Vì sao Công nghệ Giáo dục không phải sách giáo khoa?

Trải qua 40 năm thăng trầm, sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã được hội đồng thẩm định quốc gia thông qua. Được đánh giá tốt, tài liệu này không phải là sách giáo khoa.

Công nghệ Giáo dục giúp học sinh viết đúng, nắm chắc luật chính tả'. Sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục giúp học sinh phân biệt âm - chữ, quy tắc đánh vần, chính tả, không phải thay thế chữ bằng hình vuông, tròn như nhiều người hiểu nhầm.

Từ năm 1978 đến nay, Công nghệ Giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại khởi xướng đã trải qua 40 năm, hiện được áp dụng ở 49 tỉnh thành với hơn 800.000 học sinh.

Sách Công nghệ giáo dục được đánh giá tốt, nhiều thời điểm được Bộ GD&ĐT khuyến khích sử dụng vì có lợi cho học sinh.

Gần 50% học sinh lớp 1 đang học sách của GS Hồ Ngọc Đại

Sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Q.Q.

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt lớp 1, cùng việc rà soát, tinh giản những nội dung chưa phù hợp học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục.

Sau 2 vòng, hội đồng thẩm định đánh giá, về cơ bản tài liệu đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Trước đó, cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai tài liệu này và đề xuất giải pháp.

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá việc triển khai tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục ở các địa phương đạt hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả sách này.

Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, đánh giá bộ tài liệu Công nghệ Giáo dục mang lại những kết quả nhất định. Thế mạnh là học sinh đọc thông, viết thạo, nắm chắc được quy tắc chính tả.

Cụ thể, học sinh lớp 1 được học tách âm với tiếng trên phương diện ngữ âm học. Từ đó, các em nắm chắc ngữ pháp và không viết sai. Sau giai đoạn đánh vần, học sinh sẽ đọc thành thạo, đáp ứng được yêu cầu mục tiêu chương trình tiếng Việt. Đó là cách nhận diện trực quan, đơn giản nhất của học sinh.

Ông Hữu cho rằng cách tiếp cận và truyền dạy của Công nghệ Giáo dục khác nhau nhưng vẫn cùng đích đến với sách giáo khoa chính thống là giúp học sinh “đọc thông viết thạo”.

Như vậy, về mặt chuyên môn và quản lý Nhà nước, sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại được đánh giá tốt và là tài liệu được triển khai rộng rãi trên cả nước, chứ không chỉ trong trường Thực nghiệm.

Theo thống kê mới nhất, năm học 2018-2019, cả nước có 49 tỉnh, thành triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục với gần 800.000 học sinh. Khoảng gần 50% học sinh lớp 1 đang học sách của GS Hồ Ngọc Đại.

Vì sao không phải sách giáo khoa?

GS Hồ Ngọc Đại cho rằng một trong những nguyên nhân khiến ông và quan điểm giáo dục của mình bị chỉ trích nặng nề những ngày qua có liên quan thị phần sách giáo khoa mới. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Dù được đánh giá tốt và đang được áp dụng rộng rãi, Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục không phải sách giáo khoa, mà chỉ là tài liệu được áp dụng trong nhà trường trên tinh thần tự nguyện của địa phương và cơ sở giáo dục.

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội, cho biết cách đây 6 tháng, ông đã chất vấn Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về chương trình thực nghiệm.

Những câu hỏi ông đặt ra là: “Tại sao một đề tài 40 năm mà chưa có kết luận thành công hay thất bại?”, “Tại sao mô hình đã thu được những thành công và được xã hội đánh giá cao nhưng lại chưa được nhân rộng?”.

Tuy nhiên, PGS Nguyễn Lân Hiếu vẫn chưa nhận được câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ông mong sớm nhận được phản hồi trong thời gian tới.

Câu hỏi của PGS Nguyễn Lân Hiếu cũng là thắc mắc của nhiều cư dân mạng những ngày qua. Vì sao Công nghệ Giáo dục được đánh giá tốt nhưng lại không phải là sách giáo khoa?

