Vì sao chưa có lời xin lỗi ?

Tai nạn giao thông không “từ trên trời” đổ ập xuống đầu người dân. Xét tất cả các vụ tai nạn giao thông thảm khốc, thương tâm vừa xảy ra trong thời gian gần đây, đều thấy có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý, kiểm tra, thiếu xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm luật giao thông của ngành giao thông vận tải.

Vụ xe container đâm thẳng vào nhóm người đang đứng chờ đèn đỏ ở xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An ngày 2-1-2019 làm 3 người chết tại chỗ, 17 người bị thương vừa qua, tài xế được xác định dương tính với ma túy. Mới đây, ngày 21-1-2019, tài xế xe tải đâm chết 8 người ở Hải Dương cũng dương tính với ma túy. Sử dụng ma túy khi điều khiển các phương tiện giao thông đâu phải là hành vi sai trái “mới phát sinh” mà ngành chức năng chưa kịp bố trí nhân sự và có giải pháp ngăn chặn.

Theo Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ ra đời cách nay 10 năm (năm 2008), việc sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cũng quy định rất rõ trách nhiệm ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm này thuộc Bộ Giao thông và Cảnh sát Giao thông. Chương 7, Điều 85 Luật Giao thông đường bộ quy định về trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước nêu rõ: “Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Bộ Công an thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông đường bộ theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.

Các nghị định, thông tư liên ngành về trật tự an toàn giao thông đường bộ, hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ cũng đã quy định rất rõ mức xử phạt cho hành vi chống đối người thi hành công vụ khi kiểm tra chất ma túy đối với người điều khiển xe. Cụ thể, Nghị định 46/2016 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: “Phạt tiền từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe không chấp hành yêu cầu kiểm tra ma túy của người thi hành công vụ” (Điều 9). Vậy tại sao những vụ tai nạn giao thông đường bộ thảm khốc, thương tâm do tài xế sử dụng ma túy vẫn cứ xảy ra với mức độ ngày càng “rợn người” như vậy? Ngành chức năng có thể giải thích, do áp lực vận tải, do doanh nghiệp vận tải “ép” tài xế mà cơ quan chức năng không quán xuyến hết… Nhưng, câu trả lời thỏa đáng nhất, đó là những người có trách nhiệm chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Không chỉ ở những vụ tai nạn thảm khốc, khiến thiệt mạng nhiều người mới thấy rõ ngành chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình, mà ở rất nhiều vụ tai nạn hay vụ việc khác cũng không khó để chỉ ra. Vụ tai nạn thương tâm xảy ra hồi trung tuần tháng 12-2018 tại Phú Yên… một người đàn ông đã thiệt mạng vì sụp ổ gà trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Phú Yên. Tuy ngành chức năng có giải thích, đoạn đường vẫn trong thời gian bảo hành nhưng nhiều chuyên gia trong ngành cầu đường cho biết, quốc lộ mà mới sử dụng 3 năm đã ổ gà chằng chịt thế, nhất định có vấn đề về chất lượng. Hiện ngành chức năng đang vào cuộc điều tra, thế nhưng các cơ quan chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải ở đâu trong quá trình làm đường mà để những công trình giao thông kiểu ấy ra đời? Rồi một sự việc đang xảy ra mà nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng nhưng hiện vẫn chưa thấy chuyển biến, đó là việc quản lý trật tự an toàn giao thông trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Tuyến đường này sau khi thu phí hoàn tất và được giao về cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý thì tình hình giao thông qua đây rất lộn xộn. Theo quy định, tốc độ di chuyển trên cao tốc là 100-120km/giờ nhưng hiện có rất nhiều xe tải, xe container “bò” trên tuyến đường này. Đã vậy, nhiều xe còn không tuân thủ quy định về chuyển làn, gây nguy hiểm cực độ cho những phương tiện khác cùng lưu thông… Vai trò quản lý, giữ gìn trật tự an toàn giao thông của ngành chức năng ở đâu?

Chính ngành giao thông đã đưa ra khẩu hiệu “Phía trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim”. Chắc chắn khi nói như vậy, ngành giao thông hiểu hơn ai hết sự quan trọng của việc phải giữ gìn trật tự an toàn giao thông… Do vậy, với những gì đang xảy ra, người đứng đầu ngành giao thông nợ người dân, nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông và người thân của họ một lời xin lỗi cùng một kế hoạch thực thi tốt nhiệm vụ của mình trong năm 2019 và những năm sau nữa.

NGUYỄN KHOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vi-sao-chua-co-loi-xin-loi-572390.html