Vì sao cổ phiếu VCB 'dậm chân tại chỗ' suốt từ đầu năm dù thị trường liên tiếp phá đỉnh?

Thống kê cho thấy thị giá VCB gần như 'dậm chân tại chỗ' trong khi chỉ số VN-Index và chỉ số VN30-Index tăng hàng chục phần trăm kể từ đầu năm.

 Vì sao cổ phiếu VCB 'dậm chân tại chỗ' suốt từ đầu năm dù thị trường liên tiếp phá đỉnh?

Vì sao cổ phiếu VCB 'dậm chân tại chỗ' suốt từ đầu năm dù thị trường liên tiếp phá đỉnh?

Suốt từ đầu năm tới nay, cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ tăng vỏn vẹn 3%, thị giá thường xuyên dao động quanh ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu với biên độ tăng, giảm cỡ khoảng 10%.

Trong khi đó, chỉ số VN-Index đã tăng tới 19% và chỉ số VN30-Index đã tăng tới 36%.

Màn trình diễn trong 1 năm vừa qua của VCB cũng kém hơn nhiều thị trường chung khi thị giá cổ phiếu này tăng 21% trong khi VN-Index tăng tới 52% còn VN30-Index tăng tới 79%.

Đâu là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu VCB "dậm chân tại chỗ" suốt từ đầu năm tới nay?

Nhìn lại biểu đồ giá, có thể thấy thị giá VCB đã có những nhịp tăng rất mạnh từ nửa cuối năm 2017 đến đầu năm 2020 với mức tăng tổng cộng cỡ khoảng 150%, dù màn trình diễn của thị trường chung không mấy ấn tượng. Điều này đã đẩy mức định giá theo cả P/B và P/E của Vietcombank vượt xa so với các ngân hàng khác, qua đó làm giảm sức hấp dẫn so với các cổ phiếu ngân hàng khác.

Thêm vào đó, Vietcombank được cho là đang "để dành" lợi nhuận thông qua các nghiệp vụ kế toán (thuật ngữ kinh tế thường được gọi là Cookie Jar Reserve) với tín hiệu là tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao ngất ngưởng, lên đến khoảng 380%.

Lý giải về tỷ lệ bao phủ nợ xấu cực cao, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho hay: "Các quy định hiện hành chỉ yêu cầu trích lập tối thiểu chứ không hạn chế mức trích lập tối đa nên chúng tôi nâng cao tỷ lệ trích lập để đảm bảo an toàn cho ngân hàng, thực hiện đúng thông lệ quốc tế. Nếu những năm tới, các khoản nợ xấu thu hồi được thì trích lập dự phòng lại trở thành lợi nhuận của ngân hàng, cơm không ăn thì gạo vẫn còn đó".

Đây là nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận năm 2020 của Vietcombank chỉ đi ngang, trong khi kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 khá khiêm tốn, chỉ tăng 11% so với năm 2020. Do vậy, tăng trưởng lợi nhuận không trở thành chất xúc tác cho giá cổ phiếu VCB.

Bên cạnh đó, "game" tăng vốn ở Vietcombank vẫn chưa phát đi tín hiệu gì mới, do đó không hỗ trợ cho giá cổ phiếu.

Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã nâng giá mục tiêu của VCB từ 98.000 đồng/cổ phiếu lên 108.900 đồng/cổ phiếu. So với phiên đóng cửa gần nhất, mức giá mục tiêu sau khi nâng cũng cao hơn chưa đến 10%, cho thấy sức hấp dẫn của cổ phiếu này ở thời điểm hiện tại vẫn còn bỏ ngỏ.

Đáng chú ý, VCSC nêu giả định rằng Vietcombank sẽ phát hành 307,6 triệu cổ phiếu thông qua phát hành công khai/riêng lẻ vào năm 2022 với giá 95.000 đồng/cổ phiếu, tức là thấp hơn thị giá hiện tại.

Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của Vietcombank được VCSC dự báo đạt mức 26,5% vào năm 2021, 33,8% vào năm 2022 và 29,8% vào năm 2023. Hệ số định giá P/E theo đó sẽ được kéo về mức 16 lần vào năm 2021, 13 lần vào năm 2022 và 10 lần vào năm 2023.

So với mức định giá P/E hiện tại của các ngân hàng lớn thì mức định giá 16 lần của VCB vào cuối năm 2021 đã được kéo về khá sát.

Dù vậy, hệ số định giá P/B vẫn ở mức khá cao, dự kiến đạt 3,3 lần cuối năm 2021, 2,5 lần cuối năm 2022 và 2,1 lần cuối năm 2023.

Minh Tâm

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vi-sao-co-phieu-vcb-dam-chan-tai-cho-suot-tu-dau-nam-du-thi-truong-lien-tiep-pha-dinh-20180504224253599.htm