Vì sao cộng đồng mạng 'ồn ào' chuyện xây dựng cáp treo trên bán đảo Sơn Trà

Nhiều người dân phản ứng, nếu đưa hệ thống cáp treo vào sử dụng sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường, đặc biệt là nơi sinh sống của loài Voọc Chà vá chân nâu.

Những ngày gần đây, cộng đồng mạng xôn xao thông tin về việc trong tương lai sẽ mở cáp treo trên bán đảo Sơn Trà.

Theo đó, cộng đồng mạng bàn tán từ việc có một văn bản trao đổi nghiệp vụ của Sở Du lịch và Sở Xây dựng Đà Nẵng về nghiên cứu xây dựng, phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà, có đề cập đến quan điểm về việc xây dựng tuyến cáp treo từ công viên Đại dương lên đỉnh Bàn Cờ, bán đảo Sơn Trà (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).

Bán đảo Sơn Trà nơi tập trung Voọc Chà vá chân nâu quý hiếm

Chiều 15-11, trao đổi với chúng tôi, ông Dương Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, vấn đề trên mới có ý tưởng và trao đổi nghiệp vụ một số nội dung chứ chưa bàn nội dung cụ thể. Nếu sau khi thảo luận, đồng nhất được ý tưởng thì còn xin chủ trương của thành phố, và còn thực hiện nhiều công đoạn trên phương diện bảo vệ môi trường, cảnh quan khu bảo tồn là vấn đề then chốt. Còn quyết thế nào thì chỉ có lãnh đạo thành phố mới quyết được.

Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, TP.Đà Nẵng hoàn toàn chưa có chủ trương hay bất cứ quyết định nào về việc xây dựng tuyến cáp treo trên bán đảo Sơn Trà.

Được biết, việc quy hoạch bán đảo Sơn Trà, ngày 21-10-2016, Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Sơn Trà, Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích khoảng 4.439ha.

Mục tiêu quy hoạch nhằm phấn đấu trước năm 2025, phát triển khu du lịch Sơn Trà đáp ứng các tiêu chí của Khu DLQG; đến năm 2030 Khu DLQG Sơn Trà trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia.

Voọc Chà vá chân nâu trên Bán đảo Sơn Trà

Song song với kế hoạch này, các sở ngành của Đà Nẵng đang có các nghiên cứu liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng, kêu gọi đầu tư đến Sơn Trà. Hiện thành phố Đà Nẵng đang thực hiện theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Cộng đồng mạng cho rằng, Tập đoàn Sun Group là chủ đầu tư dự án cáp treo lên Sơn Trà. Phía Tập đoàn Sun Group cho rằng: Để ủng hộ chủ trương của Đà Nẵng xây dựng một số công trình quảng bá cho du lịch tại bán đảo Sơn Trà, góp phần làm gia tăng sự hấp dẫn cho điểm đến, Tập đoàn Sun Group đã xin tham gia tài trợ một phần kinh phí cho công tác nghiên cứu quy hoạch.

Tới thời điểm này, công tác quy hoạch bắt đầu bước vào giai đoạn nghiên cứu rất thận trọng để tìm ra giải pháp tốt nhất, hài hòa các mục tiêu: vừa có thể phát triển du lịch, vừa bảo vệ môi trường và thiên nhiên Sơn Trà chứ chưa có chủ trương làm cáp treo.

Hiện tại người dân và du khách cùng lúc có thể tiếp cận nhiều điểm đến yêu thích tại Sơn Trà, trong đó có đỉnh Bàn Cờ bằng ô tô, xe máy, xe đạp hoặc đi bộ. Việc nghiên cứu các phương tiện mới như cáp treo, xe điện… chỉ là góp thêm cho du khách những trải nghiệm mới, để ngắm toàn cảnh Sơn Trà từ trên cao.

Mọi phương án đều sẽ được các nhà nghiên cứu về xây dựng, các chuyên gia môi trường... tham gia đánh giá, góp ý để đi đến kết luận cuối cùng. Trong quá trình nghiên cứu nếu thấy các phương tiện hiện tại đã đáp ứng nhu cầu người dân và đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường thì việc xây dựng tuyến cáp treo là không cần thiết.

Bán đảo Sơn Trà (trước đây gọi là Sơn Chà) thuộc thành phố Đà Nẵng, được xem là một trong những “bán đảo tề thiên” ở miền Trung, bởi nơi đây có rất nhiều loài khỉ. Điều đặc biệt, tại BĐ Sơn Trà tập trung voọc Chà vá chân nâu (gọi tắt là voọc CVCN, thuộc họ khỉ), loài động vật đặc biệt quý hiếm trong Sách đỏ.

Voọc CVCN có độ tinh khôn được xem là gần giống loài người nhất (96%), nó có vẻ đẹp mê hồn và được ví là “nữ hoàng linh trưởng”. Theo các nhà sinh thái học, hiện Sơn Trà có tất cả 287 loài thú, 106 loài chim, 15 loài động vật hoang dã quý hiếm cần được bảo tồn, trong đó có voọc chà vá chân nâu, một loại linh trưởng đặc biệt chỉ còn lại số ít cá thể trên thế giới.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/vi-sao-cong-dong-mang-on-ao-chuyen-xay-dung-cap-treo-tren-ban-dao-son-tra-post180503.html