Vì sao chưa đến 1% xoài Việt Nam sang TQ chính ngạch?

Câu chuyện quả xoài cho thấy tình trạng đã tồn tại mấy chục năm qua ở Việt Nam: có gì bán nấy, bán đổ bán tháo.

Dù xoài là một trong 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc hiện nay (cùng với thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt), song lượng xoài sang Trung Quốc theo con đường này lại rất thấp.

Theo thông tin tại báo cáo “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị xoài tại ĐBSCL" tổ chức hôm 12/4 tại Đồng Tháp và được Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lại, xuất khẩu xoài hàng năm đạt khoảng 160.000-170.000 tấn, trong đó, có 94% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Theo báo cáo này, trong số 94% sản lượng xoài được xuất khẩu sang Trung Quốc, thì chỉ có 0,08% (tương đương 141 tấn) được xuất khẩu theo đường chính ngạch, tức có đến trên 99% xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang quốc gia tỷ dân này (số liệu được ghi nhận vào năm 2019).

Không ngạc nhiên trước con số này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, theo thông tin ông nắm được thì kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm gần 84% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này của năm ngoái, còn lại là sang các thị trường khác như châu Âu, Hàn Quốc, Úc, Nga...

Con số chính xác là bao nhiêu cơ quan quản lý sẽ rà soát, làm rõ, song PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng nó phản ánh đúng thực trạng diễn ra nhiều năm qua, đó là trái cây Việt Nam, trong đó có quả xoài, sang Trung Quốc chủ yếu theo con đường tiểu ngạch bằng cách rồng rắn lên cửa khẩu ở Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang.

"Chuyện này do thương lái hai bên thỏa thuận với nhau. Nhu cầu của thị trường Trung Quốc rất lớn, thương lái nhập xoài của Việt Nam có lãi tốt thì sẵn sàng đưa ra biên giới để nhập về.

Nó cũng cho thấy tình trạng đã tồn tại mấy chục năm qua ở Việt Nam: có gì bán nấy, bán đổ bán tháo. Thương lái ép giá nông dân trồng xoài, mua rẻ rồi lên biên giới bán rẻ, miễn là có lãi. Đó là cách làm ăn của kiểu sản xuất chỉ cần lợi mình mà không cần biết người khác ra sao", vị chuyên gia nhận xét.

Xoài Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu vẫn theo con đường tiểu ngạch. Ảnh minh họa

Xoài Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu vẫn theo con đường tiểu ngạch. Ảnh minh họa

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, cách đây 20 năm, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đã xác định phải chuyển dần sang buôn bán chính ngạch, không thể làm ăn theo tiểu ngạch mãi được, nhưng bao năm vẫn không có quy định nào để thực hiện việc ấy.

Kết quả là, nhiều loại trái cây khác của Việt Nam cũng rơi vào cảnh tương tự như quả xoài,. Các nhà buôn Trung Quốc lợi dụng trình độ quản lý yếu kém cùng với thói quen kinh doanh của tiểu thương Việt Nam - miễn là bản thân có lãi, còn thiệt hại cho ai thì không quan tâm. Kết quả là dù Việt Nam có rất nhiều trái cây ngon nhưng giá rẻ, gây lãng phí lớn.

Ngay mặt hàng gạo của Việt Nam cũng vậy. Mãi những năm gần đây, doanh nghiệp Việt bắt đầu biết làm thương hiệu, chú trọng chất lượng nên gạo Việt bắt đầu lên giá. Thậm chí, có một thời gian, giá gạo Việt Nam cao hơn giá gạo Thái Lan. Tuy nhiên, mức giá cao này cũng chỉ mang tính thời điểm do Thái Lan cạn hàng, tính cả năm, giá gạo Việt Nam vẫn thấp hơn của Thái Lan.

Bởi vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, các ngành chức năng phải suy nghĩ, xây dựng ra quy trình quản lý, hướng dẫn cho các nhà buôn, người trồng và các chủ thể cần thực hiện nghiêm túc.

"Việt Nam xuất khẩu được nhiều loại trái cây chính ngạch sang các nước phát triển - những nơi có yêu cầu khắt khe về chất lượng, đóng gói, khử trùng... Tuy nhiên, chúng ta cũng mới chỉ làm được một số ít để báo cáo, tuyên truyền, còn đa phần vẫn bán đổ đống, đóng gói thì tạm bợ, cho vào mấy sọt tre hoặc thùng gỗ, cũng không đưa về kho, có thông tin mã số, tên tuổi rõ ràng", ông nêu rõ.

Về phía thị trường Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Văn Nam lưu ý, chính quyền nước này đã nhiều lần tuyên bố muốn dẹp tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch, chuyển sang chính ngạch. Nhưng trên thực tế, cung cầu vẫn có, hai bên ép nhau, thậm chí không tránh được hiện tượng mua chuộc người quản lý, rồi vẫn cho thông qua hết.

Còn thương lái Trung Quốc đến tận vùng sản xuất, chọn, đặt hàng, đưa mẫu mã để nhà vườn đóng gói theo yêu cầu của họ. Họ mua theo giá Việt Nam nhưng chỉ cần qua biên giới là đóng gói lại bao bì, sản phẩm khi ấy sẽ mang danh là là sản phẩm của cơ sở nào, quốc gia nào sẽ do họ tự quyết, miễn là được giá.

"Rõ ràng, bên cạnh một số người làm ăn thật, vẫn có những thương lái dùng nhiều thủ đoạn để có lợi, thậm chí không loại trừ khả năng họ muốn phá hoại nền sản xuất, thương mại của Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nghi ngại.

Cũng bởi vậy mà dù Trung Quốc tuyên bố ngày càng mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, nhưng lượng trái cây Việt Nam vào được thị trường này theo đường chính ngạch còn rất thấp. Đó là vì phía Trung Quốc kiểm tra rất kỹ, điều này khiến không ít doanh nghiệp Việt làm ăn chính ngạch thấy rề rà, khó khăn, đưa được hàng vào Trung Quốc cũng phải "trầy da, tróc vẩy", họ quay lại tiểu ngạch cho nhanh, đỡ tốn kém dù giá rẻ hơn.

Vị chuyên gia nhấn mạnh, thế mạnh của Trung Quốc chính là thị trường 1,4 tỷ dân, đang trong thời kỳ phát triển, nhu cầu tiêu dùng cao. Trung Quốc có thể sử dụng thế mạnh ấy để ép hầu hết các doanh nghiệp, kể cả các tập đoàn đa quốc gia, mà thực tế đã chứng minh rõ. Đây là vấn đề mà các cơ quan quản lý Việt Nam cần nhìn thấy và phải có có biện pháp đối phó cụ thể. Khi sản xuất tăng lên thì quản lý càng phải gắt gao hơn, tỉ mỉ và chuyên nghiệp hơn.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/thi-truong/vi-sao-chua-den-1-xoai-viet-nam-sang-tq-chinh-ngach-3430598/