Vì sao Công an TP.HCM 'bất lực' trước hàng loạt thủ tục chế độ chính sách cho chiến sĩ công an kéo dài đến 42 năm?

Hành trình thẩm định hồ sơ các vết thương tật của ông Nguyễn Quang Hường dần được hé mở. Ban giám đốc Công An TP.HCM và các phòng ban liên quan rất quan tâm đến sự vụ này nhưng đành ngậm ngùi... chờ, giống như ông Hường đã chờ đến 42 năm qua. Thủ tục vướng ở đâu? Ai chịu trách nhiệm về sự vô tâm vô tình này?

Ông Nguyễn Quang Hường là cảnh sát giao thông và bị thương khi đang làm nhiệm vụ. Ông bị cướp bắn tổng cộng 4 phát đạn vào người, may mắn thoát chết và sau đó còn bị cướp tông thẳng vào chốt gác làm thương tích thêm trầm trọng. Từ năm 1977 đến nay, ông Hường vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách thương binh nào. Hiện nay ông vẫn phải tự mua thuốc uống, các vết thương bắt đầu gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Bàn tay trái cử động rất yếu. Viên đạn còn trong người gây ảnh hưởng đến cử động toàn thân. Gia cảnh khó khăn cùng với thương tật đã làm ông yếu dần qua năm tháng.

Năm 2005, ông Lê Đông Phong khi còn là Phó giám đốc Công an TP.HCM đã xác nhận những vết thương tật trên người của ông Nguyễn Quang Hường.

Năm 2005, ông Lê Đông Phong khi còn là Phó giám đốc Công an TP.HCM đã xác nhận những vết thương tật trên người của ông Nguyễn Quang Hường.

Vừa qua, trong buổi tiếp xúc, làm việc với đại diện Công an TP.HCM về sự việc này, chúng tôi được biết vào thời điểm sau khi ông Nguyễn Quang Hường bị thương đã nhận được Thông báo số 77 của Phòng tổ chức cán bộ Công an TP.HCM về việc hưởng chế độ thương tật 1 lần theo quy định của Chính phủ đối với thương tật 16%. Tuy nhiên ông Hường không đồng ý.

Ông Nguyễn Quang Hường khẳng định: "Nhận được thông báo số 77, tôi không tin vào sự thật. Cục chính sách thuộc Bộ Công an không cho tôi được hưởng chế độ thương binh, họ viện dẫn nghị định này, nghị định kia cộng với các lỗ hổng của văn bản pháp luật để bác hồ sơ của tôi. Theo tôi họ hoàn toàn làm trái pháp luật, không có TÂM! Theo tôi, ai viện dẫn những lý lẽ này chính là người có tội với đất nước, với những người đã đổ xương máu để giữ gìn an ninh trật tự mà thành phố mới được giải phóng như bản thân tôi là quá bất công..."

Xót xa thay, sự việc chỉ có vậy , ông Nguyễn Quang Hường muốn được nhìn nhận công bằng và đúng tỷ lệ thương tật nhưng kéo dài đến năm 2017 bằng các loại thủ tục. Đến ngày 19/6/2017, Công an TP.HCM vẫn tiếp tục đã gửi công văn số 1423/CATP-TCCB về việc đề nghị Cục chính sách (thuộc Tổng cục chính trị CAND) tiếp tục xem xét giải quyết chế độ thương binh với trường hợp ông Nguyễn Quang Hường. Trong công văn có ghi rõ quan điểm của Công an TP.HCM về sự việc này: "... đề nghị Cục chính sách - Tổng cục chính trị CAND tiếp tục xem xét việc xác nhận thương binh đối với trường hợp ông Nguyễn Quang Hường tại thời điểm Hội đồng giám định Y khoa II - Bộ Công an kết luận tỷ lệ mất sức lao động do thương tật là 21% (ngày 23/3/2005)..."

Công văn của Giám đốc Công an TP.HCM - ông Lê Đông Phong - đã gửi Cục chính sách từ năm 2017

Công an TP.HCM đã cố gắng viện dẫn Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định điều kiện giải quyết chế độ thương binh là người bị thương trong đấu tranh chống các loại tội phạm; Thông tư số 20/200/TTLT-BLĐTBXH-BYT ngày 20/9/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế hướng dẫn về việc giám định lại thương tật của người bị thương nhằm đấu tranh đòi quyền lợi được hưởng 21% chế độ thương binh cho ông Nguyễn Quang Hường.

Thế nhưng, vào tháng 10/2017, Bộ lại gửi công văn số 8704 cho Hội đồng Y khoa II (công văn này không gửi Công an TP.HCM) yêu cầu làm rõ việc giám định tỷ lệ 21% là do thương tật lần đầu tiên hay là lần bị tai nạn giao thông. Đồng thời xác định rõ vết thương tái phát là vết thương nào? Có phải do vết thương bị bắn 4 viên đạn hay vết thương bị tai nạn giao thông?

Bản thân ông Nguyễn Quang Hường cũng xác nhận chưa nhận được công văn số 8704 như Công an TP.HCM. Lúc đó, ông Hường cũng chỉ trao đổi với Đội trưởng Đội chính sách thuộc phòng tổ chức cán bộ thuộc Công an TP.HCM và được yêu cầu làm giấy cam kết hưởng chế độ thương binh từ 4 vết đạn chứ không phải bị thương vì tai nạn giao thông.

Đại diện Công an TP.HCM khẳng định với báo Pháp Luật Việt Nam: "Cả hai lần bị thương của ông Hường đều là trong lúc đang làm nhiệm vụ. Một lần bị bắn và lần sau bị bọn cướp tông thẳng vào gác chốt giao thông". Như vậy, việc Cục chính sách - Tổng cục chính trị CAND yêu cầu xác định vết thương nào tái phát, vết thương bị bắn hay vết thương bị tai nạn giao thông có khác gì nhau? Phải chăng việc xác định này chỉ nhằm mục đích gây khó khăn, làm nhẹ đi phần nào ý nghĩa các vết thương trên cơ thể mà ông Nguyễn Quang Hường phải gánh chịu? Lý do vì sao hai lần bị thương khi làm nhiệm vụ mà chỉ công nhận lần đầu?

Việc xét duyệt chính sách cho người có công nếu chọn không đúng người, đặt không đúng đối tượng hoặc bất công sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tinh thần những người đang cống hiến cho đất nước!

Vì không nắm được yêu cầu của Cục chính sách nên Công an TP.HCM cũng đành gác lại sự vụ và... chờ đợi như người chiến sĩ công an Nguyễn Quang Hường đã chờ đến 42 năm nay.

Sau buổi tiếp xúc và làm việc với báo Pháp Luật Việt Nam vào tháng 5/2019 vừa qua, Công an TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục gửi đơn đến Bộ nhằm kiên quyết theo đuổi đến cùng sự việc rất xót xa này!

Báo Pháp Luật Việt Nam tiếp tục cập nhật thông tin và diễn biến sự việc!

Quang Huy

Đón xem: Ý kiến của Cục chính sách - Tổng cục Công An Nhân Dân về việc ông Nguyễn Quang Hường 42 năm chưa được nhận chính sách thương binh

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/vi-sao-cong-an-tphcm-quotbat-lucquot-truoc-hang-loat-thu-tuc-che-do-chinh-sach-cho-chien-si-cong-an-keo-dai-den-42-nam-4750/