Theo một số chuyên gia, Luật giáo dục hiện tại quy định một chương trình một bộ sách giáo khoa, do Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm. Vì thế, với bộ sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT đã và đang được lưu hành, Công nghệ Giáo dục chỉ là tài liệu dạy học.

Bộ GD&ĐT khẳng định sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, việc độc quyền sách giáo khoa sẽ bị xóa bỏ khi một chương trình nhưng nhiều sách giáo khoa sẽ bắt đầu từ năm 2019 hoặc 2020, triển khai từ lớp 1.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu độ cho biết khi chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, tất cả tài liệu dạy học (trong đó có Công nghệ Giáo dục) được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được hội đồng quốc gia thẩm định.

Căn cứ kết luận và đề xuất của hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng GD&ĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo chương trình giáo dục phổ thông mới). Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

16 năm độc quyền và manh nha "cuộc chiến thị phần" sách giáo khoa mới

PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho rằng một trong những lo ngại được dư luận quan tâm những ngày qua là cạnh tranh "miếng bánh béo bở" của thị phần sách giáo khoa. Trong đó, có thông tin sách Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị "đánh", vì là đối thủ số một (chiếm 50% trong các trường học).

16 năm qua (từ năm 2000), NXB Giáo dục việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT độc quyền xuất bản sách giáo khoa, mỗi năm in 100 triệu bản mới. Phụ huynh mỗi năm phải chi tới 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa cho con. Nhiều ý kiến cho rằng lợi nhuận quá lớn khiến "cuộc chiến thị phần" sách giáo khoa mới đang manh nha hình thành, khi từ năm 2019-2020, nhiều nhà xuất bản khác được in sách giáo khoa.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, cho hay ở các nước, Bộ Giáo dục chỉ ban hành chuẩn chương trình, bao gồm khung cốt lõi để dựa vào đó xây dựng chương trình cụ thể áp dụng viết sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục không viết sách giáo khoa. Các nhà xuất bản cũng tự bỏ tiền để in sách. Hội đồng thẩm định là các nhà chuyên môn như giảng viên đại học, giáo viên ở phổ thông, không phải toàn giáo sư, tiến sĩ.

Viết sách giáo khoa là công việc của tác giả, không bao cấp như ở Việt Nam dẫn đến độc quyền. Bởi, Bộ GD&ĐT sẽ giám sát nội bộ và là người thành lâp nhóm này, nhóm kia, dễ phát sinh tiêu cực.

Cũng theo ông Khuyến, Bộ GD&ĐT tổ chức viết một bộ sách rồi đứng ra thẩm định không khác nào "vừa đánh trống vừa thổi còi". Khi đó, các nhóm viết sách phải tự đầu tư và chưa biết trước kết quả sẽ ra sao thì không nhiều người dám làm. Nếu không có sự tương đương về điều kiện, trách nhiệm, chuyên môn, "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" cũng khó khả thi và cũng chỉ chống được một phần của sự độc quyền.

Ông Nguyễn Quốc Vương - nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Lịch sử tại Đại học Kanazawa, Nhật Bản - cho rằng cần tạo ra một cơ chế tốt, minh bach, công bằng, người dân được lợi, sách giáo khoa sẽ tốt lên và ngược lại.

Theo đó, cơ chế phải tách bạch người làm chương trình, người làm quan chức giám sát, người xét duyệt chuyên môn. Người trong hội đồng xét duyệt thì không được tham gia viết và tuyển chọn sách giáo khoa. Người viết chương trình cũng không được tham gia viết sách vì một trong những tiêu chuẩn để đánh giá bản thảo sách giáo khoa là tham chiếu chương trình như thế nào.

Hội đồng tuyển chọn sách giáo khoa ở địa phương cũng phải có thành phần đa dạng, kiểm soát lẫn nhau. Tất cả vấn đề này đã được triển khai nghiêm túc tại Nhật Bản suốt 70 năm qua, Việt Nam nên học hỏi.

Theo Quyên Quyên (Zing)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vi-sao-cong-nghe-giao-duc-khong-phai-sach-giao-khoa-911810.html