Vì sao Công Phượng chưa thể tỏa sáng ở Incheon United?

Công Phượng được trao cơ hội đá chính khi Incheon United đang khủng hoảng cả lực lượng lẫn niềm tin, nên thật khó để cầu thủ này có thể tạo nên một điều gì đó.

"Công Phượng không hợp với lối đá của Incheon United. Anh ấy hợp với bóng ngắn hơn và đã chứng minh khả năng ở U23 Việt Nam nhưng HLV Jorn Andersen lại muốn xây dựng Incheon United theo trường phái bóng dài". Lời khẳng định của bình luận viên kênh Spo TV đã tóm gọn phần nào vấn đề của Công Phượng.

5 trận ra sân, 2 lần đá chính, Công Phượng cùng Incheon United đang rơi vào cuộc suy thoái phong độ khó cản. 4 trận thua liên tiếp, thầy trò HLV Andersen đã nhìn thấy vực thẳm.

 Incheon đã thua 4 trận liên tiếp.

Incheon đã thua 4 trận liên tiếp.

Thua đã đành, chứng kiến Công Phượng chật vật trong màu áo mới vì không phù hợp chiến thuật lại lại càng là... sự tra tấn với khán giả. Sau 210 phút, tiền đạo số 23 ít nhiều để lại dấu ấn với 4 đường chuyền tạo cơ hội cho đồng đội. MSN Sport đánh giá đây là màn trình diễn "không khiến cổ động viên thất vọng". Sport Hankooki nói rằng "Công Phượng chơi tạm được", còn Oh My News nói thẳng "Incheon phải thay đổi".

Vậy Công Phượng đã hoàn thành vai trò hay chưa, tại sao Incheon lại phải triển khai lối chơi trái sở trường, bế tắc dẫn đến thất bại?

Vấn đề không phải là bóng dài hay ngắn

Phần đông ý kiến chỉ trích hướng về Incheon trong những ngày qua nằm ở lối chơi mà đội bóng này sử dụng. Nhìn qua, đội chủ sân Incheon Stadium chuyền dài, chuyền bổng rất nhiều. Hàng hậu vệ không có khả năng làm bóng, tuyến tiền vệ thiếu sức sáng tạo còn hàng tấn công thường xuyên nhận bóng trong tư thế quay lưng, phải nhảy lên chắn bóng, tranh chấp.

Incheon của những ngày qua chơi như vậy, và theo nhiều cổ động viên, Công Phượng đã chọn... nhầm đội bóng. Tiền đạo xứ Nghệ hợp với các đội chơi bóng ngắn, kỹ thuật hơn.

Công Phượng có sai khi chọn Incheon?

Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở bóng ngắn, bóng dài. "Không ai định nghĩa đường chuyền là ngắn hay dài, chỉ có chuyền hay và chuyền dở thôi. Đường chuyền bao nhiêu mét thì được gọi là dài? 10m, 20m hay 30m", chuyên gia Steve Darby chia sẻ với VTC News. Độ dài của đường chuyền phụ thuộc vào cự ly đội hình. Nếu Incheon tổ chức đội hình tốt, cầu thủ giữ cự ly hợp lý và tổ chức tấn công đồng bộ, đội bóng này chẳng có lý do để chuyền dài và ngược lại.

Theo một số phóng viên Hàn Quốc, K-League vốn nổi tiếng với tốc độ, thể lực và khả năng va chạm, nên nhiều người hình dung các CLB tại đây ưu tiên lối đá bóng dài. Thực tế không phải vậy. Nhiều đội bóng Hàn Quốc chơi cực kỳ kỹ thuật như Jeonbuk Hyundai Motors, Daegu FC, Ulsan Hyundai hay Suwon Samsung Bluewings,... Incheon không phải ngoại lệ.

Đội bóng của HLV Andersen là một trong những đội tấn công khoáng đạt nhất K-League mùa trước. Chính lối chơi đập nhả trung lộ nhuần nhuyễn giúp Incheon bừng tỉnh trong giai đoạn cuối mùa, thắng liền 5 trận cuối cùng để trụ hạng ngoạn mục. "Trước khi tôi đến, các cầu thủ có ý thức chiến thuật rất kém, đó là điều tôi phải thay đổi ở họ", HLV Andersen chia sẻ.

Dưới đây là tình huống phối hợp tam giác trung lộ của Incheon (áo xanh-đen) trong trận đấu với Jeonnam Dragrons cuối mùa giải trước. Cầu thủ chuyền bóng (Stefan Mugosa), cầu thủ chạy chỗ (Moon Seon Min) và cầu thủ đứng ở khe hở giữa hàng tiền vệ, hậu vệ (Jiloan Hamad) tạo nên pha phối hợp đẹp mắt dẫn đến tình huống Moon Seon Min bị đốn ngã trong vòng cấm. Nếu di chuyển sớm một chút, cầu thủ này đã ghi được bàn mở tỉ số.

