhân tốt, làm ăn chân chính... Nói chúng tôi cho thuê xe làm mất uy tín quân đội là không đúng, còn đơn thư tố cáo là vu khống, một chiều” - Đinh Ngọc Hệ nói.

Về vấn đề làm giả hợp đồng gửi xăng, bị cáo này cho rằng trách nhiệm thất thoát gần 1,5 tỷ đồng tiền phạt thuộc quản lý thị trường; bản thân không được hưởng lợi hoặc mất mát trong việc cây xăng bị xử phạt hay không. Út “trọc” dẫn các lời khai của bị cáo Tiệp, Lâm với nhiều mâu thuẫn và cho rằng họ muốn đổ tội để rũ bỏ trách nhiệm.

Đặc biệt, ông Hệ cho rằng Lâm vu khống khi khai đã cùng Hệ đi gặp ông Lê Thanh Cung nhờ giúp đỡ. “Lời khai này bị anh Cung bác bỏ vì anh khai việc này được Út “trọc” nhờ qua điện thoại trong 2 phút vào một buổi chiều mưa… Đề nghị tòa tra cứu điện thoại, nếu bị cáo có cuộc gọi nào cho Cung trên 1 phút, bị cáo ngồi bao nhiêu năm tù cũng được” - Út “trọc” khẳng định.
Tuy nhiên, nhân chứng Cung Đình Minh - Phó TGĐ Cty Thái Sơn và Trần Văn Lâm, Bùi Văn Tiệp đều cho rằng các lời khai của bị cáo Hệ sai sự thật.

Theo án sơ thẩm, từ năm 2010 - 2016, bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã thế chấp, cho thuê, mượn nhiều xe biển xanh, đỏ thu bất chính hơn 6 tỷ đồng. Năm 2014, khi cây xăng của Thái Sơn BQP bị niêm phong do chứa hơn 20.000 lít xăng kém chất lượng, ông Hệ đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng thể hiện xăng của quân đội gửi nhằm tránh bị xử phạt nên gây thất thoát cho ngân sách gần 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, bị cáo Đinh Ngọc Hệ còn có hành vi mua và sử dụng một bằng tốt nghiệp giả của trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Xuân Ân - Nguyễn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/vi-sao-cuu-chu-tich-tinh-binh-duong-vang-mat-trong-phien-xu-ut-troc-1340189.tpo