Vì sao công ty tư ở Mỹ sở hữu 63 tiêm kích Mirage?

Chúng ta đã biết nhiều quốc gia có những công ty bảo vệ, công ty an ninh tư nhân. Nhưng một công ty tư nhân ở bang Texas, Mỹ sở hữu 63 tiêm kích do Pháp sản xuất thì quả là hiếm có.

Đó là công ty mang tên Airborne Tactical Advantage (ATAC), sở hữu tới 63 tiêm kích Dassault Mirage F.1. Số máy bay này còn nhiều hơn phi đội chiến đấu của rất nhiều nước trên thế giới.

Năm 2017, ATAC thông báo họ sẽ mua thêm các máy bay Mirage để mở rộng hoạt động và công việc chính của họ là giả làm “quân đỏ”, phục vụ các cuộc tập trận của Mỹ và đồng minh.

Hai năm sau đó ATAC thông báo rằng, với sự giúp đỡ của công ty mẹ là Textron, họ đã hoàn tất việc đại tu và nâng cấp các tiêm kích siêu thanh Mirage.

Dassault Mirage F.1

Dassault Mirage F.1

“Textron đã tân trang khoảng 45 chiếc F.1 với hệ thống điện tử hàng không hiện đại, ví dụ như hệ thống radar nâng cấp, hệ thống gây nhiễu tần số vô tuyến kỹ thuật số”, theo tạp chí Jane's. "ATAC dự định sử dụng máy bay Mirage giả làm máy bay đối phương trong các cuộc tập trận của Không quân Mỹ, vốn cần tới gần 150 máy bay làm nhiệm vụ “quân đỏ”.

ATAC ngoài các máy bay Mirage còn vận hành các loại chiến đấu cơ khác như Hawker Hunter (tiêm kích phản lực cận âm của Anh được phát triển vào thập niên 1950), IAI F-21 Kfir (tiêm kích đa nhiệm của Israel) hay Aero Vodochody L-39ZA (Tiệp Khắc). Ngoài ATAC còn có các công ty không quân “quân đỏ” khác như Draken International, Tactical Air Support, Top Aces và Air USA.

Hawker Hunter

Công ty Tactical Air Support gần đây đã mua 21 chiếc tiêm kích F-5 do Mỹ sản xuất từ không quân Jordan, đưa số máy bay F-5 của công ty lên 26 chiếc. Công ty Draken mua 12 tiêm kích Cheetah của Nam Phi, đưa tổng số máy bay của công ty lên 109 chiếc.

Cho đến gần đây, quân đội Mỹ vẫn tự tổ chức đội bay “quân đỏ”. Họ vận hành các máy bay F-15 và F-16 làm “quân xâm lược”. Nhưng đến năm 2014, họ “đóng cửa” đội “quân đỏ” F-15 để tiết kiệm chi phí. Còn lại 2 phi đội ở Nevada và Alaska vẫn tiếp tục bay vài chục chiếc F-16 với vai trò quân đỏ.

Hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ vận hành nhiều phi đội “quân đỏ” gồm những chiếc F-16 và F/A-18 đời đầu, cộng thêm 36 chiếc F-5 tân trang mua lại của Không quân Thụy Sỹ. Ngân sách cho năm 2020 của hải quân Mỹ bao gồm khoản chi 40 triệu USD để mua 22 chiếc F-5 của Không quân Thụy Sỹ nhằm duy trì phi đội “quân đỏ” về lâu dài với quân số 44 chiếc F-5.

Vấn đề với thủy quân lục chiến Mỹ là họ đang thay thế khoảng 100 chiếc cường kích Harrier bằng loại F-35 có năng lực không chiến tốt hơn. Để sử dụng hết tính năng của dòng F-35, các phi công thủy quân lục chiến phải được huấn luyện để nâng cao khả năng không chiến. “Số lượng máy bay quân đỏ cần dùng hằng năm đang tăng lên, từ 6.400 lần xuất kích năm 2017 lên 8.300 lần vào năm 2022”, thủy quân lục chiến Mỹ nói trong một báo cáo.

Họ cho rằng thực tế họ muốn số lần xuất kích của máy bay quân đỏ phải đạt 10.000 lượt/năm. Nhưng hoạt động huấn luyện có “máy bay xâm lược” bị “giới hạn bởi số lượng F-5 cũng như số lần xuất kích”.

Để củng cố hoạt động của lực lượng quân đỏ, Hải quân Mỹ trong năm 2018 đã ký hợp đồng với công ty Tactical Air Support trong thời hạn 5 năm, trị giá 106, 8 triệu USD để cung cấp các máy bay đóng vai quân đỏ cho không quân hải quân đánh trận giả.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/vi-sao-cong-ty-tu-o-my-so-huu-63-tiem-kich-mirage-1397861.tpo