Vì sao chưa thể công nhận mại dâm là nghề hợp pháp tại Việt Nam?

Nghề mại dâm vẫn chưa thể trở thành nghề hợp pháp tại Việt Nam vì theo các chuyên gia nghề nhạy cảm này còn vướng phải nhiều vấn đề quan trọng.

Mại dâm chưa được công nhận là nghề hợp pháp tại Việt Nam

Liên quan đến việc công nhận mại dâm là nghề hợp pháp, trả lời báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ quý I-2018 do Bộ Tư pháp tổ chức vào chiều 6/4, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho hay, pháp luật hiện hành chưa công nhận mại dâm là một nghề vì một số biện pháp xử phạt hình sự, hành chính vẫn xử phạt đối với người hành nghề mại dâm.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội chứa mại dâm (Điều 327), tội môi giới mại dâm (Điều 328), tội mua dâm người dưới 18 tuổi (Điều 329). Nghị định số 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình... cũng quy định việc xử phạt đối với hành vi mua bán dâm.

“Việc tới đây có công nhận hay không mại dâm là một nghề hợp pháp thì cần cả quá trình nghiên cứu về mặt chính sách sau đó có văn bản pháp luật quy định rõ ràng”, bà Hạnh nói.

Trước đó, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng Phòng Chính sách, phòng chống mại dâm - Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện chúng ta vẫn đang coi mại dâm là hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hướng tới bảo vệ quyền con người.

Vì thế, việc xây dựng chính sách về mại dâm sẽ dựa trên 2 tiêu chí: Tôn trọng Hiến pháp và phù hợp với các điều lệ, công ước quốc tế mà Việt Nam đang tham gia.

“Chúng tôi đang tiến hành thu thập luồng thông tin để hoàn thiện chính sách pháp luật trong giai đoạn mới”, ông Dũng cho hay.

Pháp luật hiện hành chưa công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp (Ảnh minh họa)

Pháp luật hiện hành chưa công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp (Ảnh minh họa)

Ông Dũng phân tích thêm: “Trong số gần 200 quốc gia, số quốc gia cho phép tồn tại mại dâm nhỏ hơn. Mà nếu cho phép cũng chỉ là một số khu vực, không phải cả nước. Mỗi mô hình, mỗi cách quản lý đều có mặt tiêu cực và tích cực.

Mô hình ấy có phù hợp với chúng ta không thì còn phải nghiên cứu rất sâu. Giải pháp hiện thời là giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm và giảm thiểu tác hại của nghề đối với phụ nữ. Chúng ta phải cố gắng có được góc nhìn phù hợp, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp”.

Còn bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, muốn công nhận hay không công nhận mại dâm là một nghề, đòi hỏi một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng dù thế nào cũng phải bảo đảm quyền con người.

“Chúng tôi không bao giờ chấp nhận các hành vi xâm phạm đến quyền lợi, danh dự và nhân phẩm của các chị em phụ nữ. Cần có các chế tài, quy định để bảo vệ phụ nữ và cả đàn ông. Vì theo pháp luật Việt Nam hiện hành, mọi hành vi mua - bán, chứa chấp mại dâm đều bị cấm”, bà Cầm nói.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh (Văn phòng Luật sư Minh bạch) nêu thực tế, lâu nay ta áp dụng nhiều biện pháp như coi mại dâm là tội phạm, đưa người hoạt động mại dâm vào các trại phục hồi nhân phẩm, rồi sau đó phạt cho tồn tại, nhưng kết quả vẫn không quản lý được, mại dâm vẫn tồn tại và phát triển.

“Chúng ta có thể thành lập một khu vực riêng, nếu hoạt động trong khu vực đó thì hợp pháp, nhưng ngoài thì bất hợp pháp. Câu chuyện công nhận nghề hay không nghề là phạm vi hẹp, quan trọng là làm cách nào để quản lý. Còn chúng ta phạt rồi cho tồn tại thì khác nào công nhận, mà lại không quản lý được”, luật sư Trần Tuấn Anh nêu quan điểm.

Ngộ độc nấm, 3 người trong một gia đình tử vong ở Hà Giang (Nguồn: TTXVN)

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/vi-sao-chua-the-cong-nhan-mai-dam-la-nghe-hop-phap-tai-viet-nam-d125832.html