Vì sao có thể mất mạng khi viêm tụy cấp?

Mới đây, một nam thanh niên bị viêm tụy cấp tử vong tại một bệnh viện lớn khiến nhiều người bận tâm về khả năng cứu chữa khi không may mắc phải.

Tuyến tụy đóng vai trò quan trọng cho sự sống của cơ thể - Ảnh (minh họa) - Tư liệu của Bộ Y tế

Ca tử vong này cũng nhận được sự quan tâm của giới y khoa. Chiều nay, 16.9, một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã có thông tin chia sẻ về căn bệnh nguy hiểm này.

Bác sĩ cho hay, tụy là cơ quan nặng khoảng 80 gram nằm trong ổ bụng, gắn vào đoạn tá tràng (đoạn ruột ngay sát dưới dạ dày). Tụy khá đặc biệt bởi đó là một tuyến có cả chức năng nội tiết và ngoại tiết. Về nội tiết, tuyến này tiết ra các hormone Insulin (làm hạ đường huyết), Glucagon (làm tăng đường huyết) và Somatostatin để điều chỉnh tác dụng của Insuulin và Glucagon, đảm bảo việc duy trì glucose trong máu ( đường huyết) ổn định.

Dù tuyến tụy chỉ nhỏ bé như vậy nhưng còn đảm đương chức năng ngoại tiết khá “tinh nhuệ”, bởi mỗi ngày nó tiết ra khoảng 1000 - 1500 ml dịch tụy (chứa nhiều enzyme tiêu hóa, là các enzyme tiêu tinh bột, tiêu mỡ, tiêu protein) được đưa vào cơ thể.

Các bác sĩ lưu ý, bình thường các enzyme tuyến tụy tiết ra dưới dạng tiền chất, khi dịch tụy chảy xuống ruột, chúng mới được hoạt hóa thành các enzyme hoạt động để tiêu hóa các thức ăn trong ruột. Nhưng vì một lý do nào đó (như tắc ống tụy do sỏi, giun, mỡ máu quá cao,… hoặc uống rượu nặng quá nhiều), các men tụy được hoạt hóa ngay tại tụy và khi đó thay vì chỉ phục vụ cho tiêu hóa thức ăn thì chúng sẽ tiêu hóa luôn tuyến tụy như một loại thức ăn. Và khi đó, viêm tụy cấp sẽ xảy ra mà thể nặng nhất của viêm tụy cấp là viêm tụy cấp hoại tử, tức là các men tụy tiêu hóa thành công tuyến tụy thành một khối hoại tử.

Tỷ lệ tử vong cao

Các bệnh nhân viêm tụy sẽ được giảm đau, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, dùng thuốc để ức chế tụy bài tiết các enzyme tiêu hóa. Nếu có tình trạng viêm tụy hoại tử thì thầy thuốc sẽ cân nhắc phẫu thuật để giải phóng khối hoại tử và dẫn lưu các enzyme tiêu hóa ra ngoài. Nếu phát hiện các nguyên nhân gây tắc ống tụy, bệnh nhân sẽ được nội soi hoặc phẫu thuật để giải phóng nguyên nhân gây tắc.

"Người bệnh càng suy nhiều tạng, nguy cơ tử vong càng cao và nếu suy nặng tất cả các tạng thì nguy cơ tử vong có thể tiệm cận 100%. Tỷ lệ này vẫn chưa hề được cải thiện trong vòng 10 năm qua dù đã áp dụng nhiều tiến bộ trong y khoa" các bác sĩ chia sẻ.

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 8,9 triệu người bị viêm tụy cấp và mạn, trong số đó khoảng 132.000 người tử vong. Trong đó, nhóm viêm tụy cấp tỷ lệ tử vong là từ 10-15%. Riêng với viêm tụy cấp thể hoại tử, tử vong có thể tới 40%. Ngay cả ở những trung tâm hồi sức tốt nhất trên thế giới, bệnh nhân bị viêm tụy cấp có suy đa tạng tính chung cũng tử vong đến 30%.

Nam Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/vi-sao-co-the-mat-mang-khi-viem-tuy-cap-1003667.html