Incheon có nhiều tình huống ghi bàn kiểu như vậy nhờ vào cây đinh ba Mugosa - Moon Seon Min - Jun Jae Nam trên hàng công. Đây đều là mẫu cầu thủ "cây kim", di chuyển xuyên vào khe hở hàng thủ để đón đường chọc khe hoặc mở bóng cho đồng đội. Incheon cũng đá với sơ đồ 4-3-3 biến hóa và các vị trí di chuyển cực kỳ linh hoạt, đặc biệt là Mugosa. Khi Incheon có cự ly đội hình tốt, con người tốt, đội bóng này có thể đập nhả nhuyễn ở tốc độ rất cao.

Dẫu vậy, cây đinh ba của Incheon đã "gẫy" Moon Seon Min - cầu thủ chuyển sang Jeonbuk và vừa ghi bàn vào lưới đội bóng cũ. HLV Andersen mang Công Phượng về bởi tiền đạo này có thể dự phòng cho Mugosa, vừa chơi được ở cánh trái để khỏa lấp vị trí của Moon Seon Min.

Bộ ba của Incheon khuyết mất một.

Kế hoạch này phá sản hoàn toàn khi Jun Jae Nam dính chấn thương cổ trong chiến thắng 2-1 trước Gyeongnam FC. 2 vòng sau, đến lượt Mugosa nghỉ thi đấu vì chấn thương gối. Incheon mất cả 3 cầu thủ tấn công chủ lực, cộng với sự xáo trộn khủng khiếp trong đội hình (thay đổi đến... 22 cầu thủ), HLV Andersen phải làm việc với đội ngũ hoàn toàn mới mẻ. Chiến lược gia người Na Uy có là "thánh" cũng không thể giúp Incheon ngay lập tức chơi gắn kết.

Công Phượng hoặc Incheon United phải thay đổi

Một trong hai, hoặc cả hai. Bằng không, Incheon sẽ không thoát khỏi cuộc khủng hoảng phong độ hiện tại. Tất nhiên, một cá nhân thay đổi luôn dễ hơn cả đội bóng.

Nếu chấm theo thang 10, Công Phượng đạt điểm mấy trong những trận vừa qua? Có lẽ là 6,5 hoặc 7. Công Phượng đã chơi tốt trong nhiệm vụ đột phá, tạo cơ hội cho đồng đội (4 đường chuyền sắc bén) hay di chuyển tích cực để pressing. Tuy nhiên, Công Phượng không được hỗ trợ với một hệ thống đủ tốt. Incheon đã gẫy "đinh ba" tấn công và họ không có giải pháp phòng ngừa cho việc này.

Tình huống tiêu biểu cho sự đơn độc của Công Phượng trên hàng công. Một mình chân sút mang áo số 23 (vòng tròn đỏ) đuổi bóng, trong khi các đồng đội đều đi bộ, lùi về khu giữa sân, để các hậu vệ Jeonbuk thoải mái triển khai bóng. Việc phối hợp không đồng bộ của Incheon khiến đội bóng này hầu như không pressing hiệu quả trong cả trận.

Một tình huống khác cho thấy sự rời rạc của Incheon. Công Phượng cầm bóng (vòng tròn đỏ) và bị đối phương theo sát, be góc chuyền, buộc cầu thủ này phải chuyền về. Nếu Công Phượng thoát pressing và chuyền ngược về cầu thủ giữa sân, Incheon sẽ có cơ hội phản công do tuyến phòng ngự của Jeonbuk (áo xanh) đã xô lệch về cánh trái. Công Phượng không thoát được pressing, nhưng có thể thấy các cầu thủ áo trắng không cho thấy sự sẵn sàng cho tình huống phản công nếu có bóng.

Vấn đề trong lối chơi của Incheon là sự thiếu đồng bộ và Công Phượng dĩ nhiên phải chịu một phần trách nhiệm. Dù vậy, khó trách cầu thủ sinh năm 1995 do anh chưa có nhiều thời gian "thẩm thấu" cách di chuyển cũng như chiến thuật của cả đội. Mà Incheon hiện tại cũng không có chiến thuật nhất quán do mất tới 8 cầu thủ vì chấn thương, gần như thay cả đội hình.

