Vì sao cột điện được thử nghiệm 3 lần vẫn gãy?

Các chuyên gia cho rằng nếu ứng dụng đúng quy định TCVN vào sản xuất, thử nghiệm và thi công thì bão giật trên cấp 12 cũng khó làm trụ điện bị gãy.

Ngày 29/9, Zing có buổi làm việc với ông Nguyễn Đại Phúc, Phó giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, liên quan việc 272 cột điện ở tỉnh này bị gãy trong bão số 5.

Buổi làm việc diễn ra sau khi đại diện nhà sản xuất nói Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Trung và một công ty Nhà nước (đóng tại Đà Nẵng) đã thử nghiệm cột điện đạt chất lượng mới đưa vào sử dụng. Dư luận đặt câu hỏi tại sao cột điện thử nghiệm 3 lần vẫn bị gãy trong khi bão số 5 có sức gió giật dưới cấp 11?

Ông Phúc không trả lời câu hỏi trên mà chỉ thông tin từ năm 2017, đơn vị đã chuyển qua sử dụng cột điện bê tông dự ứng lực thay cho trụ truyền thống. Loại cột điện mới được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5847:2016.

"Trước khi đưa vào lắp đặt, ngành điện lực phối hợp với cơ quan liên quan đã thử nghiệm, kiểm định chất lượng cột. Những trụ điện đảm bảo chất lượng mới được đưa vào sử dụng", ông Phúc cho hay.

Phóng viên đề nghị Phó giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cung cấp các hồ sơ dự thầu, biên bản thử/kiểm định cột điện, nghiệm thu công trình... Tuy nhiên, ông Phúc nói hồ sơ nhiều, chưa tìm ra nên hẹn cung cấp sau.

Cột điện được thử nghiệm như thế nào?

Theo TCVN 5847:2016, cơ quan thẩm định sẽ lấy ngẫu nhiên khoảng 5% sản phẩm đại diện cho lô hàng để thử nghiệm. Với lô hàng dưới 100 sản phẩm, cơ quan chức năng lấy ngẫu nhiên 3-5% cột để thử.

Tại xưởng sản xuất, đơn vị thử nghiệm sẽ đo kích thước cơ bản của cột, độ dày bê tông bảo vệ cốt thép theo TCVN 9356:2012. Bước tiếp theo, họ đối chiếu kết quả đo trung bình với kích thước cơ bản của cột điện để xác định mức sai lệch.

 Cột điện không đảm bảo chất lượng bị loại bỏ. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Cột điện không đảm bảo chất lượng bị loại bỏ. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Nếu có một sản phẩm không đạt yêu cầu, đơn vị thử nghiệm sẽ lấy tiếp 5% sản phẩm khác trong cùng lô hàng để kiểm tra lần hai. Toàn bộ sản phẩm thử lại đạt thì lô đó được đưa vào sử dụng (trừ các sản phẩm không đạt trong thử nghiệm lần một). Nếu có thêm một sản phẩm không đạt chất lượng thì lô sản phẩm đó phải bỏ.

Quy trình thử nghiệm cũng yêu cầu đơn vị thực hiện phải xác định khả năng chịu tải của trụ điện. Về nguyên tắc, khả năng chịu tải của cột điện bê tông cốt thép ly tâm được xác định bằng phương pháp kéo ngang đầu trụ.

Khi thử uốn, cột điện không được xuất hiện vết nứt có chiều rộng lớn hơn 0,25 mm. Vết nứt không được phát triển nối nhau vòng quanh thân cột. Đối với cột bê tông dự ứng lực, sau khi xả tải, chiều rộng vết nứt không được lớn hơn 0,05 mm.

'Làm đúng thì khó gãy'

Ông Hoàng Mai Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây lắp sản xuất thương mại và điện cơ SDC (trụ sở tại Thừa Thiên - Huế), khẳng định đơn vị sản xuất cột điện (bán cho Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế) theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016.

"Trước khi xuất xưởng, các chuyên gia của Tổng công ty Điện lực miền Trung, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đến kiểm tra. Họ kiểm tra 3 lần đều đạt chuẩn thì cột điện mới được đưa đi lắp đặt", ông Sơn nói.

Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Trung, 616 cột điện bị gãy, đổ và nghiêng khi bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Vị giám đốc này bất ngờ vì bão số 5 không lớn nhưng hàng trăm trụ điện bị gãy. "Ngoài các nguyên nhân như độ xoáy của gió, cây đổ đè lên thì khâu lắp đặt không đúng kỹ thuật cũng có thể khiến cột điện bị nghiêng, đổ, gãy", ông Sơn lý giải và không loại trừ khả năng các cột điện bị gãy do kém chất lượng.

Trong khi đó, một kỹ sư chuyên về kết cấu bê tông dự ứng lực, cho biết TCVN 5847:2016 đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định. Nếu ứng dụng đúng các quy định của TCVN vào sản xuất, thử nghiệm và thi công thì bão giật trên cấp 12 cũng khó làm trụ điện bị gãy.

"Cơn bão vừa qua gió giật dưới cấp 11 (theo cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia) nhưng cột điện đã bị gãy hàng loạt thì có vấn đề. Ở đây, ngoài nghi vấn chất lượng cột không đạt thì cũng có thể đơn vị thi công ẩu", vị chuyên gia này nhận định.

Xem các clip do Zing cung cấp, một kỹ sư (đang tham gia dự án điện ở miền Tây) nhận định việc gãy cột điện có thể do các nguyên nhân sau: Thứ nhất, chất lượng thi công chưa đảm bảo. Cụ thể là việc căng kéo cáp dự ứng lực trước chưa đúng tiêu chuẩn, không đủ lực căng.

Nhân viên khắc phục sự cố mạng lưới điện ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Thứ 2, quy trình sản xuất bê tông ly tâm chưa được kiểm soát đúng thời gian và chất lượng. Cuối cùng là cường độ bê tông chưa đảm bảo thiết kế.

"Nếu nhà sản xuất làm cột điện bằng bê tông M500 và tuân thủ đúng TCVN thì nó chịu lực rất tốt, gió giật trên cấp 12 cũng khó gãy. Quan sát các cột điện bị gãy, tôi thấy vật liệu có vấn đề", chuyên gia này nói và cho rằng Trung ương nên thanh tra toàn diện, thành lập hội đồng khoa học để làm rõ nguyên nhân, trả lời những thắc mắc của dư luận.

Cả hai chuyên gia trên cho rằng nếu cột điện chưa đạt chất lượng mà đưa vào sử dụng thì trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và đơn vị tham gia thử nghiệm.

"Cơ quan chức năng có trung thực, khách quan khi kiểm tra lô hàng? Việc thử nghiệm có đúng quy định hay chỉ làm qua loa rồi cung cấp giấy chứng nhận cho các nhà sản xuất là xong? Cơ quan chức năng vào cuộc để thanh tra, kiểm định độc lập thì sẽ rõ nguyên nhân cột điện bị gãy", vị kỹ sư nói.

Nhà sản xuất không hiểu vì sao cột điện bị gãy sau 3 lần kiểm định Đại diện nhà sản xuất cho biết trước khi xuất xưởng, 3 đoàn chuyên gia đã đến kiểm định sản phẩm nhưng không hiểu sao hàng trăm cột điện vẫn bị gãy trong bão số 5.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-cot-dien-duoc-thu-nghiem-3-lan-van-gay-post1136271.html