Vì sao chưa tạo được sự đột phá?

Được cho là vùng đất giàu tài nguyên về du lịch nhưng suốt thời gian dài, ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa tạo được sự đột phá để phát triển. Theo các chuyên gia và nhà quản lý, ngoài những nguyên nhân, như thiếu tính liên kết, sản phẩm du lịch còn trùng lặp và đơn điệu thì vấn đề chất lượng nguồn nhân lực và nguồn lực đầu tư phát triển là 'nút thắt' khiến du lịch ĐBSCL chậm phát triển.

Nguồn nhân lực thiếu và yếu

Theo báo cáo của ngành du lịch các địa phương vùng ĐBSCL, hiện nay nguồn nhân lực du lịch (đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài) tại các địa phương đều gặp khó khăn, lao động giản đơn, trình độ nghề thấp chiếm tỷ trọng lớn trong khi công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng này không mang lại hiệu quả. Tại tỉnh Bến Tre, tỷ lệ lao động trong ngành đã qua đào tạo, bồi dưỡng chỉ đạt 60%; tỉnh Cà Mau có khoảng 5.000 người làm việc trong ngành du lịch nhưng hơn 2.000 người chưa qua đào tạo, 1.500 người đào tạo khác chuyên ngành. Khá hơn là Vĩnh Long, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch khoảng 1.300 người, trong đó 70% lao động đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành từ phổ cập đến chuyên sâu.

 Khách du lịch tham quan Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Khách du lịch tham quan Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).

Đến nay, toàn vùng ĐBSCL chỉ có một cơ sở duy nhất đào tạo chuyên ngành về du lịch là Trường Cao đẳng nghề Du lịch Cần Thơ với quy mô hàng năm 350-400 sinh viên chính quy, con số này khá nhỏ so với nhu cầu lao động trong ngành. Theo bà Võ Xuân Thư, Giám đốc khu vực ĐBSCL của Tập đoàn Thiên Minh: Bên cạnh việc tiếp thị, quảng bá điểm đến, các địa phương vùng ĐBSCL cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Bởi hiện tại, lực lượng lao động có kỹ năng nghề chưa đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở kinh doanh du lịch trong vùng.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam: So với cả nước, nguồn nhân lực du lịch của ĐBSCL chỉ chiếm 2,5% với khoảng 50.000 lao động. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của vùng cũng không ổn định do tình trạng lao động giỏi đang có xu hướng bị thu hút về các thành phố lớn, nhất là TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch trong vùng chưa chú trọng tự đào tạo lao động, ngành chức năng thì cũng không có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nhân lực; kinh phí nhà nước dành cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa tương xứng.

Nguồn lực đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những năm qua, lượng khách quốc tế đến với ĐBSCL chỉ bằng 1/3 so với khu vực miền Trung. Trong năm 2018, tổng số khách du lịch quốc tế của toàn vùng đạt 3,4 triệu lượt, nếu chỉ so sánh riêng với TP Hồ Chí Minh (đón khoảng 7,5 triệu lượt khách) thì ĐBSCL còn thấp hơn rất nhiều. Trong 22 địa phương đón nhiều khách quốc tế nhất cả nước, toàn vùng ĐBSCL chỉ có hai địa phương nằm trong nhóm này là tỉnh Kiên Giang (xếp thứ 12) và TP Cần Thơ (thứ 15).

Một trong những nguyên nhân khiến ĐBSCL không trở thành nơi ưu tiên lựa chọn của khách du lịch quốc tế là điều kiện giao thông chưa thuận tiện và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch yếu kém, do nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế.

Mặc dù là “điểm sáng” về phát triển du lịch ở ĐBSCL nhưng tỉnh Kiên Giang vẫn không tránh khỏi tình trạng này. Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, việc đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển du lịch ở các vùng trọng điểm của tỉnh (trừ huyện đảo Phú Quốc) chưa tương xứng và thiếu đồng bộ, nhiều dự án đầu tư triển khai chậm hoặc chưa triển khai. Các tuyến quốc lộ trọng yếu qua địa bàn tỉnh, như: Quốc lộ 80, Quốc lộ 63, Quốc lộ 61 (đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhứt), đường Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và các tuyến đường đấu nối từ quốc lộ vào một số khu, điểm du lịch ngày càng xuống cấp, đang là trở ngại cho phát triển du lịch đường bộ kết nối đến địa phương. Cầu cảng và đường giao thông, cấp nước sạch tại các đảo thuộc hai huyện Kiên Hải, Kiên Lương và TP Hà Tiên chưa đáp ứng yêu cầu cho phát triển du lịch.

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết: “Sở Du lịch đang xây dựng các đề án liên quan đến các lĩnh vực, như: Chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh; mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh và chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng theo hướng vận dụng linh hoạt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư du lịch phát triển. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch còn hạn chế. Chính sách đối với phát triển du lịch, nhất là vùng hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa còn thấp, chưa đủ khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân tham gia”.

Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong vài năm trở lại đây, du lịch về nguồn gắn với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử-văn hóa ở ĐBSCL có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng cho các khu, điểm du lịch về nguồn trọng điểm được các địa phương đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, như: Khu di tích Gò Tháp, Khu di tích Xẻo Quýt, Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp); Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (Vĩnh Long)... Hiệu quả mang lại từ loại hình du lịch này là những gợi ý rất đáng được cấp ủy, chính quyền các cấp ở ĐBSCL nghiên cứu, triển khai nhằm thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển du lịch trở thành lĩnh vực phát triển mũi nhọn của đất nước.

Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/vi-sao-chua-tao-duoc-su-dot-pha-605971