Vì sao COVAX 'lỡ hẹn' giao vaccine?

COVAX muốn giao 2 tỷ liều vaccine cho toàn cầu trong năm 2021 nhưng gần nửa năm trôi qua, mục tiêu này mới được hoàn thành 3,4%.

Mùa thu năm 2020, COVAX - chương trình được thiết kế đảm bảo quyền tiếp cận công bằng vaccine Covid-19 trên toàn cầu - đặt mục tiêu mua 2 tỷ liều vaccine để giao cho các nước gặp khó khăn trước cuối năm 2021. Đến nay, cơ sở này mới cung cấp được hơn 68 triệu liều, theo Vox.

Toàn thế giới, khoảng 1,5 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được sử dụng, nhưng chỉ 0,3% trong số đó được sử dụng tại nước có thu nhập thấp. Chương trình COVAX đang gặp phải khó khăn gì?

Dòng tiền đến quá muộn

COVAX là dự án được thúc đẩy bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Vaccine GAVI, và Liên minh Sáng chế Sẵn sàng trước Dịch bệnh (CEPI). Mục tiêu của dự án là đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine Covid-19 trên toàn cầu một khi các sản phẩm này hoàn tất và được cấp phép sử dụng.

 Vaccine chống Covid-19 của Pfizer. Ảnh: Reuters.

Vaccine chống Covid-19 của Pfizer. Ảnh: Reuters.

Ý tưởng đằng sau COVAX là các quốc gia phát triển sẽ cùng góp vốn nghiên cứu và phát triển nhiều ứng viên vaccine. Khoản đầu tư này sẽ giúp các nước giàu tăng khả năng có vaccine hiệu quả và giúp 92 quốc gia thu nhập thấp tiếp cận vaccine miễn phí.

Như vậy, cần có đủ các quốc gia giàu tham gia và cam kết cung cấp vaccine qua COVAX. Nhưng thay vì thế, nhiều chính phủ ký thỏa thuận song phương riêng với các công ty như Pfizer và Moderna, qua đó “xí chỗ” đại đa số liều vaccine dự kiến xuất xưởng trong năm 2021.

Do chưa có nhiều tiền trong giai đoạn đầu đại dịch, COVAX không còn cơ hội mua vaccine cho các nước thu nhập thấp.

“Vấn đề chính là dòng tiền đến quá muộn và cũng chưa đủ”, Amanda Glassman, giám đốc chính sách sức khỏe toàn cầu tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu - viện chính sách phi lợi nhuận có trụ sở tại London (Anh) và Washington, DC (Mỹ), nói.

“Nếu họ có tiền vào tháng 3/2020, tình hình vận chuyển vaccine sẽ khác. Cơ hội đặt trước vaccine sẽ nhiều hơn trong khoảng tháng 3 đến tháng 7/2020”, bà Glassman nhận xét.

Kể cả lúc này, COVAX vẫn không có đủ tiền mua vaccine tiêm chủng cho 20% dân số tại các nước thu thập thấp trước cuối năm 2021. Để đạt được mục tiêu này, COVAX cần gây quỹ thêm 2,6 tỷ USD, theo số liệu 11/5 của WHO.

“Điều đầu tiên chúng ta cần là tiền”, Bruce Aylward, trợ lý tổng giám đốc WHO, nói.

Trước mắt, COVAX cần tiền để mua thêm nhiều vaccine mới như Novavax (vaccine do Mỹ sản xuất) và Sinopharm (vaccine do Trung Quốc sản xuất và vừa được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp).

Từ nay tới tháng 6, COVAX cần thêm ít nhất 1,6 tỷ USD để đặt trước vaccine cho năm 2021 và đầu 2022, phát ngôn viên GAVI nói. Nếu không, vaccine có thể tiếp tục bị các quốc gia giàu có mua trước như trong năm 2020.

“Nguồn cung đang cực kỳ khan hiếm”

Thách thức thứ hai mà COVAX phải đối mặt là việc vaccine và nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất vaccine vẫn trong tình trạng khan hiếm, một phần là do các quốc gia giàu có mua vaccine từ sớm. Tuy nhiên, điều này còn do đại dịch làm ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất.

