Vì sao chưa chặn được 'dòng gỗ lậu' trên biên giới?

Thời gian qua, trên tuyến biên giới 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, các đối tượng lâm tặc ngang nhiên vào rừng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Khi bị phát hiện bắt giữ, bọn chúng liều lĩnh dùng vũ khí chống lại lực lượng chức năng. Đã có không ít cán bộ địa phương, lực lượng Kiểm lâm và BĐBP bị các đối tượng nhắn tin điện thoại đe dọa vì 'dám cản trở'... đường làm ăn của bọn chúng... Với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm đến cùng, Bộ Tư lệnh BĐBP tập trung chỉ đạo BĐBP các tỉnh phối hợp với các Đoàn đặc nhiệm chống buôn lậu, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP tăng cường tuần tra truy quét, kịp thời ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng.

Bài 1: Vùng biên không bình yên

Hiện nay, trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa nói chung, khu vực biên giới nói riêng, rất nhiều gia đình "sở hữu" loại xe máy độ chế để "leo núi". Lý do được người dân giải thích là dùng để vận chuyển nông sản, song đó chưa phải là mục đích chính mà ở nhiều nơi, loại "cào cào nhảy núi" này dùng để chở lâm sản khai thác trái phép về bán cho các đầu nậu. Mỗi xe dẫu chỉ chở khoảng từ 1-2 tấc gỗ, nhưng mỗi xã có hàng trăm chiếc xe như thế thì mỗi ngày không biết bao nhiêu cây rừng bị đốn hạ.

Gỗ vi phạm bị tạm giữ, tại Đồn BPCK quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum. Ảnh: C. Xuyên - Q. Dinh

Thực trạng đáng báo động

Chỉ vài ngày trung tuần tháng 4, trên địa bàn huyện Ia H'Drai (Kon Tum), lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ khai thác gỗ trái phép với số lượng lớn. Trên đường đi vào xã Ia Dom, chúng tôi bắt gặp hai chiếc xe được cơ quan chức năng huyện Ia H'Drai trưng dụng chở hàng chục mét khối gỗ vi phạm từ khu vực rừng phòng hộ xã Mo Rai cũ về huyện xử lý. Chỉ khoảng vài tiếng đồng hồ sau, chúng tôi lại nhận được thông tin từ Đồn BP Hồ Le (đơn vị quản lý xã Ia Đal, giáp ranh xã Ia Dom) cho biết, vừa phát hiện, bắt giữ một vụ phá rừng quy mô lớn, tại 3 điểm tập kết với số lượng hơn 61m3 gỗ các loại. Tại hiện trường, theo quan sát của chúng tôi, những cây gỗ cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm đã bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc và được xẻ ra từng hộp vuông vắn. Có những hộp gỗ lớn, đường kính trên 1m, chiều dài lên đến 6m. Toàn bộ số tang vật vô chủ này hiện đang được Đồn BP Hồ Le điều tra để lần ra thủ phạm phá rừng, xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Trước đó, cũng trên địa bàn huyện Ia H'Drai, Đồn BP Sê San phối hợp với lực lượng đặc nhiệm, Cục PCMT&TP BĐBP phát hiện, bắt giữ hơn 10m3 gỗ lậu bị các đối tượng lâm tặc đốn hạ chờ vận chuyển về các khu vực trung tâm tiêu thụ.

Cũng trong thời điểm này, trên địa bàn biên giới huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), lực lượng Đặc nhiệm chống buôn lậu thuộc Cục PCMT&TP BĐBP phối hợp với Đồn BPCK quốc tế Bờ Y phát hiện, bắt giữ trên 70m3 gỗ vận chuyển trái phép trên địa bàn. Chủ phương tiện cho biết, số gỗ này được nhập từ Lào về năm 2013 (hợp pháp) đang chuyển từ kho này sang kho khác. Tuy nhiên, tại thời điểm bị bắt giữ, chủ phương tiện không xuất trình được hồ sơ để chứng minh nguồn gốc. Tại xã Đắk Xú (địa bàn giáp ranh xã Bờ Y), vào trung tuần tháng 3-2016, lực lượng Đặc nhiệm chống buôn lậu BĐBP tiếp tục phối hợp với Đồn BP Đắk Xú phát hiện, bắt giữ khoảng 10m3 gỗ hộp vô chủ.