Do các mắt xích không di chuyển đúng nhịp độ, cự ly nên Incheon thường xuyên phải sử dụng những đường chuyền xẻ biên, tận dụng tốc độ hai cầu thủ đá cánh là Công Phượng và Kim Bo Seob. Tuy nhiên, Incheon không được tập luyện bài bản cho lối chơi này. Bằng chứng là hàng loạt đường mở biên hỏng, thừa lực dẫu không chịu sức ép nào.

Công Phượng bị ép phải đua tốc với hậu vệ Jeonbuk trong tình huống mở biên thừa lực. Nếu là đường chuyền ngắn, vừa tầm, cơ hội cho Incheon sẽ rõ ràng hơn nhiều.

Thêm một tình huống Công Phượng (vòng tròn đỏ) bị kẹp giữa trung vệ và hậu vệ Jeonbuk. Nếu bóng được mở cho tiền vệ trung tâm (vòng tròn xanh), Incheon sẽ có thế 4 đánh 4, cơ hội rõ ràng hơn rất nhiều. Pha bóng này cho thấy tư duy cứng nhắc của các hậu vệ Incheon. Hầu như không có pha tấn công nào được tổ chức bài bản từ hàng thủ.

Một tình huống trong thất bại 0-3 của Incheon trước Daegu FC. Công Phượng (vòng tròn đỏ) cầm bóng ở hành lang trong, song không cầu thủ nào của Incheon xuất hiện ở tuyến hai (hình chữ nhật) để tiếp ứng. Mugosa phải lùi xuống nhận bóng. Nếu Công Phượng chuyền hướng 1, đồng đội của anh sẽ rơi vào bẫy pressing với 4 cầu thủ Daegu chờ sẵn. Chuyền theo hướng 2 (mở biên), pha tấn công sẽ kết thúc bằng quả tạt vô hại như bao pha bóng khác của Incheon khi đối phương đã "khóa" biên rất kỹ.

Cự ly đội hình thiếu chuẩn mực, đồng bộ khiến Incheon thường chuyền không quá 3 lần chính xác liên tiếp. Khi bị Jeonbuk pressing, đội khách buộc phải đẩy bóng dài, đá biên để tìm kiếm sự an toàn. Thực tế, Incheon không được xây dựng để đá lối đá kiểu Anh. Cả Mugosa, Jun Jae Nam, Hamad hay Công Phượng đều có thể hình không quá lý tưởng. Nếu muốn đá bổng, đội bóng này đã mua về một chân sút cao to hơn.

Tuy nhiên, Công Phượng không "vô can" trong đà sa sút của Incheon. Ở tình huống này, Công Phượng nhận bóng bên phía cánh trái. Một pha đi bóng và chọc xuống cho Kim Bo Seob sẽ khiến cơ hội mở ra, song tiền đạo này lại xử lý hơi rườm rà, kịp thời gian cho Jeonbuk tổ chức phòng ngự. Theo HLV Andersen, Công Phượng còn nhiều điều cần cải thiện. Một trong số đó là tốc độ xử lý và đưa ra quyết định.

Nhưng tựu chung lại, vấn đề của Công Phượng vẫn là hệ thống bất ổn của Incheon không cho phép đội bóng này tổ chức quy củ, bài bản. Hầu hết các đợt tấn công đều tự phát và dễ dàng bị bẻ gẫy từ giữa sân. Công Phượng còn "đen đủi" hơn khi đồng đội của anh là Kim Bo Seob lại là mẫu tiền vệ không mạnh ở khả năng phối hợp. Cầu thủ mang áo số 39 nhanh, khỏe, khéo, song không bao giờ lựa chọn chuyền cho Công Phượng. Các cầu thủ Incheon cũng "ngại" chuyền cho Công Phượng do anh còn quá mới, chưa có thời gian tìm hiểu và phối hợp tốt với đồng đội.

Theo MSN Sport, Công Phượng cần thời gian thích nghi, Incheon cũng vậy. Chỉ khi các trụ cột trở lại, HLV Andersen mới có thể vận hành đội bóng theo lối đá từng giúp Incheon trụ hạng ngoạn mục mùa trước. Còn không, đội bóng áo xanh-đen vẫn chỉ là cỗ máy lắp vội với những linh kiện rời rạc, thiếu ăn ý.

"Công Phượng đã chơi tốt, điều đó tốt cho cậu ấy và cho cả bóng đá Việt Nam. Cậu ấy cần thời gian để thích nghi, quen với nhịp độ thi đấu, tập luyện, ngôn ngữ cũng như lối sống tại Hàn Quốc. Công Phượng có thể chất tốt và hy vọng cậu ấy có hệ thống tốt để phát huy khả năng", chuyên gia Steve Darby nhận định.

Hồng Nam

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-cong-phuong-chua-the-toa-sang-o-incheon-united-d467606.html