Vì sao Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn bị kiến nghị kiểm điểm?

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ tiếp công dân 12/96 kỳ (12%). Ngoài ra vị chủ tịch này còn 'phớt lờ' chỉ đạo của Thủ tướng và làm trái quy định của pháp luật tại dự án đô thị lớn bậc nhất tỉnh.

Dự án khu đô thị mới Phú Lộc. Ảnh: NNVN

Dự án khu đô thị mới Phú Lộc. Ảnh: NNVN

Chiều 27/2, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ đã ký thông báo Kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Lạng Sơn trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, quản lý đất đai (giai đoạn từ 1/1/2010-31/12/2017).

Cơ quan thanh tra đã phát hiện địa điểm tiếp công dân của một số đơn vị chưa được thực hiện theo quy định của Luật Tiếp công dân (Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn); không niêm yết các quy định chủ yếu của pháp luật về khiếu nại, quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, quy trình giải quyết, như tại Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giao thông vận tải, Sở Nội vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ tiếp công dân 12/96 kỳ (12%), Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình là 61/182 kỳ (33,5%), Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng 74/138 kỳ (53,6%), Chủ tịch UBND huyện Bình Gia 16/59 kỳ (27%), Chủ tịch UBND huyện Tràng Định 41/146 kỳ (28%), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ có 1/56 kỳ (0,17%).

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện việc Chủ tịch UBND huyện, Giám đốc sở ở Lạng Sơn không thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân mà giao cho cán bộ tiếp công dân thực hiện. Điển hình như Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng giao cán bộ tiếp 38/138 kỳ (27,5%); Chủ tịch UBND huyện Bình Gia giao cán bộ tiếp 8/59 kỳ (13,5%); Chủ tịch UBND huyện Tràng Định giao cán bộ tiếp 4/146 kỳ (0,27%); Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giao cho thanh tra viên tiếp 22/56 kỳ (39,2%). Cơ quan thanh tra nhấn mạnh việc này vi phạm Luật Tiếp công dân và Luật Khiếu nại.

Việc ghi chép sổ sách tiếp công dân tại huyện Hữu Lũng, Bình Gia, Tràng Định, Lộc Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Y tế Lạng Sơn cũng chưa đầy đủ nội dung theo quy định. Tổ xác minh ghi chép việc đối thoại với công dân trong quá trình kiểm tra, xác minh vào sổ tiếp công dân thường xuyên như tại Sở Công Thương, Sở Nội vụ là vi phạm quy định của Thanh tra Chính phủ.

Theo Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan liên quan đã có rất nhiều sai phạm, đặc biệt là các sai phạm liên quan đến một trong những dự án đô thị lớn bậc nhất tỉnh này là Dự án Khu đô thị mới Phú Lộc (phường Vĩnh Trại, Thành phố Lạng Sơn).

Theo Thanh tra Chính phủ, chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị mới Phú Lộc có trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2001-2005) của tỉnh Lạng Sơn; quá trình thực hiện được Thủ tướng chỉ đạo đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn làm thủ tục thu hồi, giao đất để thực hiện dự án và thực hiện cơ chế tài chính trong việc thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã không thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo trên, không chấp hành các quy định của pháp luật nên để xảy ra sai phạm.

Cụ thể, về chủ trương đầu tư dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn không lập báo cáo xin phép đầu tư để lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ quản lý ngành, Bộ KH-ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan đến dự án để báo cáo Thủ tướng là trái quy định của Nghị định Chính phủ.

Mặt khác, mặc dù chưa được Thủ tướng cho phép đầu tư nhưng UBND tỉnh Lạng Sơn vẫn chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ vào đồ án quy hoạch Khu đô thị mới Phú Lộc để chia tách các dự án thành phần gồm: Khu đô thị Phú Lộc I, II, III, IV để lập báo cáo nghiên cứu khả thi như một dự án đầu tư độc lập.

Sau khi chia tách các dự án thành phần, UBND tỉnh Lạng Sơn không tổ chức đấu thầu công trình, đấu giá đất để lựa chọn nhà thầu, vi phạm quy định của Bộ Tài chính và Nghị định của Chính phủ...

Tại dự án này, UBND tỉnh Lạng Sơn áp dụng cơ chế tài chính theo hình thức thực hiện dự án thu 12% quỹ đất ở sau khi thực hiện xong dự án là trái quy định. Không chỉ vượt thẩm quyền, những biểu hiện làm trái quy định pháp luật của UBND tỉnh Lạng Sơn còn bị chỉ ra như việc phê duyệt tổng mức đầu tư gồm cả giá trị hạ tầng kiến trúc là không phù hợp với cơ chế đổi đất lấy hạ tầng; không lập dự toán chi tiết hạ tầng kỹ thuật làm cơ sở để đối trừ tiền đất; không lập chi phí bảo hiểm là trái quy định. Cơ chế tài chính giao đất thực hiện dự án thu 12% quỹ đất ở sau khi thực hiện xong dự án là trái các quy định của pháp luật về đất đai, không thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án Khu đô thị Phú Lộc, vấn đề phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch dự án cũng để xảy ra hàng loạt sai phạm.

Từ đó, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm về việc Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Giám đốc các sở, ngành không thực hiện tiếp công dân đầy đủ giai đoạn 2010-2017; đặc biệt Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lạng Sơn không thực hiện tiếp công dân định kỳ tại 22 kỳ.

Tỉnh Lạng Sơn phải chỉ đạo các sở ngành, huyện, thành phố chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra, phòng chống tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến đồng ý với kết luận thanh tra và yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức thực hiện nghiêm túc, tập trung xử lý và khắc phục những vi phạm.

Thiên Thanh (T/H) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/vi-sao-chu-tich-ubnd-tinh-lang-son-bi-kkien-nghi-kiem-diem-85168-3.html