Các vụ việc nêu trên hiện đang được cơ quan chức năng BĐBP tiếp tục điều tra làm rõ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là hoạt động của nhóm đối tượng mà "dân trong nghề" gọi là "lâm tặc chúa" chuyên khai thác vận chuyển gỗ bằng phương tiện cơ giới với số lượng lớn. Ở một "góc khuất" khác, những chiếc xe máy độ chế mà "lâm tặc con" dùng để chuyên chở lâm sản trái phép hiện đang thực sự trở thành đại nạn do số lượng quá lớn, lại rất khó phát hiện, bắt giữ và xử lý.

Đi dọc tuyến biên giới tỉnh Kon Tum và Gia Lai, có thể thấy nhan nhản những chiếc xe máy độ chế dùng để vận chuyển gỗ lậu, trong đó có những xã, đội hình "cào cào nhảy núi" này tập trung đến vài ba trăm chiếc. Ông Võ Ngọc Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cho biết: "Loại phương tiện này thì địa bàn nội địa cũng có, nhưng phức tạp nhất chính là hai xã biên giới Bờ Y và Đắk Xú. Người dân dùng loại phương tiện này để vận chuyển nông sản, đi nương, đi rẫy, kết hợp khai thác gỗ trái phép mang về bán cho các xưởng gỗ trên địa bàn. Đây có thể xem là "sát thủ" của rừng, bởi loại phương tiên này lưu thông được trên rất nhiều địa hình khác nhau". Theo số liệu từ Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi, từ đầu năm đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện bắt giữ 20 vụ khai thác, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu gần 70m3 gỗ các loại, cùng nhiều phương tiện tang vật vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 135 triệu đồng. Không chỉ xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép, địa bàn huyện Ngọc Hồi mà cụ thể tại xã Bờ Y, trên lâm phần của lâm trường Sa Loong quản lý hiện có khoảng 100ha rừng đã bị người dân địa phương chặt phá, lấn chiếm làm đất sản xuất. Đây là vụ việc phức tạp và dai dẳng diễn ra từ nhiều năm qua, khiến chính quyền địa phương và đồn BP mất không biết bao nhiêu công sức để tuyên truyền, vận động, giải quyết tranh chấp.

Tại một điểm nóng khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đó là khu vực dọc sông Sê San, huyện Ia Grai tiếp giáp huyện Ia H' Drai (Kon Tum), loại xe máy độ chế có những thời điểm "đếm không xuể". Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai đã phát hiện, bắt giữ 28 vụ, với khối lượng hơn 171m3 gỗ các loại, 6 xe ô tô dùng để vận chuyển gỗ... Làm việc với chúng tôi, ông Lâm Văn Long, Hạt trưởng cho rằng, hầu hết các vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện đều diễn ra ở khu vực xã Ia Khai và Ia O nằm dọc sông Sê San. Nguồn gốc gỗ trái phép phần lớn được khai thác, mua bán, vận chuyển từ huyện Ia H'Drai (Kon Tum) mang về theo đường sông, tập kết sang huyện Ia Grai. Tại đây, lợi dụng những thời điểm thuận lợi nhất, các đối tượng lâm tặc dùng các loại phương tiện từ xe tải nặng, xe cần cẩu, xe khách 12 chỗ ngồi, xe máy độ chế lén lút vận chuyển gỗ đưa về nội địa tiêu thụ.

Thực tế cho thấy, địa bàn huyện mới Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum chính là một trong những điểm nóng nhất diễn ra các hoạt động vi phạm lâm luật trên tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên. Tại đây, sau khi gỗ được khai thác xong, các đối tượng lâm tặc dùng bè và thuyền máy kéo dọc sông Sê San về bến làng Tung và các bến sông khác trên địa bàn xã Ia Khai, huyện Ia Grai (Gia Lai), biến nơi đây thành một "cuống phễu" gỗ lậu. Đấy là lời lý giải vì sao chỉ trong một thời gian ngắn mà lực lượng chức năng huyện Ia Grai đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vi phạm lâm luật với số lượng gỗ lớn đến như vậy.

Đâu là nguyên nhân?

