Vì sao chưa thể dạy trực tuyến và dạy qua kênh truyền hình cho tất cả học trò?

Thời điểm mà học sinh cả nước đang phải nghỉ học dài ngày như thế này thì vấn đề dạy trực tuyến hay dạy qua truyền hình được nhiều người đề cập tới.

Việc dạy trực tuyến hay dạy qua kênh truyền hình có lẽ không phải là vấn đề mới đối với ngành giáo dục nước ta.

Tuy nhiên, việc thực hiện lâu nay chỉ dành cho một lượng đối tượng sinh viên, học viên nhất định mà thôi, chứ chưa thực hiện đại trà.

Thế nhưng, trong thời điểm mà học sinh cả nước đang phải nghỉ học dài ngày như thế này thì vấn đề dạy trực tuyến hay dạy qua truyền hình được nhiều người đề cập bởi đó là cách có thể giúp cho học trò có thể nắm được kiến thức trong những ngày nghỉ học ở nhà.

Vậy, khi thực hiện dạy và học trực tuyến hay qua kênh truyền hình có gặp những khó khăn trở ngại nào không?

Vì sao mà ngành giáo dục lại chưa thể dạy cho tất cả các đối tượng học trò- đó là điều mà nhiều người đang đặt ra trong lúc này.

 Sở Giáo dục phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Nai ghi hình bài giảng của giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN)

Sở Giáo dục phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Nai ghi hình bài giảng của giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN)

Rất khó dạy qua truyền hình đối với tất cả các môn học ở các khối lớp

Những ngày qua, những ý kiến về việc dạy trên truyền hình khá nhiều và thực tế một số địa phương đã đang dạy trên truyền hình cho một số đối tượng học sinh cuối cấp.

Vậy, vì sao chỉ dạy cho học sinh cuối cấp và lại chỉ dạy một số môn học mà nó có liên quan đến kỳ thi tuyển sinh 10 và kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia mà thôi? Vì sao những môn học không có liên quan đến thi cử và các khối còn lại thì chưa thể thực hiện được?

Điều này cho chúng ta thấy rằng các địa phương chỉ có thể quan tâm đến đối tượng học trò có liên quan đến các kỳ thi quan trọng chứ chưa thể quan tâm đến tất cả các đối tượng học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 12 được.

Bởi vì một điều rất đơn giản là kênh truyền hình các tỉnh luôn có nhiều chuyên mục phát sóng khác nhau ở các khung giờ đã cố định nên không thể dành toàn bộ thời gian cho việc dạy và học của ngành giáo dục.

Nhất là đối với các Đài Truyền hình địa phương thì nó còn liên quan đến nhiều vấn đề khác nữa. Cho dù có sản xuất được nội dung giảng dạy tất cả các môn của các khối học nhưng làm sao có thể đủ thời gian để phát sóng?

Chúng ta chỉ làm một phép tính nhỏ là học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 thì mỗi khối học hiện nay ít nhất mỗi buổi học cũng có 4 tiết. Như vậy, mỗi ngày học có ít nhất là 28 tiết cho 7 khối của 2 cấp học này. Mỗi tiết học có 45 phút thì 28 tiết sẽ là 1.260 phút, tương đương với 21 giờ trong ngày.

Đó là chưa kể 5 khối lớp Tiểu học nữa. Vì thế, nếu muốn dạy được trên truyền hình cho tất cả các môn học thì phải có 2 kênh truyền hình phát song hành với nhau liên tục từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều thì may ra mới đảm bảo hết nội dung kiến thức từ lớp 1 đến lớp 12.

Chính vì thế, việc dạy trên truyền hình cho tất cả các môn học của các khối lớp phổ thông là điều không thể trong bối cảnh hiện nay của các địa phương.

Dạy trực tuyến sẽ gặp những khó khăn nào?

Dạy và học trực tuyến hiện nay đang mang lại hiệu quả rất lớn và thực tế có nhiều học sinh đăng ký học. Thế nhưng, muốn học trực tuyến được thì cũng phải có nhiều điều kiện đi kèm.