Nhà cung cấp vaccine chính cho COVAX là Viện Huyết thanh Ấn Độ - nơi sản xuất vaccine AstraZeneca. Do Covid-19 đang hoành hành tại Ấn Độ, nguồn cung này buộc phải chuyển sang phục vụ nhu cầu trong nước. Giới hạn xuất khẩu vaccine tại Ấn Độ đồng nghĩa với việc COVAX sẽ nhận được ít vaccine hơn dự kiến và phải hoãn vận chuyển.

“Nguồn cung vaccine cho COVAX đang cực kỳ khan hiếm”, Kate Dodson, phó chủ tịch về y tế toàn cầu tại Quỹ Liên Hợp Quốc, nói.

Costa Rica nhận 43.200 liều vaccine qua cơ chế COVAX vào ngày 7/4. Ảnh: UN.

Ruth Faden, người sáng lập Viện Đạo đức Sinh học Berman John Hopkins (Mỹ), cho rằng cần phương pháp khác nhanh hơn trên quy mô toàn cầu để đẩy mạnh sản lượng liều vaccine dự kiến được sản xuất trong năm 2021 và đầu năm 2022.

Nhưng theo Vox, điều này sẽ không dễ dàng vì đây không phải chỉ là vấn đề xây thêm nhà máy công suất lớn mà cần sự phối hợp trên nhiều yếu tố, gồm: chuyển giao công nghệ và nhân sự đến các quốc gia gặp khó khăn, gửi nguyên liệu thô để tránh sản xuất bị tắc nghẽn, và nới lỏng quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Aylward nhấn mạnh tăng sản lượng là chưa đủ. Ông muốn COVAX có quyền từ chối đầu tiên đối với vaccine được các công ty sản xuất vượt mục tiêu ban đầu. Với quyền này, COVAX sẽ được “mời chào” mua vaccine trước khi các công ty sản xuất giao dịch với bên khác.

“Chúng ta cần mọi người chia sẻ”

COVAX cần các quốc gia giàu có chia sẻ những liều vaccine đã nhận, ví dụ như khoảng 73 triệu liều vaccine mà Mỹ đang dự trữ. Đến tháng 7, Mỹ dự kiến thừa ít nhất 300 triệu liều vaccine, kể cả khi Mỹ muốn tiêm chủng cho phần lớn trẻ em trong nước, theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Duke (Mỹ).

Nhưng lý tưởng hơn, các quốc gia giàu có nên quyên tặng từ trước khi vaccine cập bến, theo ông Aylward.

“Chúng ta cần mọi người chia sẻ chỗ đã được đặt trước”, ông Aylward nói. Điều này đồng nghĩa với việc nếu đã đặt trước vaccine với các nhà sản xuất, các quốc gia giàu có nên nhường vị trí ấy cho các quốc gia khó khăn hơn.

Ông Ayward cho rằng các quốc gia không nên chỉ tập trung vào quyên góp vaccine dư thừa. Nếu chờ đến lúc mọi công dân đều đã được tiêm vaccine, các quốc gia sẽ phải mất vài tháng để tiêm chủng cho người có rủi ro tương đối thấp. Trong khi đó, người trưởng thành rủi ro cao ở những quốc gia như Ấn Độ sẽ không được tiêm chủng.

Một cô gái được tiêm vaccine Covid-19 tại thủ đô Kathmandu, Nepal vào ngày 7/4. Ảnh: Tân Hoa xã.

Đầu tháng 5, Thụy Điển quyên góp 1 triệu liều vaccine - 20% kho dự trữ của nước này, dù mới chỉ hơn 30% dân số đã được tiêm chủng.

Theo ông Aylward, một quan chức Thụy Điển cho biết đó là “quyết định chính trị khó khăn” nhưng sức khỏe toàn cầu chiếm ưu tiên hơn.

“Mọi người cứ nói về ‘quyên tặng vaccine dư thừa’”, ông Aylward nói. “Điều mà Thụy Điển đang cố nói là ‘Không, hãy quyên góp vaccine ngay bây giờ… chúng ta không thể có thêm Ấn Độ thứ hai’”.

Quốc Đạt

Theo Vox

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-covax-lo-hen-giao-vaccine-post1218293.html