Như chúng tôi đã nói, huyện mới Ia H' Drai của tỉnh Kon Tum là địa bàn nóng nhất xảy ra các hoạt động vi phạm lâm luật. Đây là khu vực có diện tích rừng khá lớn nằm bên hành lang Vườn quốc gia Chư Mo Ray và cũng chính là địa phương được UBND tỉnh quyết định giao đất rừng cho một số doanh nghiệp chuyển đổi sang trồng cao su. Lợi dụng chủ trương này, lâm tặc ngang nhiên khai thác gỗ trái phép dưới chiêu bài tận dụng gỗ khai hoang, cây dọc bờ lô để phá rừng. Điều đáng nói là hầu hết các vụ bắt giữ gỗ khai thác trái phép đều thuộc diện "vô chủ". Khi vận chuyển trót lọt về vùng dự án thì ngay lập tức, số gỗ lậu này được hợp thức hóa trở thành hàng có nguồn gốc hẳn hoi, cơ quan chức năng biết đấy nhưng không kiểm soát được.

Không chỉ "tấn công" vào các lâm phần ở khu vực nội địa, lâm tặc còn lén lút lên tận đường biên giới để "hành nghề" khiến cho tình hình ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Tại một số khu vực trên đường tuần tra biên giới tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia của tỉnh Kon Tum, có thể nhận thấy dấu tích rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Nhiều cổng bê tông dùng để hạn chế các phương tiện cơ giới lớn bị các đối tượng cố tình húc gãy, nhằm dọn đường cho xe cơ giới vào vận chuyển gỗ. Như vậy, phía sau những vụ khai thác lâm sản trái phép, rừng không chỉ bị xóa sổ, mà công trình quốc gia cũng đang bị xâm hại.

Xe máy độ chế chở gỗ trên một bến sông thuộc huyện biên giới Ia Grai, Gia Lai. Ảnh: C. Xuyên - Q. Dinh

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho thực trạng phá rừng trên khu vực biên giới ngày càng diễn biến phức tạp đó là, sự gia tăng các loại phương tiện độ chế. Có những cung đường, "đội quân" xe máy độ chế "thịnh" đến mức ngồi đâu cũng nghe tiếng nổ "đinh tai nhức óc". Việc phát hiện loại phương tiện này vận chuyển gỗ là không khó, nếu không muốn nói là dễ như... nắm bàn tay. Tuy nhiên, sự nan giải nằm ở chỗ xử lý ra sao để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, bởi nhiều gia đình kinh tế khó khăn, bát cơm manh áo đều phụ thuộc vào loại phương tiện được ví như "cào cào nhảy núi" này. Qua trao đổi, làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, tất cả đều chung quan điểm rằng, do dân còn nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn nên ngoài việc dùng xe máy độ chế để vận chuyển nông sản, nhiều gia đình lén lút vào rừng khai thác một ít gỗ mang về bán kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Bắt họ rồi tịch thu phương tiện là coi như bẻ gãy chiếc "cần câu cơm" thì lấy gì để dân sống. Việc hàng trăm chiếc xe máy độ chế, lùng sục trong rừng mỗi ngày để khai thác gỗ thì chuyện rừng bị tàn phá là lẽ đương nhiên. Và có một điều chắc chắn rằng, với tốc độ phá rừng như hiện nay, rừng tự nhiên trên biên giới sớm muộn cũng "biến mất".

Một nguyên nhân nữa khiến cho tình trạng vi phạm lâm luật cứ âm ỉ diễn ra trên tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên, đặc biệt khu vực biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh Kon Tum đó là việc các doanh nghiệp đang bị kẹt một số lượng gỗ rất lớn bên kia biên giới do chủ trương "đóng cửa" đối với loại gỗ tròn, gỗ lóng của nước bạn Lào. Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được, dọc tuyến đường từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y sang trung tâm tỉnh Át-ta-pư (Lào), hiện còn nhiều cây gỗ được các doanh nghiệp khai thác theo hợp đồng đã ký kết trước khi Lào "đóng cửa gỗ tròn" đang chờ nhập về Việt Nam, khiến cho các doanh nghiệp đứng ngồi không yên. Và đây cũng chính là nguồn cung cấp chính để bọn lâm tặc lợi dụng vận chuyển gỗ trái phép qua biên giới.

Bài 2: Mệnh lệnh giữ rừng

Cẩm Xuyên - Quốc Dinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/vi-sao-chua-chan-duoc-dong-go-lau-tren-bien-gioi/