Đối với học sinh các trường công lập hiện nay thì việc dạy trực tuyến đại trà chỉ có thể áp dụng cho các em học sinh từ lớp 6 trở lên bởi chương trình Tiểu học hiện nay chưa dạy đại trà về môn Tin học mà chỉ có một số trường có điều kiện mới dạy Tin học ở cấp học này. Vì vậy, đa phần học sinh Tiểu học chưa đủ khả năng tự học và tương tác với thầy cô khi học trực tuyến.

Muốn học sinh học trực tuyến được thì điều đầu tiên là nhà trường có chủ trương, thầy cô giáo phải hướng dẫn cho học sinh biết cách đăng ký tài khoản, biết cách học và tương tác với bài học, biết làm bài tập và làm bài kiểm tra.

Thế nhưng, một điều mà chúng ta phải thừa nhận là lâu nay các nhà trường đa phần là chưa làm phần việc này. Trong khi dịch bệnh Covid-19 lại đến bất thình lình nên thầy và trò ở các nhà trường gần như hoàn toàn bị động.

Thêm một nguyên nhân nữa là muốn học trực tuyến được thì học sinh phải có máy tính hoặc điện thoại được nối mạng Internet thì mới có thể thao tác được. Vì thế, chỉ có một bộ phận học sinh có đủ điều kiện để học và có khả năng thao tác trên các phần mềm học trực tuyến mà thôi.

Trong khi đó, một bộ phận rất lớn giáo viên hiện nay cũng chưa thuần thục các thao tác soạn bài, đưa bài giảng, bài tập lên các địa chỉ của nhà trường.

Đa phần, thời điểm này thì các Sở Giáo dục và Đào tạo mới phối hợp với các nhà mạng để tập huấn cho giáo viên ở các trường công lập. Nên nhiều giáo viên mới bắt đầu làm quen với phần mềm này.

Đây cũng chính là những khó khăn cơ bản nhất mà ngành giáo dục đang phải trải qua nên chúng ta thấy dù học sinh nghỉ dài ngày nhưng có rất ít trường có thể triển khai được việc dạy trực tuyến cho học trò.

Cần một kịch bản dài hơi cho ngành giáo dục

Sau khi phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 thì chúng ta cũng đã thấy ngành giáo dục và nhiều trường học có phần lúng túng, bị động khi phải để học sinh nghỉ dài ngày nhưng không có những giải pháp hữu hiệu nhằm giúp cho học sinh tự học tập ở nhà.

Chính vì thế, việc chủ động xây dựng những kịch bản cần thiết cho ngành là điều mà Bộ và các Sở Giáo dục cần phải tính đến cho tương lai. Việc dạy trực tuyến nếu thầy và trò thuần thục được các thao tác thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với dạy trên kênh truyền hình vì dạy trên truyền hình chỉ được một số môn cho một vài khối học bởi không có thời gian để phát sóng.

Dạy trực tuyến thì cả thầy và trò chủ động được thời gian và thầy cũng có thể sâu sát hơn với học trò của mình khi chủ động đánh giá được những sản phẩm của học trò nộp cho mình.

Tuy nhiên, muốn triển khai có hiệu quả và có thể chủ động được với những kỳ nghỉ dài hạn như hiện nay thì ngành giáo dục cần chú trọng tập huấn thường xuyên cho giáo viên để họ có thể thao tác thành thạo các phần mềm, tự mình sản xuất được các bài giảng, bài tập và các hiệu ứng cần thiết.

Đồng thời, các trường cần có kế hoạch để bộ môn Tin học giảng dạy và cho học trò đăng ký, thao tác được các kỹ năng cơ bản với phần mềm học trực tuyến ở trường.

Hy vọng, sau kỳ nghỉ này, ngành giáo dục các địa phương sẽ có những giải pháp dài hơi, căn cơ hơn nữa để cả thầy và trò chủ động dạy và học tốt hơn khi gặp những sự cố tương tự như dịch bệnh Covid-19 mà chúng ta đang phải trải qua.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vi-sao-chua-the-day-truc-tuyen-va-day-qua-kenh-truyen-hinh-cho-tat-ca-hoc-tro-post207339.gd