Vì sao có thể sốc phản vệ khi thái hành?

Sau khi thái một củ hành để chuẩn bị nấu ăn tối cho gia đình, nam thanh niên 25 tuổi rơi vào tình trạng sốc phản vệ nặng với biểu hiện phù nề toàn bộ mặt, hai mắt không thể mở, tức ngực, khó thở.

Người nhà bệnh nhân cho biết sau khi chỉ thái một củ hành ta nhỏ khoảng 10 phút bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sưng nề mặt, mắt, tình trạng ngày càng nghiêm trọng nên gia đình ngay lập tức đưa đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau khi tiêm Adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ) bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở, nhưng mặt, hai mắt vẫn sưng nề. Khoảng 20 phút sau cấp cứu bệnh nhân dần ổn định và chuyển điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện.

Bác sĩ Sùng Đức Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Phú Thọ cho biết sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Theo một bác sĩ tại BV Đa khoa Xanh Pôn, thái củ hành cũng có thể xảy ra phản ứng sốc phản vệ nhưng hiếm hơi. Từ trước tới nay các trường hợp xảy ra sốc phản vệ chủ yếu xảy ra ở những thực phẩm chứa nhiều protein như hải sản, nhộng, trứng kiến, thịt, lạc… Còn sốc phản vệ ở thực vật ít hơn.

Hình ảnh bệnh nhân vào cấp cứu sau thái hành.

Hình ảnh bệnh nhân vào cấp cứu sau thái hành.

Tuy nhiên, cơ địa dị ứng thì vẫn có thể xảy ra sốc phản vệ ví dụ có những người dị ứng với thành phần củ hành tây thì khi thái củ hành cũng có thể dị ứng mẩn đỏ, nặng thì sốc phản vệ.

Có rất nhiều trường hợp sốc phản vệ do dị ứng phấn hoa nếu gặp các loại hoa như hoa ly, hoa sữa.

Tình trạng sốc phản vệ thường bắt đầu từ những vấn đề liên quan đến hệ thống miễn dịch. Cơ thể sẽ tạo ra một loại protein, có tên là immunoglobulin E hoặc IgE để chống lại các chất gây dị ứng.

Tuy nhiên, việc phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với những chất vô hại, chẳng hạn như một số thực phẩm nhất định sẽ gây ra các chuỗi phản ứng hóa học và kích hoạt hiện tượng dị ứng xảy ra.

Ngừng ngay đường tiếp xúc với dị ứng nguyên. Đặt bệnh nhân nằm tại chỗ, đầu thấp, chân cao. Tư thế nằm nghiêng nếu có nôn (nằm nghiêng trái nếu là phụ nữ có thai).

Phản vệ cơ chế miễn dịch và không miễn dịch được xử trí giống nhau, trong đó adrenaline và ôxy là các biện pháp quan trọng nhất và sớm nhất để làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Adrenaline được chỉ định cho người có dấu hiệu của phản vệ hay đe dọa phản vệ, hoặc cả khi không có triệu chứng chuẩn mực cho chẩn đoán phản vệ.

Để phòng sốc phản vệ, trước khi đang tiêm một thuốc nào đó, nếu bạn cảm thấy bất thường như bồn chồn, hốt hoảng, tê lưỡi, ngứa da... hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử trí phản vệ.

Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường

Nếu bạn có dị ứng với côn trùng đốt, phải cẩn thận khi gần chúng. Mặc quần dài và áo dài tay, không đi chân trần lên cỏ, tránh các màu sáng, không dùng nước hoa, không mở soda bên ngoài nhà. Bình tĩnh khi gần loại côn trùng đó.

Nếu bạn dị ứng với thức ăn hãy đọc cẩn thận nhãn. Quá trình chế biến có thể thay đổi, bạn cần kiểm tra định kỳ nhãn hiệu các thứ mà bạn thường ăn. Khi bạn đi ăn ở tiệm, tìm hiểu cách chế biến và các thành phần có trong món ăn. Một tí thức ăn mà bạn dị ứng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng.

Khánh Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/vi-sao-co-the-soc-phan-ve-khi-thai-hanh-282423.html