Vì sao chưa khởi tố vụ án để làm rõ sai phạm thi cử ở Sơn La?

Luật sư cho rằng vụ việc đủ căn cứ và cần khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan và những người có liên quan đến sai phạm thi cử Sơn La

Mới đây, Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83), Bộ Công an đã xác định kết quả thi ở Hội đồng thi Sở GD&ĐT Sơn La có dấu hiệu chỉnh sửa, tẩy xóa kết quả thi với hàng chục bài thi có dấu hiệu bị can thiệp kết quả.

Cũng liên quan đến vụ việc, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ÐT - người dẫn đầu Tổ công tác của Bộ) cho biết: Bằng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, sau 5 ngày làm việc, Tổ công tác đã phát hiện 6 sai phạm quy chế thi đối với môn thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi Sở GD&ÐT Sơn La.

Trụ sở Sở GD-ĐT Sơn La, nơi được phát hiện có dấu hiệu sai phạm trong thi THPT Quốc gia.

Trụ sở Sở GD-ĐT Sơn La, nơi được phát hiện có dấu hiệu sai phạm trong thi THPT Quốc gia.

Cơ quan chức năng đã chỉ ra một số cá nhân liên quan đến sai phạm trên gồm: Ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ÐT Sơn La; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng; bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng; ông Ðặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu; ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng Phòng KTQLCLGD, Sở GD&ÐT Sơn La.

Được biết, ngày 25/7, sau khi Tổ công tác của Bộ GD&ĐT đối sánh dữ liệu và chấm thẩm định lại 110 bài thi môn Ngữ văn tại Sơn La thì có 42 thí sinh bị giảm điểm so với kết quả công bố ngày 11/7 vừa qua, trong đó có 1 thí sinh bị giảm 4,5 điểm.

Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Trao đổi về về vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, căn cứ vào những thông tin đã có từ các cơ quan chức năng thì cần khởi tố vụ án để làm rõ vai trò trách nhiệm và những hành vi sai phạm của các tổ chức cá nhân.

“Cần phải điều tra làm rõ việc chỉnh sửa bài thi đó để nhằm mục đích gì? Có việc làm dụng chức vụ quyền hạn để sai phạm không? Hay việc lạm dụng chức vụ quyền hạn của họ để chỉnh sửa bài thi thì có liên quan đến mua bán điểm chác hay không? Hoặc có đưa, nhận hay môi giới hối lộ không, hay vì mục đích khác liên quan đến ý chí chủ quan của cái người thực hiện các hành vi đó”, luật sư Trần Thu Nam nói.

Luật sư Trần Thu Nam cũng cho biết thêm: “Nếu các đối tượng làm vì mục đích nhận tiền thì sẽ vi phạm tội nhận hối lộ, nếu không nhận hối lộ mà cố chỉnh sửa vì vấn đề gì đó không nhận vật chất, cả nể hay nhận sự chỉ đạo thì sẽ quy vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Chính vì vậy cần làm rõ vụ việc, làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng người một, rồi điều tra kiểm định từng bài thi…để đủ căn cứ và cơ sở để khởi tố bị can vào tội danh rõ ràng và đầy đủ nhất”.

Luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Cùng chung quan điểm với luật sư Nam, luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) khẳng định đã đủ căn cứ khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra làm rõ các sai phạm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Luật sư Trương Anh Tú phân tích, vụ việc trên cũng như vụ việc ở Hà Giang là đặc biệt nghiêm trọng, những việc làm này không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật mà còn gây dư luận xấu, giảm uy tín của tỉnh Sơn La nói riêng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và chất lượng thi THPT năm 2018 trên cả nước nói chung.

Theo luật sư Tú, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia rất quan trọng, nhằm lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH - CĐ và giáo dục nghề nghiệp.

Sự việc “nâng điểm, chỉnh sửa kết quả thi không trong sáng” như vậy tại 2 tỉnh Sơn La và Hà Giang thì rất cần được giải quyết kịp thời và phải xử lý nghiêm những tổ chức và cá nhân có sai phạm nếu có.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Vụ việc này không phải hành động tự phát hay bột phát của các cán bộ thuộc Sở GD&ĐT Sơn La mà rất có thể có nhiều người can thiệp, tạo sức ép. Về việc quan trọng này, cơ quan điều tra cần xác định được danh sách các đối tượng đã can thiệp, tẩy xóa, sửa điểm cho thí sinh. Căn cứ vào Điều 359 bộ luật hình sự năm 2015 và căn cứ vào thông tin vụ việc thì đủ điều kiện khởi tố vụ án về tội giả mạo trong công tác (sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu)”.

Theo đó, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng./.

6 sai phạm quy chế thi đối với môn thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi Sở GD&ÐT Sơn La bao gồm: Sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép.

Tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, không đúng quy định, phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong.

Khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định.

Tiếp đó là quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định, ngoài ra, máy tính dùng chấm thi không được niêm phong.

Tại thời điểm kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ÐT Sơn La.

Không dừng lại ở đó, một số phiếu trả lời trắc nghiệm của các thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa.

Việc bàn giao bài thi giữa các điểm thi với Hội đồng thi Sở GDÐT, việc bảo quản bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi, việc bàn giao bài thi giữa Ban thư ký với Ban làm phách không đảm bảo quy định.

Điều 359 bộ luật hình sự năm 2015 quy định

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Nhật Ngân/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/vi-sao-chua-khoi-to-vu-an-de-lam-ro-sai-pham-thi-cu-o-son-la-792394.vov