Vì sao chứng khoán liên tục giảm mạnh?

Thị trường chứng khoán ngày 27-1 tiếp tục chứng kiến một phiên bán tháo, cuốn trôi gần như toàn bộ thành quả nhà đầu tư tích lũy được suốt mấy tháng qua

Đây là phiên thứ hai liên tiếp nhà đầu tư trải qua cảm giá "ngộp thở" khi lực bán dồn dập trên toàn thị trường, cổ phiến lớn nhỏ, tốt xấu đều đồng loạt lao dốc, có lúc VN-Index mất hơn 44 điểm. Phiên buổi chiều, hệ thống nhận lệnh của sàn HoSE tiếp tục bị nghẽn, nhờ đó mà áp lực giảm điểm được thu hẹp. Về cuối phiên, VN-Index đóng cửa chỉ còn giảm 38,95 điểm (3,43%) xuống 1.097,17 điểm; HNX-Index giảm 3,09% xuống 220,79 điểm và UPCom-Index giảm 2,56% xuống 74,46 điểm.

Chỉ với 2 phiên giảm sâu gần đây, VN-Index đã "bay hơi" toàn bộ thành quả đạt được từ đầu năm (kết năm 2020 tại 1.103 điểm). Hàng chục ngàn tỉ đồng vốn hóa của thị trường tiếp tục bị thổi bay, thành quả của các nhà đầu tư F0, F1, F2… hầu hết đều bị mất sạch, thậm chí lỗ nặng từ 10%-20% tài khoản.

Thị trường chứng khoán liên tục đỏ sàn những ngày gần đây. Ảnh: Hoàng Triều

Thị trường chứng khoán liên tục đỏ sàn những ngày gần đây. Ảnh: Hoàng Triều

Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 20.000 tỉ đồng và hệ thống giao dịch sàn HoSE tiếp tục xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh.

Trong phiên, hàng loạt cổ phiếu lớn giảm sâu như BVH, FPT, GAS, MSN, VIC, VNM, SAB, PNJ, POW, VHM, VRE… đã tác động tiêu cực tới thị trường. Đà giảm không chỉ ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán cũng giảm khá sâu, thậm chí nhiều cổ phiếu chứng khoán đã giảm sàn như AGR, BVS, CTS, HCM, MBS, VCI, VND…

Tương tự, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng cũng chịu áp lực bán mạnh với nhiều mã giảm sàn như DIG, FCN, CEO, HDG, IJC, LDG, DPG…

Đà giảm sâu cũng diễn ra với các cổ phiếu dầu khí, hàng không, dệt may, thép, viễn thông, khu công nghiệp…

Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định "đây có thể là mức giảm mạnh nhất so với các chỉ số chính trên thế giới" và nguyên nhân là do yếu tố kỹ thuật hơn là các thông tin tác động cả trong và ngoài nước.

Theo MBS, việc VN-Index để mất ngưỡng hỗ trợ 1.111 điểm có thể đã khiến áp lực bán lên cao. Vì vậy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, đưa tỉ trọng danh mục về mức cân bằng hoặc thấp.

Phòng phân tích công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng thị trường chung và nhiều nhóm cổ phiếu đã bắt đầu đi vào trạng thái quá bán sau các phiên sụt giảm mạnh liên tiếp của VN-Index. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số sớm xuất hiện phản ứng hồi phục VN-Index khi tiếp cận vùng hỗ trợ 1.065-1.085 điểm trong một vài phiên kế tiếp.

Theo BVSC, chiến lược đầu tư lúc này là duy trì tỉ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 30-50%. Ưu tiên nắm giữ các vị thế trung, dài hạn. Nhà đầu tư có tỉ trọng tiền mặt cao có thể xem xét mở dần các vị thế mua thấp, mang tính dò đáy trong những phiên tới.

Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ nhiều cổ phiếu cao nên tận dụng các nhịp hồi phục để bán giảm tỉ trọng về mức cân bằng.

Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BSC) dự báo VN-Index có thể giảm tiếp về quanh ngưỡng 1.080 điểm và lực cầu có thể trở lại tại khu vực này.

Tr.Nguyễn - Ảnh: Hoàng Triều

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/vi-sao-chung-khoan-lien-tuc-giam-manh-20210127192927142.htm